Chân phước An-rê A-bê-lơn (15.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cậu An-rê A-bê-lơn sinh vào khoảng năm 1375 tại Xanh Ma-xi-manh. Người qua đời năm 1450. Ðức Lê-ô XIII đã tôn phong cha An-rê lên bậc chân phước vào năm 1902.

    Blessed Andrew Abellon

     

    Ngày 15 tháng 5

    Chân phước AN-RÊ A-BÊ-LƠN

    B. Andreas Abellon

    Linh mục (1375 – 1450)

    1.  Tiểu sử

    Chân phước An-rê A-bê-lơn sinh vào khoảng năm 1375 tại Xanh Ma-xi-manh. Sống vào thời buổi Giáo Hội xảy ra cuộc đại ly giáo. Giống như thánh Vinh Sơn Phê-ri-ê, cha An-rê đã phục tùng các đức giáo hoàng vùng A-vi-nhông. Người sinh tại Xanh Ma-xi-manh. Khi còn rất trẻ, người đã xin gia nhập tu viện ở thành phố nơi người sinh trưởng. Người nghiên cứu thần học ở Tu-lu-dơ, dạy triết học ở Môn-pe-li-ê, hướng dẫn luân lý tổng quát ở A-vi-nhông và trở thành giáo sư thần học năm 1408.

    Cha An-rê ngã bệnh trong suốt 30 năm. Sau đó, người tiếp tục dạy học ở Pa-ri, A-vi-nhông và Môn-pe-li-ê. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là người trở thành một nhà giảng thuyết nổi tiếng trên khắp các đô thị Pơ-rô-văng và Vơ-nét-xanh. Trong đó, thành phố Ét-ăng Pơ-rô-văng là nơi người thường xuyên du thuyết. Khi cơn dịch đen hoành hành dữ dội tại đây vào năm 1475, cha An-rê đã đem hết tâm lực để phục vụ các bệnh nhân, qua đó, người đã trở nên dấu chứng sống động cho đời sống tận hiến của mình.

    Từ năm 1419, được ủy nhiệm của tu viện trưởng tại Xanh Ma-xi-manh, người đã đóng góp đáng kể vào việc chấn hưng tu viện, sau đó, người chính thức nhận trách nhiệm tu viện trưởng từ năm 1425 đến 1429. Trong khoảng thời gian này, người đã góp phần kiện toàn đời sống đan tu, lối sống này vẫn còn được bảo tồn cho đến ngày nay. Ngoài ra, người còn cổ võ xây dựng và hoàn chỉnh ban thánh nhạc cho xứ đạo.

    Năm 1432, bề trên tổng quyền Ba-tô-lô-mê-ô Te-xi-ê gởi người đến Ác-lơ để tái thiết dòng. Lúc này, người ta không còn lưu tâm đến luật kiêng thịt nữa, nhưng cha An-rê vẫn giữ tập quán kiêng thịt. Tuy vậy, vào dịp lễ Các Thánh Anh Hài, trong tinh thần cởi mở và tự do, người vẫn nhã ý cho anh em dùng thịt để mừng lễ. Là tu viện trưởng ở Ách-xơ từ 1438 đến 1442, ở Mạc-xây từ 1444 đến 1448 ; người được tái đắc cử một lần nữa ở Ách-xơ, nhưng người từ chối chức vụ này. Ðó chính là lý do dẫn đến cái chết của người vào năm 1450.

    Cha An-rê còn là nhà cải cách vĩ đại về việc tuân giữ lời khấn tại những tu viện được anh em ủy thác. Nhờ đời sống nhân đức, tính kiên nhẫn, và lòng nhiệt thành, người đã khích lệ các tu sĩ ngày một sống thánh thiện hơn. Với lòng nhiệt thành giảng dạy và tài hùng biện, người quả xứng đáng sánh vai với các nhà giảng thuyết thời danh như thánh Vinh Sơn Phe-ri-ê. Hơn nữa, người còn có tài hội họa và được ơn làm phép lạ.

    Ðức Lê-ô XIII đã tôn phong cha An-rê lên bậc chân phước vào năm 1902.

     

    2.  Phục vụ bằng cả trái tim

    Giữa những nỗi lắng lo của cuộc sống, chúng ta thật khó có thể nghe được hoặc không còn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi loan báo Tin Mừng vẫn đang âm vang. Có thể chúng ta thắc mắc tại sao cần phải loan truyền và giới thiệu Chúa, đang khi chúng ta luôn tất bật với quỹ thời gian trong ngày cùng với những khiếm khuyết của bản thân...

    Tư tưởng đó cứ lặp đi lặp lại khiến chúng ta loay hoay đi tìm cho mình lời giải đáp hợp lý nhất. Và rồi, đức thánh cha Phan-xi-cô đã đem đến một câu trả lời đầy thuyết phục rằng: “Mỗi người chúng ta phải tìm ra cách thức để thông truyền Đức Giê-su tại bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Tất cả chúng ta được kêu gọi làm chứng một cách minh nhiên về tình thương cứu độ của Chúa, Đấng bất chấp những khiếm khuyết của chúng ta, vẫn cho chúng ta đến gần Ngài, cho chúng ta lời và sức mạnh của Ngài, và đem đến ý nghĩa cho đời sống chúng ta… Sự khiếm khuyết của chúng ta không thể là cái cớ để tránh né, trái lại, truyền giáo là một động lực để chúng ta không ở yên tong tình trạng tầm thường nhưng phải tiếp tục lớn lên”.[1] Cũng vậy, “Mọi Ki-tô hữu đều là người truyền giáo theo mức độ họ đã gặp gỡ tình thương của Thiên Chúa. Trong Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta không còn nói mình là những “người môn đệ” và “người truyền giáo”, nhưng đúng hơn, chúng ta luôn luôn là những “người môn đệ truyền giáo”.[2]

    Trải qua những bước thăng trầm với những giới hạn nơi bản thân, chân phước An-rê A-bê-lơn vẫn luôn hăng say rao giảng Lời Chúa trong những hoàn cảnh và bằng những cách thức khác biệt với khả năng Chúa ban, khiến chúng ta có một góc nhìn mới cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cùng đến với chân phước An-rê A-bê-lơn trong phút cầu nguyện này, để dù cho thế giới có đổi thay không ngừng, chúng ta vẫn không quản ngại, không thay đổi tinh thần phục vụ nhưng biết dùng những khả năng cùng những phương tiện Chúa ban mà dấn thân truyền rao Chân Lý cả “lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”.

    Vốn là một người đạo đức, thánh thiện, lại nhiệt thành hăng say phục vụ Chúa và tha nhân, An-rê đã tiến bước theo ơn gọi thánh hiến trong Dòng Đa Minh. Với sự khôn ngoan, tài giỏi, nhất là khả năng giảng thuyết, cha An-rê khiến cho nhiều người tìm đến với Chúa và làm cho Lời Chúa được vang xa.

    Là giáo sư thần học, giáo sư triết học, hướng dẫn luân lý tổng quát ở A-vi-nhông… với bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ và khâm phục ấy, cha An-rê sử dụng tất cả như những phương tiện hữu ích để hướng dẫn mục đích cao cả là vì Tin Mừng và cho Tin Mừng. Bước chân truyền giáo của cha đang rất thuận lợi thì đột nhiên phải dừng lại suốt 30 năm vì sự ngăn cản của bệnh tật. Thế nhưng, sau thời gian bệnh rất dài đó, cha lại tiếp tục ngọn lửa truyền giảng Lời Chúa.

    Được sự tin tưởng và tín nhiệm của anh em, cha An-rê đã nhận chức vụ tu viện trưởng trong nhiều nhiệm kỳ. Cha thực hiện những cuộc cải cách, chấn hưng lại trật tự các tu viện, chú trọng đến việc kiện toàn đời sống tu, tuân giữ kỷ luật…

    Đem hết tâm lực, trí lực, tài lực với tĩnh thần phục vụ và lòng hăng say rao giảng Lời Chúa vào những lúc thuận tiện thế nào, thì khi không mấy thuận tiện, cha An-rê vẫn tiếp tục như vậy. Quả nhiên, khi trận dịch đen dữ dội xảy ra, cha đã hết lòng giúp đỡ các bệnh nhân và làm nên dấu chỉ sống động cho việc loan báo Tin Mừng. Cha qua đời năm 75 tuổi (1450) và được đức giáo hoàng Lê-ô XIII phong lên hàng chân phước năm 1902.

    Lạy Chúa, chân phước An-rê A-bê-lơn đã nên khí cụ Chúa dùng để giúp chúng con lớn mạnh về đời sống đức tin và để chúng con sẵn sàng mang Chúa đến cho nhân thế. Giờ đây, chúng con không thể ngồi yên để chờ cơ hội thuận tiện mà thi hành sứ vụ tông đồ. Xin thương giúp chúng con khi sống giữa nhịp sống xô bồ, bon chen của thời hiện đại, chúng con không làm mất nhiệt tâm truyền giáo hoặc làm cho các nhân đức: hy sinh, bác ái, khiêm nhường và tinh thần phục vụ… dần bị lãng quên và trở thành “ngôn ngữ chết”.


    [1] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – số 121

    [2] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng – số 120.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan