Suy niệm Tin mừng - Lễ Thánh Giuse - Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria (19.3)

  • 18/03/2022 19:04
  • "Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo" (Mt 1, 19).

    Ngày 19/03: Thánh Giuse - Đời sống đức tin thật (Mt 1,16.18-21.24a)

     

    1. Bài đọc 1:  2 Sm 7, 4-5a. 12-14a. 16

    4 Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng :

    5a “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : 12 Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. 13 Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. 14a Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. 16 Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời.”

     

    2.  Đáp ca:  Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

    Ðáp: Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời

    1)  Tôi sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời; qua mọi thế hệ, miệng tôi loan truyền lòng trung thành Chúa. Vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

    2)  Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

    3)  Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

     

    3. Bài đọc 2:  Rm 4, 13. 16-18. 22

    13 Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp ; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin. 16 Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa ; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông. Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, 17 như có lời chép : Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

    18 Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. 22 Bởi vậy, ông được kể là người công chính.

     

    4.  Tin Mừng:  Mt 1, 16. 18-21. 24a

    16 Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

    18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 24a Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

     

    5. Suy niệm:  Sự công chính của thánh Giuse hệ tại điều gì?

    Trong Tin mừng của thánh lễ hôm nay, sau khi giới thiệu lược sử gốc gác của Đức Giêsu, của Mẹ Maria và thánh Giuse cùng tình trạng hôn nhân của các ngài, thánh Mátthêu ghi nhận rất rõ ràng: “ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo”. Đây là một câu khó cắt nghĩa về sự liên hệ giữa hành vi “công chính” và việc “từ bỏ bà cách kín đáo” của thánh Giuse. Vì, theo Kinh Thánh, người công chính được hiểu theo 2 chiều kích: một là tuân giữ Lề Luật; hai là tôn trọng chương trình của Thiên Chúa. Vậy chúng ta nên hiểu sự công chính của thánh Giuse theo nghĩa nào?

    Người ta đã giả thiết rằng, theo như luật được ghi trong sách Lv (20,10) và sách Đnl (22,23-27), nếu ông Giuse là người công chính sống theo Luật, thì chắc hẳn rằng bà Maria, vợ của ông, đã bị ném đá cho đến chết vì đã phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, Giuse đã “không muốn tố giác bà”, nghĩa là ông chẳng làm theo Luật dạy, nên không thể xem Giuse là người công chính theo nghĩa này.

    Giả thiết thứ hai cho rằng, Luật cho phép người chồng có thể ly dị vợ trong trường hợp vợ ngoại tình, điều này ám chỉ đến Đnl 22, 23-27. Tuy nhiên, trong Lề Luật, không có chỗ nào buộc người chồng phải ly dị trong trường hợp người vợ ngoại tình. Hơn nữa, hành vi ly dị chỉ có giá trị khi thực hiện công khai với một chứng thư ly dị trao tận tay cho người vợ (Đnl 25,1) và trước hai nhân chứng (như được ghi trong Mishnah (x. Soṭah 1,1) - một bộ sưu tập các bản giải thích bằng miệng ban đầu về thánh thư được biên soạn vào khoảng năm 200 sau Công Nguyên). Đằng này, ông Giuse lại ‘định tâm bỏ vợ của mình cách kín đáo’ nên không thể xem ông là công chính theo nghĩa tuân giữ Lề Luật. Như vậy, theo 2 giả thiết trên, sự công chính của ông Giuse không hệ tại việc làm theo luật hay tuân giữ Lề Luật.

    Còn giả thiết thứ ba thì cho rằng, ông Giuse đã nhận ra việc bà Maria thụ thai là do sự can thiệp của Thiên Chúa, chứ không phải do ngoại tình. Vì thế, Giuse không muốn, hoặc nghĩ mình không xứng đáng đóng vai trò làm cha của hài nhi Giêsu, khi mà Thiên Chúa chưa trao cho ông, nên ông đã tự nguyện rút lui bằng cách “bỏ bà Maria cách kín đáo”. Lập luận này được ủng hộ, vì ngay sau đó, Tin Mừng kể tiếp, Sứ Thần Chúa nói với Giuse trong giấc mộng rằng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại (đừng sợ) đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”.

    Khái niệm “sứ thần Chúa” được Kinh Thánh dùng để nói lên sự hiện diện của chính Thiên Chúa khi can thiệp vào một vấn đề hoặc biến cố nào đó trong lịch sử cứu độ (x. St 16,7.13; 21,17; 31,11; Xh 3,2). Như vậy, thánh Giuse không hành động theo những toan tính của bản thân, không hành xử cách cứng nhắc, rập khuân theo Lề Luật, nhưng trên hết, ngài được coi là công chính là bởi vì ngài đã đặt cuộc đời của mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, hay nói cách khác, những suy nghĩ, quyết định của thánh Giuse luôn để cho Thiên Chúa tác động và đồng hành. Thêm nữa, trong Bài đọc 2, thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô còn xác tín cùng nhắc nhớ chúng ta thêm lần nữa, gia nghiệp ông Ápraham và giòng dõi của ông có được không phải chiếu Lề Luật, nhưng vì ông đã được trở nên công chính nhờ lòng tin vào lời Thiên Chúa hứa, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà cho cả những ai có lòng tin như ông Apraham.

    Như vậy, Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta điều gì? Phải chăng là khi đứng trước những bế tắc, khốn cùng và tội lụy của bản thân, hay của anh chị em đồng loại, Thiên Chúa chẳng mời gọi chúng ta hãy để thánh ý và bàn tay của Người can thiệp vào quyết định của con người chúng ta hay sao? Vẫn biết rằng, dù sống ở bậc sống nào, cộng đoàn tu trì hay xã hội nào cũng cần có Luật Lệ để giữ sự trật tự, an ổn và thăng tiến. Ước mong sao con người chúng ta không sử dụng Lề Luật như một công cụ để thể hiện quyền bính một cách thoái quá, hay là để thảo mãn cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen của bản thân, hoặc là đưa ra những quyết định thiếu thận trọng khiến cho anh chị em đồng loại của mình bị ném đá, bị trù dập. Trên hết, nguyện xin cho mỗi người chúng ta luôn có trái tim rộng mở, một tinh thần tích cực khi suy nghĩ về tha nhân, để sứ thần Chúa có thể làm nên những cuộc báo mộng trên cuộc đời của mỗi người chúng ta, như đã thực hiện nơi thánh cả Giuse, mà chúng ta mừng kính lễ hôm nay. Amen.

    Ts. Lữ Khách, OP.

     

    Bài viết liên quan