Thánh Mác-ti-nô Po-rét
(1579-1639)
1. Tiểu sử
Thánh Mác-ti-nô sinh năm 1579 tại Li-ma, nước Pê-ru. Người là con một hiệp sĩ Tây Ban Nha tên là Gio-an và một phụ nữ da đen được giải phóng tên là An-na Vê-lát-khê. Giữa hàng chư thánh, thánh Mác-ti-nô là một chứng tá của người da đen bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế giới. Ðang giúp việc một người thợ hớt tóc, thánh Mác-ti-nô xin gia nhập Dòng Ða Minh trong bậc trợ sĩ tại tu viện Ðức Mẹ Mân Côi ở Li-ma. Cũng tại tu viện này, thánh Mác-ti-nô được tuyên khấn trọng thể năm 1603.
Thánh Mác-ti-nô có lòng đơn sơ, thanh bạch và đức tin phi thường. Ðược cắt đặt làm những việc thường hèn, nhưng người lại được Chúa cất nhắc lên, với nhiều hồng ân và đoàn sủng cao siêu. Người rất nhiệt thành sùng kính mầu nhiệm thánh Thể và cuộc Thương Khó của Chúa Cứu Chuộc. Người hiến cả cuộc đời để làm việc bác ái nơi người nghèo, nhất là những người đau yếu, và còn chăm sóc cả loài vật nữa. Người được phong làm bổn mạng anh em trợ sĩ quả là xứng đáng. Theo gương Chúa Giê-su, người quý trọng việc ăn chay, hãm mình và cầu nguyện, nhất là cầu nguyện ban đêm. Từ việc cầu nguyện đó, người đã kín múc được nguồn sáng soi dẫn người cách lạ lùng trong trong cách thức giảng dạy giáo lý.
Thánh Mác-ti-nô qua đời ngày 3-11-1639 tại Li-ma. Ðức Ghê-gô-ri-ô XVI tôn người lên bậc chân phước năm 1837. Thánh Mác-ti-nô được mọi người dân Bắc Mỹ và Nam Mỹ sùng mộ không những vì đức khiêm tốn phi thường của người, mà còn vì chính bản thân người đã là một dấu chỉ. Ngày 6-5-1962, Ðức Gio-an XXIII ghi tên người vào sổ các hiển thánh.
2. Nghịch lý cuộc đời
Hàng chữ "không có cha" thật lạnh lùng được ghi trong hồ sơ rửa tội. Các cụm từ: "con lai", “thằng da đen”, “đứa cùng đinh”, “người giúp việc” là những câu nói gắn với số phận cuộc đời Mác-ti-nô từ khi mở mắt chào đời. Bấy nhiêu đau khổ vẫn chưa đủ, Mác-ti-nô còn “thừa kế” cảnh sống nghèo nàn của gia đình thuộc giai cấp bần cùng trong xã hội Li-ma lúc bấy giờ.
Năm 12 tuổi, Mác-ti-nô theo mẹ học nghề cắt tóc và chăm sóc các vết thương cho bệnh nhân. Sau vài năm theo nghề, Mác-ti-nô xin vào dòng Đa Minh làm "người giúp việc", vì ngài cảm thấy mình không xứng đáng là tu sĩ. Sau chín năm sống với tư cách là người giúp việc cho Dòng, gương mẫu đời sống cầu nguyện, hãm mình, bác ái và khiêm nhường của Mác-ti-nô đã lay động Nhà Dòng. Mác-ti-nô được khấn và trở thành tu sĩ. Khi Nhà Dòng thiếu hụt kinh tế, nợ nần nhiều, Mác-ti-nô nói với cha Bề trên: "Con chỉ là một đứa con lai nghèo hèn. Cha hãy bán con đi. Con là sở hữu của Nhà Dòng. Hãy bán con đi để trừ nợ."
Với số phận đau thương nghiệt ngã như vậy, theo lẽ thường, Mác-ti-nô rất dễ để có thể trở nên một người cay đắng, chát chúa, nguyền rủa và buông xuôi. Nhưng không, Mác-ti-nô thì không như thế. Ngay từ còn nhỏ Mác-ti-nô không nhận được tình thương, nhưng trái tim ngài lại tràn đầy yêu thương.
Sinh năm 1579, tại Li-ma, nước Pê-ru. Con của một hiệp sĩ Tây Ban Nha và một phụ nữ da đen. Giữa hàng chư thánh, Mác-ti-nô là một chứng tá của dân da đen, một đối tượng bị khinh miệt một cách bi thảm ở Tân Thế giới. Ngài qua đời ngày 03/11/1639 tại Li-ma. Ngày 06/5/1962, Đức Giáo Hoàng Gio-an XXIII ghi tên người vào sổ các hiển thánh.
Sống trong giai cấp bần cùng của xã hội, Mác-ti-nô đã để tràn vào xã hội bần cùng ấy tấm lòng bác ái bao la. Bị khinh miệt, người trở nên món quà đáng quý trọng; bị thiếu hụt tình yêu thương của người cha, ngài trao ban yêu thương cho người khác; nước da đen, nhưng tấm lòng vàng; nghèo khó đến tận cùng, không có tài sản gì, nhưng lại trao ban rộng lớn. Ngài đã có lòng thương người một cách rất đặc biệt, nhất là những người nghèo và những người bị xã hội khinh miệt - bỏ rơi. Lòng bác ái của ngài còn mở rộng đến các thú vật ngoài đồng, đến chó mèo trong các khu phố và ngay cả chuột bọ trong xó bếp.
Yêu thương không kể hết, ngài còn là một tu sĩ mẫu mực về đời sống đạo đức, một tu sĩ có tương quan cá nhân với Chúa qua những cuộc thần hiện. Nhiều tu sĩ thời ấy coi ngài như vị linh hướng. Phần ngài, ngài vẫn tự coi mình là "người nô lệ nghèo hèn."
Chiêm ngắm gương sống của thánh Mác-ti-nô, tôi tự hỏi: Có lẽ, không có cuộc đời nào nghiệt ngã hơn cuộc đời của Mác-ti-nô. Nhưng, trong cảnh nghiệt ngã ấy, Mác-ti-nô đã biến tất cả các “bất lợi” thành “lợi ích” vô biên. Tôi đã thấy lòng nhẹ đi khi có điều gì đó không vừa ý: ngoại hình có khiếm khuyết nào đó - có đáng gì, gia đình có trục trặc sao đó - cũng dễ cảm thông thôi, xã hội có đẩy đưa đây đó - chẳng hề gì, ơn gọi dẫu bất toàn thế đó - vẫn vui tươi,… Không, không có gì có thể làm mất tấm lòng yêu thương mà Thiên Chúa đã tặng ban. Không có gì có thể ngăn cản tôi biến nghịch cảnh thành niềm vui chan hoà, thành tấm lòng quảng đại và thành ân phúc bao la.
Chiêm ngắm thánh Mác-ti-nô, môi miệng tôi dâng lời kinh khấn cầu người, xin mọi người cùng hiệp ý nguyện xin:
01. THÀNH LIMA – QUÊ HƯƠNG THÁNH NHÂN
Nước Pê-ru ở Nam Mỹ được một nhà thám hiểm Tây Ban Nha tên là Prancisco – Pizarro tìm ra vào năm 1529. Vào ngày 6 tháng giêng năm đó, nhằm lễ Ba Vua, nhà thám hiểm này đặt chân đến thủ phủ của xứ Peru, nên ông gọi Thành đó là “Thành Phố của các Vua”.
Ít lâu sau, người ta quyết định gọi Thành phố đó là Lima, dựa theo tên thung lũng bao quanh địa điểm. Từ đó thiên hạ tiếp tục gọi là Lima. Vô tình Lima trở thành Kinh đô của một Vương quốc (do một phó vương trực thuộc vua Tây Ban Nha cai trị) đầu tiên tại tân đại lục Mỹ Châu.
Tiếp theo biến cố Pê-ru, nhóm người thực dân đã đem văn hóa Tây Ban Nha bành trướng khắp Mỹ Châu. Người ta nhắc đến tên một nhân vật nổi tiếng nhất đương thời, đó là Gioan de Porres, thuộc gia đình quí phái ở Alcantara. Ông sinh trưởng tại Burgos, nhưng gốc gác gia đình thuộc Cordoba bên Tây Ban Nha. Khi được cử qua làm thống đốc xứ Panama, trên đường qua nhậm chức ông đã ghé thăm thành phố Lima.
02. CHA MẸ CỦA MARTINO
Thân mẫu Thánh nhân là môt kiều nữ duyên dáng gốc da đen, sinh trưởng tại Phanama, quý danh là Anna Velazques. Cô đã sớm phải xuôi ngược khắp nơi sinh sống nghề ca hát. Dịp dừng chận tại Lima, cô đã gặp tân Thống đốc Gioan de Porres và bất ngờ được ông lưu ý và để lòng thương mến.
Thời đó, trong truyền thống kỳ thị màu da, luật pháp không cho phép hai người tiến tới hôn nhân, để rồi cuộc tình lén lút đã đưa tới kết quả của một bào thai ngoại hôn, và cậu Martino đã chào đời vào ngày 9 tháng chạp năm 1579.
Martino được Cha mẹ đưa tới rửa tội tại nhà thờ Thánh Sebastiano, nơi chính Thánh Nữ Rosa de Lima được chịu thánh tẩy đúng 6 năm trước.
Dù Mẹ Martino da đen và chính Martino cũng mang nước da ngăm ngăm giống Mẹ, nhưng cả hai luôn được ông Gioan thương yêu chiều chuộng đặc biệt. Thế là chẳng lâu sau đó, cô em gái của Martino ra chào đời giữa sự vui sướng của mọi người. Cô bé được đặt tên là Gioanna. Anna quyết định cùng hai con dừng chân luôn tại Lima để sinh sống
03. THUỞ ẤU THỜI
Thời gian đầu khi còn làm thống đốc ở Phanama, ông Gioan tỏ ra rất chăm sóc Anna và hai con. Nhưng từ khi đổi qua làm việc tại Guayaquil, một thành phố hải cảng thuộc xứ Equador, ông bắt đầu lạnh nhạt bỏ rơi.
Thế là ba mẹ con dần đi vào đường túng thiếu khổ cực. Dẫu còn trẻ, Martino đã phải tập đi làm. Lợi dụng chân đứng bán hàng, cậu đã nhiều phen lấy tiền của Chủ để giúp đỡ người nghèo. Dĩ nhiên cậu bị trừng phạt, nhưng trong trí, cậy mường tượng đó là bổn phận thương người, chẳng có gì là xấu.
Bạn bè cậu cũng kể lại rằng tuy còn nhỏ, Martino rất có lòng đạo đức: cậu ghé nhà thờ viếng Chúa nhiều lần trong ngày.
Lúc cậu lên tám, Cha cậu quay lại Lima để đưa hai anh em tới Guayaquil lo cho ăn học. Nhưng có lẽ không thuận tiện, ông Gioan quyết định đem cả hai lại Lima hai năm sau đó: Martino ở với Mẹ, và Gioanna ở với một người cậu tên Giacobe de Miranda.
Khi gửi tiền giúp, ông Gioan dặn dò phải cho Martino học nghề buôn bán. Nhưng biết mình là người da đen, chàng thừa hiểu mình chẳng có thể hy vọng ganh đua làm giàu với các thương da trắng.
4. ĐẦU XANH SỚM VÀO ĐỜI
Thế là Martino nhất định tới giúp việc và học nghề với ông Manuel de Rivero, một y sĩ chuyên ngành lể chính máu chữa bệnh, kiêm việc cạo râu, hớt tóc. Lúc đó nghề Y sĩ phổ thông cả với việc trị liệu hoặc cưa bỏ xương tay chân, đặc biệt ưu dùng cây cỏ làm thuốc chữa các loại bệnh.
Martino vừa tỏ ra thông minh, lại vừa rất thích cái nghề này. Thế là chàng học mau lẹ và chả mấy lúc đã biết nhiều về ngành thuốc.
Tuy nhiên, ngày nào cũng như ngày nào, trước khi đi làm, Martino phải tới nhà thờ giúp lễ thì chàng mới yên chí. Chiều về, chàng lại vào phòng đóng cửa để cầu nguện lâu giờ. Có lần bà chủ cho thuê nhà tò mò nhìn qua ống khóa thấy Martino say xưa cầu nguyện, hai tay giang ra và cặp mắt gắn chặt vào tượng Chúa chịu nạn. Dĩ nhiên bà vô cùng sửng sốt và cảm động. Bình thường làm được bao nhiêu tiền, chàng cũng dành một phần cho mẹ, còn lại thì Martino đem cho người nghèo hết.
Khi Martino lên mười lăm tuổi, Cha chàng lại từ Panama ghé thăm Mẹ chàng và ngỏ ý từ đây muốn chăm sóc tận tình cho bà.
05. ƠN GỌI ĐI TU
Thái độ của thân sinh chàng cùng hoàn cảnh mới của gia đình cho phép Martino được thực hiện một ước mơ ôm ấp từ lâu: Đó là gia nhập một tu viện để dâng mình phục vụ Chúa và tha nhân.
Ban đầu cả Cha Mẹ chàng đều rất vui sướng về ý định của cậu con trai, nhưng sau đó ông Gioan tỏ ta không hài lòng vì biết cậu chỉ muốn làm một Thầy Trợ sĩ thay vì làm Linh Mục. Dẫu vậy, Martino luôn trung thành với điều mình đã quyết định.
Martino vào Dòng Đaminh (Tu viện rất Thánh Mân Côi ở Lima) với tâm tư khiêm nhường, vì chàng luôn nghĩ mình chỉ đáng bậc tôi tớ mọn hèn, dẫu chỉ là một Trợ sĩ cũng không đáng.
Có lần, vì Nhà dòng túng tiền, bề trên định đi bán một số đồ đạc quý giá trong nhà. Martino tự nguyện xin Bề trên cho chàng làm nô lệ thay vì bán những đồ quý đó. Dĩ nhiên Bề trên vô cùng cảm động và từ bỏ ý định cũ.
Vào thời của Martino, tại Lima còn có bốn Vị Thánh khác: Đó là Thánh Gioan Massias, bạn đồng hành với Martino (ở tu viện Maria Madalenna), Thánh Turibiô, Tổng giám mục Giáo phận Lima (qua đời khi Martinô lên 13 tuổi), Thánh Rose de Lima (lớn hơn Martino 6 tuổi), và cuối cùng là Thánh Phanxicô Solona, một tu sĩ dòng Phanxico (qua đời trước sự hiện diện của Martino).
06. THẦY DÒNG MARTINO
Theo tục lệ ngày đó, Martino đã sống chín năm trong dòng, làm vai trò của một người giúp việc mọn hèn. Mọi người đều ngỡ ngàng với cuộc sống tốt lành thánh thiện của chàng, nên Bề trên quyết định cho Martino khấn làm Tu sĩ dòng Đaminh vào năm 1603.
Thầy Martino tiếp tục sống thanh bần đơn sơ. Phòng Thầy không có đồ đạc gì, ngoại trừ mấy tấm ván gỗ mộc lót chút rơm làm giường nằm và một khúc cây làm gối.
Gia tài của Martino là các bức ảnh Đức Mẹ, Thánh Đaminh và Thánh Vincente de Ferrer. Nhiều đêm Thầy lén lên nhà nguyện hoặc một chỗ thanh vắng nào khác đọc kinh hay đánh tội cho đến sáng.
Thường xuyên Thầy mặc áo nhặm, đeo xích ổ thắt lưng và dĩ nhiên ăn chay đều đều (Mùa chay chỉ dùng bánh mì và nước lã, không bao giờ ăn thịt, và ba ngày chót của Tuần Thánh thì nhịn đói hoàn toàn).
Bạn bè thấy Martino mặc áo vá hoặc đồ phế thải. Có lần Bề trên cho bộ đồ mới, Thầy bảo mọi người: “Đây là bộ đồ tôi sẽ dùng vào ngày được khâm liệm trong quan tài”.
Nhiều lần Bề trên ra lệnh cho Thầy, buộc Thầy kể chi tiết về lối sống của mình, tuy Thầy rất ngại phải tiết lộ các cách hãm mình tu đức, nhưng Đức vâng lời vẫn là cao quý hơn cả đối với Martino.
07. MARTINO CHIẾN ĐẤU VỚI MA QUỶ
Khi thấy Thầy tiến mạnh trên đường nhân đức, ma quỷ chẳng những bày mưu cám dỗ mà còn chế nhạo Thầy cũng như gây nhiều phiền toái khổ cực, y như cách chúng làm cho Thánh Gioan Vianney xưa.
Một nhân chứng (ông Phaxico de la Torre, một ngự lâm quân) đã kể rằng chính mình có lần nghe Martino la lớn: “Hỡi quân phá đám, các người tới đây làm chi! Đây không phải là chỗ của các người. Hãy cút đi!”
Lắm khi cuộc chiến đấu ma quỷ khiến Martino đau đớn mệt mỏi vô cùng. Có lần Thầy lăn lộn trên nền nhà và húc mạnh vào tường. Nhiều lần Thầy kêu la lớn tiếng. Có lần lửa bốc cháy trong phòng Thầy, khiến nhiều người phải chạy tới cứu dập tắt lửa. Sau đó người ta không còn thấy dấu vết gì của vụ cháy, nhưng ai cũng nhận ra những vết nám đen trên mình Martino.
Cha Giáo tập Anre sau đó đã bảo các Thầy khác: “Martino coi khờ như chú lừa con, nhưng Thầy ấy quả là một Thánh sống đấy. Đêm qua, vị Thánh ấy đã giao tranh ác liệt với ma quỷ và Ngài đã chiến thắng thật vẻ vang!”
08. MARTINO SĂN SÓC NGƯỜI ĐAU YẾU
Trong nhà dòng, Thầy Martino được giao cho ba nhiệm vụ riêng. Đó là phụ trách y phục dòng của các Thầy – lo làm vườn – và thêm việc phụ tá phòng thuốc.
Có lần bệnh dịch lan tràn đến thành phố Lima khiến các bệnh viện không còn chỗ chứa bệnh nhân. Thế là tu viện phải nhận 60 bệnh nhân. Một số Thầy sợ nên phản đối. Marrtino lên tiếng: “Các Thầy muốn bảo Tu viện cần cách biệt với người đời ư? Nhưng với các bệnh nhân, ta chớ nên phân biệt ranh giới”.
Chẳng ai chối cãi được việc Thầy Martino tận tình săn sóc các người yếu đau. Trong vụ dich nói trên, chính Martino đem hai bệnh nhân vào chữa trị trong phòng riêng của Thầy. Dĩ nhiên Thầy chăm lo cho họ vì tình yêu Chúa. Khi thấy cần, Thầy quỳ xuống băng bó vết thương và cho uống thuốc men.
Nhiều khi Martino đã tự tay bồng bệnh nhân đến nghỉ và điều trị tại nhà cô em Gioanna khi thấy thuận tiện hơn. Thầy chẳng nề quản vất vả và thời giờ, để lo lắng cho người đau yếu khiến rất ít người c
ó thể bắt chước Thầy được lấy một phần nhỏ.
09. MARTINO LÀM PHÉP LẠ
Chính qua những dịp chăm sóc bệnh nhân này mà người ta thấy Martino có lòng mến Chúa thương người cao độ, để rồi Ngài được Chúa cho làm những việc lạ thường.
Bạn bè thường kể về trường hợp cậu Louis Gutierrez mới 17 tuổi vừa vào nhà tập đã bị một vết thương nặng nơi bàn tay. Vết thương mưng mủ khiến cậu lên cơn sốt đau đơn. Martino dùng lá cây làm thuốc đắp lên vết thương rồi làm dấu thánh giá vào chỗ bị thương. Chỉ qua một đêm, bàn tay cậu Louis đã khỏi hoàn toàn.
Rồi trường hợp Cha Phê-rô với một chân bị hư thối đến độ người ta sắp phải giải phẫu cắt bỏ. Martino chỉ chữa cho Cha bằng cách đặt tay lên chân Cha và lâm râm cầu nguyện. Thế là Cha được hoàn toàn lành mạnh.
Rồi Cha Toma, già yếu, đã được xức dầu Thánh và nằm chờ chết. Khi Martino tới thăm thì xác Cha đã ra lạnh giá. Thầy cầu nguyện rồi đặt miệng trên tai Cha, rồi lớn tiếng gọi tên Ngài. Tức khắc Cha trỗi dậy khỏe mạnh như trước.
Lần khác Thầy bồng một nạn nhân (bị đâm nhiều nhát dao nằm chờ chết vì mất hết máu) về nhà dòng. Cũng bằng lời cầu nguyện lạ lùng, Martino đã cứu sống nạn nhân.
Dĩ nhiên Giáo hội tôn kính Martino vì lòng bác ái yêu thương cao độ nơi tâm hồn Thầy, lòng bác ái đã kéo nhiều ơn lạ của Chúa xuống cho người đời.
10. MARTINO THƯƠNG YÊU NHỮNG KẺ NGHÈO HÈN KHỐN KHÓ
Thầy Martino thương xót cách riêng những người nghèo khổ, vì Thầy sớm nhìn ra Chúa ở trong họ. Thầy dành nhiều giờ lao động phụ trội để trồng cây trái dành tiền giúp đỡ họ. Việc này gây sự cảm động cho vô số nhân vật đương thời.
Dân chúng không ngần ngại chạy đến Thầy để xin được giúp đỡ, dẫu biết rõ Thầy không có một xu riêng trong mình. Những kẻ giàu có xưa mà nay bị khánh kiệt cũng không hổ thẹn khi đến xin Thầy nâng đỡ, bởi họ biết Thầy cho đi bằng cả tấm lòng. Martino cũng ưa thăm viếng và tặng áo quần thức ăn cho các tù nhân. Dân chúng thành Lima gọi Thầy là “Cha của kẻ nghèo khó”.
Martino còn lưu ý cách riêng để lo lắng cho những trẻ mồ côi vô thừa nhận, bằng cách đi ăn xin các nhà hảo tâm khắp nơi để lập ra một viện mồ côi mà Thầy đặt tên là Viện Thánh Giá. Thầy còn ráng mời thuê những nhà giáo lành nghề đến săn sóc dạy dỗ cho bọn trẻ xấu số.
Khỏi phải nói, Martino dành thật nhiều thời giờ để chăm lo bọn trẻ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Dĩ nhiên với tâm hồn thánh thiện đơn sơ, Thầy được lũ trẻ mến thương và tin cậy hết mình.
11. MARTINO YÊU THƯƠNG LOÀI VẬT
Như mẫu gương Thánh Phanxico Năm dấu, cuộc đời của Martino luôn vui tươi hồn nhiên. Từ căn bản tình yêu mến Chúa, Thầy chia sẻ niềm mến yêu cho hết mọi tạo vật Chúa đã dựng nên.
Người ta không thể nào quên vô số các tích truyện chứng minh Martino yêu thương loài vật đặc biệt. Có lần Thầy bắt gặp mấy chú chuột trong tủ quần áo nhà dòng, ân cần ôm từng con trong tay, Thầy lên tiếng :”Này người anh em chuột của tôi, tôi không chắc rằng anh là nguyên nhân gây rách áo các Thầy hay không, nhưng tôi xin tha thiết yêu cầu các anh nên rời tu viện này thì tốt hơn đấy”. Sau đó không lâu, bầy chuột rủ nhau đến gặp Thầy Martino như tỏ ý ân hận. Thầy đặt chúng vào một chiếc rổ rồi bưng ra phía sau vườn để làm “nghi thức” từ biệt, sau khi đã cho chúng ăn một bữa no nê.
Thời đó Tu viện có một chú cẩu rất dễ thương và thông minh. Sau 18 năm sống bên cạnh và hầu hạ các Thầy, chú cẩu bị thương nặng gần chết. Thế là Martino phải dùng ơn lạ của Chúa để chữa lành cho ông bạn cẩu yêu mến.
Rồi có lần Thầy cũng mủi lòng vì một chú lừa bị thương nặng nơi chân, nằm rên la sau nhà dòng. Chú lừa như cảm động rớm nước mắt sau khi được Thầy chữa khỏi.
12. LÒNG KÍNH MẾN CHÚA YESUS NƠI MARTINO
Khởi đầu cuộc sống tu viện, Martino đã tâm niệm noi gương Chúa, Đấng đã đến để phục vụ và hầu hạ mọi người. Thành ra, Thầy luôn khiêm tốn và tận tình săn sóc không trừ một ai. Cũng bởi lòng mến Chúa mà Thầy yêu thương cách riêng những thành phần xấu số, nghèo hèn, yếu đau, cơ cực, những hạng người nô lệ khổ sở, những trẻ nhỏ cô đơn côi cút.
Martino chứng tỏ lòng kính mến Chúa đặc biệt nơi phép Thánh Thể. Thánh lễ Misa luôn là trung tâm của đời Thầy. Việc lãnh nhận Bí tích Thánh thể đương nhiên được Thầy xem như động cơ chính yếu giúp mình kết hợp với Chúa để nên Thánh. Và rồi vào những lúc rảnh rỗi, Martino sung sướng được đến quỳ bên nhà tạm để cầu nguyện tâm sự với Chúa.
Chúa cho Thầy thói quen cầu nguyện khác thường, luôn lồng trong niềm tin yêu tràn đầy, khiêm nhường thẳm sâu và bền vững kiên trì. Người ta thường gặp Thầy xuất thần khi cầu nguyện, rồi thân xác bay bổng trên cao, mắt sát kề Chúa trên tượng chịu nạn. Cuộc sống trần gian đã trở thành Thiên đàng với Martino, vì Thầy triền miên kết hợp với Chúa và tràn ngập những việc Bác ái yêu thương.
13. MARTINO VỚI LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MẸ
Khỏi cần nói, Mẹ Maria chiếm ngự một phần trọng đại trong tâm trí Thầy Martino. Thầy yêu mến Mẹ Maria cơ hồ không thua kém Thánh nhân nào khác, nhất là ưu chuộng lần hạt mân côi. Ngoài xâu chuỗi đeo bên mình như các Tu sĩ dòng Đaminh khác, Martino còn luôn cuốn nơi cổ một tràng hạt nhỏ khác để năng cầu nguyện với Đức Mẹ.
Đức Mẹ thực sự đã hiện ra an ủi và dạy dỗ Martino nhiều lần. Chính Thầy đã sớm hiểu rằng nhờ gần kề và học đời gương sáng của Đức Mẹ mà mình có cơ hội nên giống Chúa Yesus nhiều hơn.
Một trong những điều vui thích của Martino là được trang hoàng Bàn thờ Đức Mẹ, đặc biệt trong các ngày đại lễ, với những bông hoa do chính mình trồng tỉa.
Dĩ nhiên ngày nào Thầy cũng cầu nguyện sốt sắng trước ảnh Đức Mẹ trong phòng mình. Và phần thưởng cho mình là những lần Đức Mẹ hiện ra tâm sự với Thầy.
Martino đã cư xử như một người con hiếu thảo đối với Đức Mẹ suốt đời cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Đương nhiên Thầy được an nghỉ trong niềm yêu thương đặt biệt của Đức Mẹ.
14. CHÚA GỌI MARTINO VỀ
Hằng năm cứ vào mùa thu, Thầy Martino lại bị một chứng sốt rét bất thường hành hạ rất khổ sở. Chứng bệnh này khiến Thầy mất sức mau lẹ để rồi đến năm 1939 Thầy đột nhiên thấy mình đã đến ngày lìa bỏ trần gian. Lúc Martino tiên báo rằng mình sắp được Chúa gọi về, mọi người trong dòng đều tỏ vẻ lo sợ buồn sâu.
Martino căn dặn Thầy Anton:”Xin đừng khóc nếu tôi qua đời, bởi vì khi được về trời với Chúa, tôi hy vọng sẽ làm ích cho tha nhân hơn khi ở trần gian”.
Khi xin chịu các Phép bí tích cuối cùng, trong khung cảnh thiêng liêng vô cũng sốt mến, Thầy nói nhẹ :”Đây là trạm chót trong cuộc hành hương về trời của tôi. Tôi biết bây giờ có Đức Mẹ, Thánh Yuse và Thánh Vincente de Ferre đang ở bên tôi”. Sau đó Thầy ngước mắt lên xin được mọi người tha thứ.
Giữa lúc mọi người đang đọc kinh sốt sáng, Thầy Martino trút hơi thở cuối cùng vào đúng 9 giờ sáng ngày 03 tháng 11 năm 1639, thọ 50 tuổi. Dân chúng thành Lima vô cùng thương tiếc kéo đến viếng xác Thầy. Chúa đã làm nhiều phép nhãn tiền ngay trong dịp an táng Thầy Martino.
15. MARTINO ĐƯỢC PHONG THÁNH
Đang khi các Thiên thần vui mừng rước Martino về trời thì ở trần gian, mọi người thuộc mọi tầng lớp và giai cấp đều khóc thương Ngài. Thành Lima dĩ nhiên chịu một Đại tang.
Các chức sắc Đạo đời lúc đó tranh giành nhau để được vinh dự khiêng quan tài Thầy Martino. Người ta sầu buồn nhưng vô cùng hãnh hiện về một vị Thánh sống xuất thân từ địa phương mình.
Trên môi miệng ai nấy đều nhắc đến những nhân đức cả thể của Martino trong thời gian còn tại thế, cũng như nhắc bảo nhau học hỏi nơi Ngài tấm gương mến Chúa và thương người của Thánh nhân.
Nhân đức sáng ngời và những phép lạ nhãn tiền của Martino đã khiến Giáo quyền nhanh chóng xin Tòa Thánh điều tra lập hồ sơ phong Thánh cho Ngài.
Năm 1837 Giáo hội chính thức Phong Chân Phước cho Thầy Martino . Rồi sau nhiều phép lạ khác, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã phong Hiển Thánh cho Ngài vào ngày 06/05/1962.
Bây giờ khi có dịp đến Lima, du khách có thể viếng hài cốt của Ngài cũng với Nữ Thánh Rosa de Lima trong một Thánh đường to lớn. Giáo hội mừng lễ Thánh nhân vào ngày 03/11 mỗi năm. Đương nhiên, từ trời, Thánh Martino vẫn còn tiếp tục trợ giúp chúng ta bằng nhiều ơn lạ khác. Amen.
KINH THÁNH MARTINO DE PORRESS
Lạy Thánh Martino rất khiêm nhường, lòng yêu thương nồng nhiệt của Người chẳng những che chở các anh em túng nghèo mà lại cả những thú vật ngoài đồng, thật là gương huy hoàng của đức bác ái. Chúng con kính mừng và cầu khẩn người, từ tòa cao người ngự, xin đoái thương nhận lời anh em túng nghèo kêu xin, để chúng con được bắt chước nhân đức người mà yêu vui trong địa vị Chúa đã đặt, và được mạnh mẽ, can đảm vác thánh giá theo chân Chúa Cứu Thế và Mẹ sầu bi, sau hết được về nước Thiên Đàng: Vì công nghiệp Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
(ân xá 100 ngày, mỗi ngày một lần)
KINH KHẤN THÁNH MARTINO DE PORRES
Chúng con nguyện xin Thánh Martino.
Người là gương sáng soi của lòng nhân ái
Thuở bình sinh với lòng thương sót vô bờ.
Người đã giang tay ôm ấp muôn người khổ đau
Thì ngày nay trên trời vinh hiển cao sang.
Người hãy thương nghe muôn tiếng chúng con khẩn cầu.
Chúng con nguyện xin Thánh Martino/
Người là cha những kẻ khó nghèo đau yếu/
Lấy tình thương xoa dịu nỗi u buồn /
Và hãy ban ơn cho hết muôn người kêu xin /
Được mạnh sức đêm ngày vui đón hy sinh
Và luôn noi theo gương sáng các nhân đức người
Chuyển ngữ: Lm Jos Văn Thư
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
https://ditimchanly.org/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 44 | Tổng lượt truy cập: 2,613,539