Chân phước Ai-môn Ta-pa-ren-li (14/8)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Ai-môn sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Ta-pa-ren-li, khoảng năm 1395. Cha Ai-môn qua đời vào ngày áp lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời năm 1495. Năm 1856, đức giáo hoàng Pi-ô IX phong chân phước cho cha Ai-môn.

     

    Ngày 14 tháng 8

    Chân phước Ai-môn Ta-pa-ren-li

    B. Aimo Taparelli

    Linh mục (1398 - 1495)

    1.  Tiểu sử

    Thành phố nhỏ bé Xa-vi-li-an trong vùng Pi-ê-môn miền Bắc nước Ý có thể tự hào vì đã sinh ra bốn tu sĩ Ða Minh nổi tiếng. Ðó là chân phước Phê-rô Ru-phi-a, chân phước An-tôn Pa-vô-ni-ô, chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Xec-vơ: các ngài bị người Vô-đoa sát hại vào những năm 1365, 1374 và 1466; và chân phước Ta-pa-ren-li mất ở tuổi già; dù đã ngã bệnh, người vẫn tiếp tục công việc của một ủy viên tòa án dị giáo để kế nhiệm chân phước Ba-tô-lô-mê-ô từ 1466. Các sử gia cho biết: công việc của một nhân viên toà tra ở tòa thượng thẩm Lom-bác-đi-a và Li-gu-ri là một gánh nặng đầy vất vả và hiểm nguy.

    Chân phước Ai-môn sinh trưởng trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Ta-pa-ren-li, khoảng năm 1395. Người gia nhập Dòng Ða Minh ở Xa-vi-li-an sau khi đã lập gia đình được ít lâu. Người làm giáo sư tại đại học Tu-ri-nô, rồi làm nhà giảng thuyết tại cung điện của chân phước A-mê-đê vốn là quận công vùng Xa-voa. Người ta kể lại rằng: quận công coi cha Ai-môn như một vị hướng dẫn tinh thần. Ngoài chức vụ của một nhân viên Toà tra, cha Ai-môn còn gánh vác trách nhiệm tu viện trưởng ở Xa-vi-li-an và bề trên phụ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ.

    Là một người chuyên chăm cầu nguyện, cha Ai-môn không chỉ chu toàn các buổi nguyện kinh Thần vụ với cộng đoàn và cử hành thánh lễ với lòng sốt mến cao độ, mà người ta còn thấy cha thường xuyên đắm mình trong những lời van xin thiết tha. Cha thường đi tĩnh tâm tại một ngọn đồi hẻo lánh gần vùng Xa-lu-xê để có dịp cầu nguyện sốt sắng hơn.

    Cha Ai-môn qua đời vào ngày áp lễ Ðức Mẹ hồn xác lên trời năm 1495, trong lúc người ôm chặt tượng chịu nạn trước ngực. Thi hài người được đưa về nhà thờ thánh Ða Minh ở Tu-ri-nô.

    Năm 1856, đức giáo hoàng Pi-ô IX phong chân phước cho cha Ai-môn.

     

    2.   Bức tranh tương phản

    Có bao giờ ta thấy lòng mình nghẹn lên những nhịp đập thổn thức trước một hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Có bao giờ ta nghe lòng ta rung lên một điệu nhạc thiên thai khi đứng giữa đại ngàn, nghe tiếng chim kêu mà lòng vẫn hút về một khoảng thinh lặng thần thánh? Hay có bao giờ ta đứng bên khe suối để ngắm nhìn một con đường mờ ảo khói sương mà lòng chùng lại và xoáy sâu về một cõi nội tâm nào đó? Cho dù nhịp sống có xô bồ bận rộn, thì ít nhất một lần trong đời, khoảnh khắc linh thiêng ấy cũng có lần vụt qua đôi mắt và lưu dấu trong tâm hồn của chúng ta. Vâng, khi vùng vẫy trong khung cảnh hùng vĩ và dong duổi khắp nẻo đường, cũng là lúc con người ta dễ chạm sâu vào một cõi huyền nhiệm của trời cao.

    Thành phố nhỏ bé Xa-vi-li-an trong vùng Pi-ê-môn miền Bắc nước Ý có thể tự hào vì đã sinh ra bốn tu sĩ Ða Minh, bốn chân phước nổi tiếng của Giáo hội đó là: chân phước Phê-rô Ru-phi-a, chân phước An-tôn Pa-vô-ni-ô, chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Xec-vơ: các ngài bị người Vô-đoa sát hại vào những năm 1365, 1374 và 1466; và chân phước Ta-pa-ren-li mất ở tuổi già năm 1495.

    Chân phước Ai-môn Ta-pa-ren-li gia nhập Dòng Ða Minh ở Xa-vi-li-an. Ngài làm giáo sư tại đại học, làm nhân viên Toà án dị giáo - một gánh nặng đầy vất vả và hiểm nguy, gánh vác trách nhiệm tu viện trưởng ở Xa-vi-li-an và bề trên phụ tỉnh trong nhiều nhiệm kỳ.

    Con người ấy khi đã đặt chân lên đỉnh vinh quang, vẫn để cho lòng mình ngập chìm trong thiên giới, vẫn giữ được thế đứng hùng dũng, hiên ngang mà khiêm tốn trong đời sống tâm linh. Ngài chìm sâu trong đời cầu nguyện, đắm mình trong lời van xin và nhất là yêu thích đi đến những sườn đồi hẻo lánh vào nơi thanh vắng để tĩnh tâm, gặp gỡ Chúa và hướng về trời cao.

    Thế nhưng, trái với hình ảnh của cha Ai-môn, cũng có không ít người mải miết dấn thân trong khoa học để rồi không còn chân nhận thế giới này đang điểm tô vẻ đẹp của Thiên Chúa. Có người mãi đuổi theo những bóng mờ quyền lực, chạm tay đến đỉnh vinh quang để chẳng còn nghe thanh âm da diết của Thiên Chúa gọi mời hãy quay về cõi tâm linh.

    Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nói với các nhân viên trong giáo triều Rôma rằng: phải đề phòng với căn bệnh Mat-ta, mãi chìm đắm trong công việc mà lơ là với phần tốt hơn là ngồi bên chân Chúa Giê-su. Chúa đã kêu gọi các môn đệ của Người hãy nghỉ ngơi đôi chút, vì lơ là việc nghỉ ngơi cần thiết sẽ dẫn tới tình trạng căng thẳng và dao động.

    Chỉ khi ta biết dành thời gian tĩnh lặng để lui về với chính mình, khi đó ta mới có một tầm nhìn rộng lớn để thấy rõ hướng đi, thấy rõ đâu mới thực là cùng đích của cuộc đời. Khi ta đang ở trong bầu khí của vinh quang, quyền lực, khoa học mà đồng thời vẫn để mình được lớn lên trong ân sủng, trong đời sống nội tâm sâu sắc, tĩnh lặng và thánh thiện, chính khi ấy ta mới có thể vĩ đại và đời sống mới có một ý nghĩa thật sự trọn vẹn. Một con người thánh thiện bao giờ cũng có một sức hút mạnh mẽ vô biên vì người ấy đang chứa trong tâm hồn sự hiện diện của Thiên Chúa.

    Giờ đây, chúng ta hãy nâng tiếng lòng lên cùng Chúa. Để qua lời chuyển cầu của chân phước Ai-môn, chúng ta  cầu nguyện cho những ai trên đỉnh vinh quang vẫn gặp được Chúa và biết  làm sáng danh Chúa trong vai trò của mình.

    Lạy Chúa, nơi đỉnh cao của vinh quang và sự thành công, xin cho con nhận ra Thiên Chúa quyền uy, Người sáng tạo và điều khiển muôn loài; nơi âm thầm và kín sâu khiêm tốn ẩn dấu trong cõi lòng, xin cho con lệ thuộc vào Chúa trong từng hơi thở, từng suy nghĩ, từng nhịp tim. Xin cho con thấy Thiên Chúa vinh quang nhưng cũng thấy một Thiên Chúa làm người trong thân phận nhỏ bé của chúng con, để dù khi con lên cao hay khi con té xuống, con luôn nhận ra Chúa trong mọi sự. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan