Chân phước Biển Đức XI, Giáo hoàng (07.7)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô sinh tại Trê-vi-dơ năm 1240 trong một gia đình bình dân, cha mất sớm. Người qua đời ở Pê-ru-dơ năm 1304. Đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XII tôn phong chân phước cho người vào năm 1736.

     

    Ngày 7 tháng 7

    Chân phước Biển Ðức XI (Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô)

    Giáo hoàng (1240-1304)

    1. Tiểu sử

    Chân phước Ni-cô-la Bô-ca-xi-nô sinh tại Trê-vi-dơ năm 1240 trong một gia đình bình dân. Vì góa bụa, mẹ người phải kiếm sống bằng việc giặt giũ trong một tu viện của Dòng Ða Minh. Trí thông minh và lòng đạo đức của cậu Ni-cô-la đã gây nhiều chú ý cho các tu sĩ trong Dòng.

    Năm 14 tuổi, cậu được trao tu phục. Trong suốt 14 năm, thầy Ni-cô-la học văn chương và thần học. Rồi 14 năm tiếp theo, người giữ chức khuyến học tu viện. Sau đó, người tham gia việc quản trị của dòng.

    Tu sĩ Ni-cô-la làm bề trên giám tỉnh kiêm tu viện trưởng ở Lom-bác-đi-a gần như liên tục từ 1286 đến 1296. Năm 1296, người đắc cử bề trên tổng quyền và là người thứ 9 kế nhiệm thánh Phụ Ða Minh, người thúc đẩy việc tu chính hiến pháp và phát triển dòng một cách đáng kể.

    Năm 1298, đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô VIII phong người làm hồng y, sau khi người thành công trong việc giải hòa hai nước Anh – Pháp. Việc tấn phong làm cho người hết sức ngỡ ngàng đang khi người viếng thăm các tu viện ở Pháp. Ðức giáo hoàng còn ban tặng cho người danh hiệu thánh Xa-bin. Năm 1300, người trở thành giám mục giáo phận Ốt-ti và giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục. Năm sau, đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô VIII đặt người làm sứ thần tòa thánh tại Hung-ga-ri, Ba-lan, Ðan-ma-ti và Xéc-bi.

    Ðây cũng là thời kỳ vua Phi-líp Lơ Ben nước Pháp muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Giáo hội về nhân sự và hành chính, vì thế mối xung khắc giữa đôi bên ngày càng trở nên trầm trọng ; cả hai phía đều ỉ vào quyền lực của mình nên không thể không có chuyện đổ vỡ. Chuyện gì phải đến đã đến : vua Phi-líp Lơ Ben đã âm mưu cử một mật phái viên của mình là Nô-ga-rê đến nạt nộ đức Bô-ni-pha-xi-ô VIII tại An-na-nhi. Mọi cận thần của đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô XIII đều trốn chạy, duy chỉ mình hồng y Bô-ca-xi-nô ở lại.

    Ít lâu sau, đức Bô-ni-pha-xi-ô qua đời năm 1303 và đức hồng y Ni-cô-la được chọn làm kế vị. Ðức tân giáo hoàng lấy danh hiệu là Biển Ðức XI. Người cố gắng tái lập hòa bình với nước Pháp bằng cách giải vạ tuyệt thông cho các cố vấn của vua Phi-líp Lơ Ben, ngoại trừ tên mật phái Nô-ga-rê và những kẻ đồng mưu với hắn. Ðức thánh cha cũng giải hòa với hoàng thân các nước : Anh, Cốt-len và Á-nhĩ-lan, người còn xoa dịu các cuộc xung khắc với nước Ðức và bãi bỏ lệnh cấm do vị tiền nhiệm của người áp đặt cho vùng Xi-xi-li-a. Người cũng tỏ ra tán thành với dòng Ðền thờ. Ðể tái lập hòa bình ở Rô-ma, người tháo gỡ các bản án đức Bô-ni-pha-xi-ô đã tuyên án chống lại dòng họ Cô-lơn-na, nhưng các băng nhóm Xi-a-ra đã gây áp lực buộc người rời khỏi Rô-ma, và người lui về Pê-ru-dơ khiến thành Rô-ma trống ngôi cho tới năm 1367.

    Tuy người nỗ lực hàn gắn sự chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội Ly khai Ðông phương, nhất là đối với anh em Ly khai ở Xéc-bi, nhưng vẫn không thành công.

    Ðức Bô-ni-pha-xi-ô VIII đã cắt giảm nhiều đặc quyền của các dòng hành khất, người bắt họ phải phục tùng các giám mục địa phương. Tuy nhiên, khi đức Biển Ðức XI là vị giáo hoàng thứ hai của Dòng Ða Minh lên kế nhiệm, người lại phục hồi các quyền miễn trừ cho các dòng hành khất. Suốt cuộc đời người sống rất đơn sơ. Chuyện kể rằng, ngày nọ, thân mẫu đến thăm người tại điện Va-ti-ca-nô, những cận thần của đức giáo hoàng xin bà vận bộ trang phục sang trọng để yết kiến đức giáo hoàng. Khi gặp thân mẫu, đức Biển Ðức XI liền nói : “Không, người phụ nữ này không phải là mẹ tôi, mẹ tôi là một người mẹ chất phác cơ mà.” Bấy giờ, mọi người đều hiểu ra và đưa bà đi vận lại bộ y phục thường ngày của bà. Sau đó, đức Biển Ðức XI ôm hôm thân mẫu người thắm thiết.

    Người qua đời ở Pê-ru-dơ năm 1304. Dù chỉ lãnh đạo trong vòng 8 tháng, nhưng người vẫn được liệt vào hàng ngũ các nhà cải cách đã từng dàn xếp ổn thoả biết bao xung khắc giữa các phe phái. Khi cảm thấy giờ chết đã gần kề, người yêu cầu đưa người ra toà đại sảnh, đặt người trên chiếc ghế bành để mọi người có thể hiệp thông cầu nguyện cùng người trong giờ phút lâm chung. Nghi lễ an táng của người được tổ chức rất giản đơn tại tu viện ở Pê-ru-dơ như người hằng mong ước. Nhưng sau đó, người ta đã xây cho người một ngôi mộ thật tráng lệ và đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XII tôn phong chân phước cho người vào năm 1736.

    benedict_11.jpg

    2.  Xây dựng Giáo Hội

    Cuộc đời của chân phước giáo hoàng Biển Đức XI, một cuộc đời hết lòng phục vụ, sống giản dị khó nghèo, nổi bật lên như một tấm gương sáng ngời cho những ai đang lãnh đạo Giáo Hội, cho các nhà lãnh đạo quốc gia, cho những người sống đời dâng hiến soi mình để bắt chước.

    Ngài đã làm bề trên giám tỉnh, kiêm tu viện trưởng ở Lom-bác-đi-a gần như liên tục trong vòng 10 năm. Năm 56 tuổi, ngài đắc cử bề trên tổng quyền và là người thứ 9 kế nhiệm thánh Đa Minh. Ngài thúc đẩy việc tu chính hiến pháp và phát triển dòng một cách đáng kể. Năm 58 tuổi, người được phong làm hồng y sau khi người thành công trong việc hòa giải hai nước Anh - Pháp. Năm 60 tuổi, người trở thành giám mục giáo phận Ốt-ti và giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục. Năm sau, người được đức giáo hoàng đặt làm sứ thần tòa thánh tại Hung-ga-ri, Ba-lan, Đan-ma-ti và Xec-bi.

    Sau khi đức giáo hoàng Bô-ni-pha-xi-ô qua đời năm 1303, đức hồng y Ni-cô-la được chọn làm kế vị. Đức tân giáo hoàng lấy danh hiệu là Biển Đức XI, ngài là vị giáo hoàng thứ hai của dòng Đa Minh và cũng là vị giáo hoàng thứ 194 của giáo hội Công Giáo.

    Khi lãnh đạo Giáo Hội, ngài cố gắng tái lập hòa bình với nước Pháp, bằng cách giải vạ tuyệt thông cho các cố vấn của vua Phi-lip Lơ Ben. Ngài cũng giải hòa với hoàng thân các nước Anh, Cốt-len và Á-nhĩ-lan. Ngài còn xoa dịu các cuộc xung khắc với nước Đức và bãi bỏ lệnh cấm do vị tiền nhiệm của ngài áp đặt cho vùng Xi-xi-li-a. Ngài cũng tỏ ra tán thành với dòng Đền Thờ... Tuy ngài đã nỗ lực hàn gắn giữa giáo hội Công Giáo và giáo hội ly khai Đông Phương, nhưng vẫn không thành công. Cũng chính ngài đã phục hồi các quyền miễn trừ cho các dòng hành khất, mà trước đó vị tiền nhiệm của ngài đã cắt giảm các đặc quyền này.

    Suốt cuộc đời, ngài sống rất đơn sơ. Chuyện kể lại: Ngày nọ, thân mẫu của ngài đến thăm ngài tại điện Va-ti-căng, những cận thần của đức giáo hoàng xin bà vận bộ đồ sang trọng để yết kiến đức giáo hoàng. Khi gặp thân mẫu, đức Biển Ðức XI liền nói: "Không, người phụ nữ này không phải là mẹ tôi, mẹ tôi là một người mẹ chất phác cơ mà." Bấy giờ, mọi người đều hiểu ra và đưa bà đi thay lại bộ y phục thường ngày của bà. Sau đó, đức Biển Ðức XI ôm hôm thân mẫu ngài thắm thiết. Ngài qua đời năm 64 tuổi.

    Dù chỉ lãnh đạo trong vòng tám tháng, nhưng ngài vẫn được liệt vào hàng ngũ các nhà cải cách đã từng giàn xếp ổn thỏa biết bao xung khắc giữa các phe phái trong Giáo Hội. Khi cảm thấy giờ chết gần kề, ngài yêu cầu đưa ngài ra tòa đại sảnh, đặt ngài trên chiếc ghế bành để mọi người có thể hiệp thông cầu nguyện cùng với ngài trong giờ phút lâm chung. Nghi lễ an táng của ngài cũng được tổ chức đơn giản như ngài hằng mong ước.

    Một cách mầu nhiệm, mỗi vị giáo hoàng đều để lại trong triều đại mình một dấu ấn cá nhân. Tất cả những thao thức về sứ vụ, chiều sâu nội tâm, hay những cá tính riêng đều sẽ ghi dấu trong từng lời nói và phảng phất trong từng thái độ, hành động… Đức giáo hoàng Biển Đức XI chỉ lãnh đạo Giáo Hội trong vòng tám tháng, nhưng người được xếp vào hàng ngũ các nhà cải cách đã từng giàn xếp ổn thỏa biết bao xung khắc giữa các phe phái. Vấn đề cải cách đòi hỏi người ta có một hành vi đức tin bên cạnh một sự khôn ngoan nhân loại. Chân phước giáo hoàng Biển Đức XI đã thực hiện một cuộc cải cải cách ngoạn mục nhờ chính đời sống trung tín với Thiên Chúa, và cũng bằng chính tất cả khả năng và cá tính riêng mà Chúa ban.

    Lạy Chúa, nhờ lời chuyển cầu của chân phước giáo hoàng Biển Đức XI, xin giúp chúng con biết cải biến con người mình trong chân lý. Qua đó, chúng con cũng góp phần cộng tác với Chúa để đổi mới thế giới này nhờ liên tục xuất phát lại từ chính Đức Ki-tô. Xin Chúa cũng ban Thánh Thần đến đồng hành và hướng dẫn Giáo Hội qua vị đại diện của Chúa là giáo hoàng Phan-xi-cô của chúng con. Xin Chúa cho các tu sĩ dòng Đa Minh cũng biết theo gương ngài, sống khó nghèo giản dị, làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan