Thánh Gioan Maisan (18/9)

  • 15/01/2023 18:39
  • Thánh Gio-an Mai-san sinh khoảng năm 1585 tại Tây Ban Nha trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc nhưng đã bị phá sản. Thầy qua đời ngày 17-9-1645. Đức Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn phong chân phước cho người vào năm 1837. Đức Phao-lô VI ghi tên người vào sổ các thánh ngày 28-9-1975.

    Ngày 18 tháng 9

    THÁNH GIO-AN MAI-SAN

    S. Joannes Macias

    Tu sĩ - Lễ nhớ (+1645)

    1.  Tiểu sử

    Thánh Gio-an Mai-san là bạn thân của thánh Mác-ti-no Po-rét. Thánh nhân sinh tại Ri-bê-ra Fơ-rét-nô, Tây Ban Nha khoảng năm 1585 trong một gia đình thuộc dòng dõi quí tộc nhưng đã bị phá sản. Cậu Gio-an Mai-san mồ côi cha mẹ từ rất sớm và được người chú ở giáo phận Pa-len-xi-a nhận nuôi dưỡng. Ngay từ tấm bé, cậu Mai-san đã phải làm nghề chăn cừu. Cậu là một người đứng đắn và rất đạo đức, có lòng mộ mến và siêng năng lần chuỗi Mân côi. Người ta kể lại rằng: Cậu thường lần chuỗi mỗi ngày ba lần để cầu nguyện cho chính bản thân, cho những người tội lỗi và cho các linh hồn trong luyện ngục.

    Một ngày kia, cậu thanh niên Mai-san rời quê hương đáp tàu đã đi qua nhiều nơi trên miền đất mới này và cuối cùng đến Li-ma, tại đây, cậu xin gia nhập Dòng Đa Minh theo bậc trợ sĩ. Thầy Mai-san trẻ hơn thầy Mác-ti-no Po-rét khoảng 16 tuổi. Khi đó thầy Mác-ti-nô sống ở tu viện Đức Mẹ Mân côi, còn thầy Gio-an Mai-san sống ở tu viện thánh Maria Mác-đa-la. Theo gương thầy Mác-ti-nô, thầy Mai-san đã sống một cuộc đời khổ hạnh bằng cách ăn chay, mặc áo nhặm, đánh tội phạt xác bằng roi sắt, và thường thức khuya để đọc kinh cầu nguyện. Thầy quả là một người khiêm nhường rất đáng mến phục. Ròng rã 12 năm, thầy đã nâng đỡ, vấn an, chia sẻ với những người bị tù đày áp bức, những người bị gạt ra bên lề xã hội. Thầy còn bày tỏ lòng yêu thương nồng nhiệt đối với các bệnh nhân và những người nghèo khổ: “Mỗi ngày thầy nuôi dưỡng 200 người, tận tâm phục vụ họ với tất cả tấm lòng, an ủi họ khi thì bằng những phần quà, khi thì quần áo hay tiền bạc nhặt nhạnh từ những cuộc lạc quyên, ân cần giúp đỡ họ bằng những công việc khiêm tốn. “Thầy đã hăng hái thi hành trách vụ khuyên bảo những người đang rơi vào cơn khủng hoảng và dẫn dắt họ đến gặp gỡ Thiên Chúa. “Người anh em này tuy không có điều kiện trau dồi kiến thức nhưng vẫn có khả năng nói vể Thiên Chúa như một tiến sĩ.”

    Cuối cùng, giống như thầy Mác-ti-nô, “sau khi đã tiên báo về ngày chết, thầy Mai-san còn tiếp tục chịu khổ chế bằng cách thắt quanh lưng mình một sợi xích sắt”. Thầy qua đời ngày 17-9-1645 ở tuổi 60.

    Đức Giáo hoàng Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn phong chân phước cho người vào năm 1837. Đức Phao-lô VI ghi tên người vào sổ các thánh ngày 28-9-1975.

    2.  Cầu nguyện cho các anh chị em di dân

    Ngày 20/8/2015, Đức Thánh Cha Phanxico đã chọn đề tài cho “Ngày Di dân và Tị nạn”, ngày sẽ được cử hành vào 17/01/2016, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót. Thông cáo của Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ Di dân và Tị nạn giải thích về đề tài này rằng có hai khía cạnh được Đức Thánh Cha nhấn mạnh: -Một là, hãy chú ý đến thảm trạng của bao nhiêu người buộc lòng phải bỏ quê hương. Chúng ta đừng rơi vào thái độ dửng dưng,... tâm hồn không còn nhạy cảm,... đừng rơi vào thái độ sống chết mặc bay... Chúng ta hãy mở to đôi mắt để nhìn những lầm than của thế giới,... hãy cảm thấy bị thúc bách lắng nghe tiếng kêu cứu của họ.[1] -Hai là, hãy suy tư về những việc từ thiện bác ái, và không nên quên rằng... vào cuối đời chúng ta sẽ bị phán xét về câu trả lời tình thương của chúng ta. “Những gì ngươi không làm cho những anh chị em bé mọn, là không làm cho chính Ta”[2].

    Với đề tài này, Hội đồng Tòa Thánh Mục vụ Di dân khuyến khích các cộng đoàn Kitô, hãy đề ra những sáng kiến cử hành Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn, cũng như những công việc bác ái trong khuôn khổ Năm Thánh Lòng Thương Xót. Những điều này không phải chỉ thu hẹp trong Ngày Di dân mà thôi nhưng còn phải được thực hiện ngay và kéo dài.

    Đức Thánh Cha Phanxico đã thực sự lo âu trước thảm kịch di dân tị nạn. Ngài nói: “Đây là một cuộc xuất hành vĩ đại với bao nhiêu gia đình lâm vào cảng mất mát mọi của cải nhà cửa, liều mình  ra đi với hai bàn tay trắng mong thoát khỏi chiến tranh, đói khổ và bạo lực đủ kiểu để tìm kiếm tương lai”.  Những con số người di dân thiệt mạng ngày càng lên cao qua nhiều hình thức khác nhau. Chỉ từ năm ngoái tới nay số người di cư vào Châu Âu đã lên tới 200.000 người, chỉ có mấy tuần mùa hè đã có hơn chục ngàn người tới Italia và Hy Lạp[3].

    Trước nỗi đau của các anh chị em di dân, thật là phù hợp khi chúng ta cùng cầu nguyện với Thánh Gioan Maisan, một trẻ mồ côi, một người đã từng là nạn nhân của hiện tượng di dân.

    Khi lớn lên, nhờ một tàu buôn, Cha Gioan Mai San đã di cư sang Nam Mỹ. Ngài đã nếm trải cảnh di cư với những phiền hà, bất trắc, những thăng trầm, hy vọng và sợ sệt. Ngài đã biến những bất hạnh thành một đời sống chứng tá cho đức khó nghèo theo Phúc Âm: Khi còn nhỏ, Mai San đã dùng tiền công ít ỏi của một chú bé mục đồng để giúp đỡ những người anh em của mình, để chia sẻ đức tin cho họ... Khi làm công ở tiệm ăn cũng như lúc làm trưởng toán mục đồng, ngài kín đáo rộng tay giúp đỡ những người túng thiếu, và dạy họ cầu nguyện. Khi trở thành tu sĩ, tại phòng coi cổng tu viện,... ngài nhịn phần lớn thức ăn để nuôi dưỡng những kẻ thiếu ăn[4]. Ngài khó nghèo, khiêm nhường và bác ái để hoàn toàn hiến dâng đời mình theo Thánh Ý Chúa tìm về Quê hương đích thực. Ngài đã nên thánh giữa những kẻ tha hương, giữa những người nghèo nhất. Ngài nên như mẫu gương thật gần gũi và sống động cho anh chị em di dân hôm nay. Gần 350 năm sau ngày ngài qua đời, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã tôn ngài lên bậc hiển thánh.

    Lạy Chúa là nguồn ơn hy vọng là đường cứu rỗi của nhân loại, xin chỉ lối cho biết bao anh chị em di dân và tị nạn trên đường lữ hành. Dù phải lang thang phiêu bạt, dù phải kiếm tìm mưu sinh, dù phải rời xa quê hương vì thiên tai, vì bảo vệ sinh mạng, xin dẫn các anh chị em ấy theo đường ngay nẻo chính và đừng bao giờ để họ lìa xa Chúa. Xin cho hành trình của họ được an toàn. Xin cho họ gặp được những người tốt, có công ăn việc làm thuận lợi. Xin cho họ được nhiều quốc gia đón nhận, được nhiều người rộng tay giúp đỡ.

    Lạy Chúa, xin cho chúng con noi gương Thánh Gioan Maisan luôn quảng đại, không bao giờ được viện cớ mình còn nghèo và thiếu thốn để từ chối yêu thương. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

     

    [1] Lược trích Tông Sắc Tôn nhan Thương Xót (Misericordiae vultus) số 15.

    [2] Mt 25,31-45.

    [3] Đài Vatican ngày 15/9/2015.

    [4] Trích lược, “Bài giảng của Đức Phaolô VI trong lễ phong thánh cho chân phước Gioan Maisan, tại Rôma, ngày 28/9/1975”.

    Bài viết liên quan