Ngày 27 tháng 10
Chân phước BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô VIN-XEN-XÊ
B. Bartholomaeus de Vicenza
Giám mục (c. 1200 – 1271)
1. Tiểu sử
Chân phước Ba-tô-lô-mê-ô chào đời tại Vi-xen-da trong một gia đình danh giá thuộc dòng họ bá tước Bơ-ra-gan-da. Không ai biết chắc ngày sinh của ngài, các sử gia đoán rằng, ngài sinh vào khoảng năm 1200. Ngài có một vận may đó là được sống cùng với thánh Đa Minh. Ngài gặp gỡ thánh Ða Minh đang khi theo học đại học tại Pa-đua và đã xin được theo bước cha thánh. Ngài đã được thánh Đa Minh chăm sóc như một người con, được thấm nhuần tinh thần Đa Minh qua những bài giảng của ngài. Những cuộc giảng thuyết đầu tiên đưa tu sĩ Ba-tô-lô-mê-ô rảo khắp vùng Lom-bác-đi-a, đến với những người lạc giáo và những phe chống đối Giáo hôi. Người được giao nhiệm vụ hòa giải các gia đình và thiết lập một đạo binh mang tên "hiệp sĩ của Ðức Ma-ri-a vinh quang" để chống lại những hành động quá khích của lạc giáo.
Ðức giáo hoàng đã triệu người về Rô-ma để sử dụng tài am hiểu về thần học của người và cử người làm Tôn sư thánh điện. Tại Công đồng Li-ông năm 1244, người đã ủng hộ đức In-nô-xen-tê IV. Thánh Lu-y kết bạn với người và nhận người làm cha giải tội. Người đã tận dụng cơ hội này để viết một cuốn khảo luận bàn về cách giáo dục các hoàng tử. Người đã dâng tặng hoàng hậu nước pháp là bà Ma-ga-ri-ta xứ Pơ-rô-văng cuốn khảo luận này. Khi thánh Lu-y lên đường tham gia cuộc thập tự chinh, cha Ba-tô-lô-mê-ô tháp tùng đến Síp nơi thánh Lu-y lên tàu vào 9-1248. Ðức giáo hoàng bổ người làm giám mục Síp. Người đã thi hành chức vụ giám mục ở đó trong thời gian từ 5 đến 6 năm, ân cần dạy dỗ dân chúng, bảo vệ người nghèo và cải cách hàng giáo sĩ.
Khi vua thánh Lu-y bị những người Xa-ra-din cầm tù, sau đó mới được trả tự do, vua kêu mời cha Ba-tô-lô-mê-ô đến giúp đỡ. Ðức giáo hoàng đã cử cha đến Pa-lét-tin để giúp vua nước Pháp và các cận thần, đồng thời người cùng làm việc với họ để khích lệ tinh thần dũng cảm cho các tín hữu. Sau đó, đức giáo hoàng triệu người về châu Âu và bổ nhiệm làm giám mục Vi-xen-xê. Ðó là thời kỳ mà hoàng đế Phê-đê-ríc II đang xung đột với tòa thánh, con rể của hoàng đế là Ét-xơ-lin -vốn là một tay chỉ huy đội quân nổi tiếng- đã đánh chiếm Vi-xen-xê và trục xuất đức giám mục Ba-tô-lô-mê-ô. Ðây quả là một cơ may ! Ðức giáo hoàng đã tận dụng vận hội này gửi đức cha Ba-tô-lô-mê-ô sang giải quyết những vụ việc giữa Giáo hội với vua nước Anh là Hen-ri III. Cùng với vua nước Anh, đức cha đến Pa-ri gặp vua thánh Lu-y. Ðể tỏ lòng biết ơn đức cha về những việc người đã làm cho mình, đức vua đã dâng biếu đức cha một chiếc gai trên vòng mão gai của Chúa Giê-su. Ðược trao tặng một di vật vô giá này, đức cha trở về Vi-xen-xê trong chiến thắng vào năm 1260 và được biết tên Ét-xơ-lin vừa mới qua đời. Hàng giáo sĩ và dân chúng lũ lượt đổ ra chào đón đức cha với bài hát : "Hạnh phúc thay những người làm rạng danh Thiên Chúa !"
Ðức cha bắt đầu đảm nhận công việc dẫn dắt những người tội lỗi và người lạc giáo trở về nẻo chính đường ngay. Vị thủ lãnh phái Ca-ta là ông Ga-lút đã gây xung khắc với đức cha trong một cuộc tranh luận. Thế nhưng, đức cha Ba-tô-lô-mê-ô thuyết phục hay đến mức ông Ga-lút phải chấp nhận trở về với Giáo hội Công giáo. Ðức cha đã khởi công xây "một nguyện đường" để lưu giữ chiếc gai trên mạo gai của Chúa. Ðó là nguyện đường Xan-ta Co-rô-na ở Vi-xen-xê mà người đã trao phó cho các tu sĩ Ða Minh coi sóc. Năm 1267, đức cha đến Bô-lô-ni-a để tham dự lễ di chuyển hài cốt thánh Ða Minh lần thứ hai nhân cuộc họp tổng hội. Chính người đã đọc diễn văn trong dịp này. Ít lâu sau, đức cha qua đời tại Vi-xen-xê năm 1270, đông đảo những người nghèo đã khóc thương người, ai nấy đều tán dương sự hiểu biết, tính dịu hiền và lòng khiêm nhường của người.
Ðức cha Ba-tô-lô-mê-ô được tôn phong lên bậc chân phước năm 1793.
2. Gia sản Kinh Mân Côi
Tháng Mân côi kính Mẹ dần khép để lại trong lòng mỗi người niềm xác tín về “thần lực kinh Mân côi”, một gia sản quý giá của dòng Đa Minh trong suốt 800 năm lịch sử. Quả như đức giáo hoàng Gio-an XXIII xác tín: “Kinh Mân côi như là ‘cái ná của Đa-vit’, là khí cụ của niềm tin để có thể chống lại những Gô-li-át trong những vấn nạn hiện đại”.[1] Lịch sử Giáo hội đã chứng minh điều ấy, cuộc đời của chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Vi-xen-da cũng đã nói lên điều ấy. Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm chân phước Ba-tô-lô-mê-ô Vi-xen-da, xin ngài cho chúng ta trở thành “hiệp sĩ của Đức Ma-ri-a vinh quang” qua từng chuỗi kinh Mân côi mỗi ngày.
Thánh nhân là một trong số các môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, chân phước nổi bật về nhiều phương diện: giảng thuyết đại tài, là tôn sư thánh điện, là Giám mục hết mình vì đoàn chiên và là đặc sứ của Toà thánh. Ngài nhiệt thành không mệt mỏi để dẹp bỏ những tư tưởng bất hoà, những mâu thuẫn cá nhân, gia đình và cộng đoàn. Ngài dấn thân trong việc xây dựng nên một ngôi đền tâm linh cao quý để đưa những người tội lỗi và những người ly giáo trở về với Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành.
Công việc hoà giải và liên kết đã chi phối cuộc đời của ngài. “Ngài nhận thấy rằng cần có một biện pháp lâu dài để kiểm soát những bất hoà đáng tiếc vốn đang tiếp tục làm xáo trộn sự an bình chung… Do đó ngài thiết lập một hội có tên là ‘Các hiệp sĩ của Đức Ma-ri-a vinh quang’. Mục tiêu của hiệp hội này là gìn giữ hoặc khôi phục sự thanh bình giữa dân chúng. Các thành viên của hiệp hội mang sứ điệp hoà giải đi khắp nơi. Họ tận dụng tất cả các phương tiện mà đức bác ái Ki-tô giáo có thể gợi lên để chấm dứt các mối bất hoà, tranh chấp và thù hận”.[2] Sức mạnh của hiệp hội đã làm cho cuộc nội chiến tại Ý chấm dứt đem lại an bình. Chẳng bao lâu sau, hiệp hội được Toà thánh đã tán thành và châu phê.
Cuộc đời của chân phước Ba-tô-lô-mê-ô qua đi, nhưng dấu ấn an bình ngài đã để lại cho lịch sử Giáo hội còn mãi. Chúng ta có thể tin chắc rằng “Các hiệp sĩ của Đức Ma-ri-a vinh quang” do ngài thiết lập không thể lên đường mà lại bỏ qua phương tiện hữu hiệu là phương dược thần kỳ có sức mạnh vạn năng của kinh Mân côi. Chắc hẳn các hiệp sĩ cũng cảm nghiệm như đức giáo hoàng Lêô XIII và tin “chắc chắn một điều, nếu đọc Kinh Mân côi một cách thành kính, sẽ có lợi không những cho cá nhân mà thôi mà còn cho cả thế giới”.[3] Xác tín điều này đức giáo hoàng Lêô XIII quả quyết: “Trong mọi gia đình, mọi quốc gia, nếu kinh Mân côi của Đức Maria vẫn còn được tôn kính, người ta không còn phải lo lắng về việc mất đức tin do thờ ơ và lầm lỗi”[4] và dĩ nhiên hoà bình sẽ lan tràn.
Tháng Mân côi khép lại, ước gì lời kinh Mân côi yêu thương sẽ dắt dìu chúng ta luôn mãi. Ước gì mỗi chúng ta sẽ trở thành “hiệp sĩ của Đức Ma-ri-a”, để đem an bình cho nhau và để Mẹ giúp chúng ta trở nên môn đệ của Chúa Ki-tô. Ước gì lời Kinh Mân côi giúp chúng ta hội nhập vào trong lịch sử hằng ngày để biết đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Ki-tô giữa chúng ta.
Lạy Chúa ! Khi cuộc đời con ngập tràn niềm vui, xin cho con biết kết hợp với Chúa trong các màu nhiệm mùa vui, để con sẵn sàng chia sẻ niềm vui cho anh chị em xung quanh. Khi cuộc đời con bình an, xin cho con mạnh dạn lên đường làm sáng danh Chúa, như hình ảnh Chúa trong các màu nhiệm sự sáng mà con chiêm ngắm đây. Khi cuộc đời con đau khổ, xin cho con biết kết hiệp với Chúa trong các màu nhiệm sự thương, để con mạnh mẽ bước đi cùng với Chúa cho đến cuối cuộc hành trình. Xin cho con hy vọng vào một cuộc sống vĩnh hằng mai sau qua việc con kiết hiệp với Chúa trong các màu nhiệm mùa mừng. Amen
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 156 | Tổng lượt truy cập: 4,163,166