Chân phước Cô-lum-ba Ri-ê-ti (20.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cô-lum-ba Ri-ê-ti là một vĩ nhân của thành phố Pê-ru-dơ, con của một người thợ thủ công ở vùng Ri-ê-ti. Chị qua đời năm 1501. Ðức Biển Ðức XIII đã tôn phong chị Cô-lum-ba lên hàng chân phước.

     

    Ngày 20 tháng 5

    Chân phước Cô-lum-ba Ri-ê-ti

    B. Columba de Rieti

    Trinh nữ (1467- 1501)

    1.  Tiểu sử

    Chị Cô-lum-ba Ri-ê-ti là một vĩ nhân của thành phố Pê-ru-dơ. Nhiều tài liệu vẫn còn nhắc đến danh tánh chị, chẳng hạn, “chị Cô-lum-ba Ri-ê-ti là một nhân vật của hòa bình” trong một thành phố lớn bị xâu xé bởi quân phiến loạn vào cuối thế kỷ XV.

    Chị Cô-lum-ba là con của một người thợ thủ công ở vùng Ri-ê-ti. Ðược sự hướng dẫn của các anh em Ða Minh, chị Cô-lum-ba thường dự các giờ kinh phụng vụ tại một giáo xứ do anh em Ða Minh phụ trách, dần dần, chị tỏ ý muốn gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Cha mẹ không tán thành ý kiến của chị vì muốn chị sống trong bậc hôn nhân. Trong ngày lễ đính hôn, chị đã cắt bỏ mái tóc thề vàng óng của mình rồi đem đặt trên bàn. Thấy tình hình xem ra không ổn, vị hôn phu của chị đành phải thoái lui. Năm 19 tuổi, sau những năm sống nhiệm nhặt kết hợp với việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ, chị xin gia nhập đan viện. Khi chị đi hành hương từ Quê-xi-a đến Ma-đô-nơ, gần Vi-te-bê, dân chúng nhận thấy nơi chị toát ra vẻ thánh thiện kỳ diệu khiến họ sinh lòng mộ mến.

    Vào một ngày đẹp trời, sau khi đã suy xét cẩn thận, chị lên đường đến Pê-ru-dơ để thiết lập một đan viện. Từ lúc dân chúng nghe biết về danh tánh chị, họ ùn ùn tuôn đến để mong gặp chị trong ngôi nhà nhỏ nơi chị cư ngụ cùng với một số chị em Dòng Ba Ða Minh. Giới hữu trách hứa sẽ trang trải kinh phí cho dự án xây cất tu viện vì “Bê-a-tê Xu-ra”.

    Tuy vậy, phải đợi một thời gian khá lâu, người ta mới khởi công dự án và mãi đến năm 1493, tu viện mới được hoàn thành. Tu viện toạ lạc gần cổng thành Phê-rô, bên cạnh tu viện của các tu sĩ Ða Minh, vì thế, những anh em ở đây rất ngạc nhiên về người phụ nữ này, chị không ăn uống gì cả, thường xuyên xuất thần và còn có khả năng tiên đoán nữa. Nhiều người đã đến gặp chị để xin được chỉ giáo. Chị đã thu hút được nhiều thiếu nữ trong thành phố dấn thân sống đời tận hiến. Mãi đến năm 1490, chị mới được khấn đơn và khi ấy chị được 23 tuổi.

    Vì người là một vĩ nhân của đất nước, đông đảo dân chúng đã xin chị cầu nguyện cho họ. Chị đã đẩy lui được những xáo trộn liên tục tái diễn lúc bấy giờ bằng cách đề bạt thỉnh cầu lên giới hữu trách, cảm hoá và thu phục những thành phần quá khích. Dân chúng gọi tu viện của chị là “đan viện của chim bồ câu” và chính tên gọi của chị cũng có nghĩa là “bồ câu - biểu trưng cho hoà bình.” Khi cơn dịch đen xảy đến, tất cả những bệnh nhân đến với chị đều được chữa lành. Khi mẹ bề trên chấp thuận cho chị khấn trọng vào ngày lễ kính thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, thì cùng lúc, bệnh dịch cũng ngưng tác hại.

    Khi đi ngang qua vùng Pê-ru-dơ, Ðức A-lê-xan-đơ VI tỏ ý muốn gặp chị Cô-lum-ba, chị không thể từ chối, nhưng đã xuất thần khi đức thánh cha đến nơi. Chị từ chối tiếp xúc với công tước Lúc-re Bóc-gia, nên ông nuôi lòng thù ghét. Sau đó, ông ta đã bị lãnh án vì tội chống lại chị.

    Tuy vậy, đức giáo hoàng giữ thái độ tôn trọng chị Cô-lum-ba, bằng chứng khi con trai của người là Gio-an Bóc-gia bị ám sát dù rất ray rứt và đau khổ, ngài vẫn xin gửi chị Cô-lum-ba hướng dẫn cháu trai của mình là đại sứ Gio-an Bóc-gia và sau đó là một nhà đại sứ khác. Chị Cô-lum-ba đành phải nặng lời để giảng cho những vị đại sứ này những bài học thấm thía đến nỗi họ cảm thấy rụng rời tâm trí.

    Chị Cô-lum-ba sống ẩn dật trong những năm cuối đời và ra đi khi được 35 tuổi. Trước lúc mất, chị mời giới hữu trách vùng Pê-ru-dơ đến để nói với họ rằng: “Ai không yêu thương anh em mình thì không xứng đáng với Cha trên trời, sự ganh ghét chỉ làm gia tăng lòng hận thù, và nước mắt của những người bị ức hiếp là bản án dành cho những kẻ cậy dựa vào quyền lực.” Ít lâu sau, một cuộc tàn sát khủng khiếp nổ ra, quân phiến loạn sát hại lẫn nhau bằng những hành động man rợ không thể tưởng tượng được.

    Lễ an táng của chị được cử hành trong bầu khí hùng tráng của một cuộc chiến thắng. Ðức Biển Ðức XIII đã tôn phong chị Cô-lum-ba lên hàng chân phước.

     

    2.  Vai trò và sứ mạng của người nữ

    Vào cuối thế kỉ XV, cả thành phố Pê-ru-dơ nổi bật lên một nhân vật nữ mà có lẽ người ta chẳng cần biết chị sinh vào ngày tháng nào, chỉ biết rằng mọi người gọi chị là vĩ nhân, tên chị là Cô-lum-ba[1] Ri-ê-ti. Danh hiệu vĩ nhân được gắn cho chị, không phải vì chị đã đem lại nhiều lợi tức hay đem lại nguồn tri thức do phát minh của chị cho thành phố, nhưng bởi vì chị “là nhân vật của hòa bình” trong một thành phố lớn bị xâu xé bởi quân phiến loạn. Bằng nội lực và bằng sự cảm hóa chị đã đẩy lui được những xáo trộn liên tục tái diễn lúc bấy giờ. Chị mạnh dạn đề bạt thỉnh cầu lên các nhà hữu trách những ý nghĩ giải quyết xáo trộn mà chị cho là phù hợp; chị dịu dàng thu phục những thành phần quá khích; đôi lúc chị đành phải nặng lời để giảng cho các nhà hữu trách những bài học thấm thía về trách nhiệm của họ trước những xáo trộn… Bằng cách đó chị đã đem lại hòa bình cho thành phố.

    Cuộc đời sứ giả hòa bình của chị Cô-lum-ba Ri-ê-ti giản đơn chỉ là sống nhiệm nhặt kết hợp với Chúa bằng việc suy niệm và cầu nguyện lâu giờ. Vì thế, chị đã thu hút được nhiều thiếu nữ trong thành phố dấn thân sống đời tận hiến. Bằng sức mạnh siêu nhiên kín múc từ nơi Chúa, hầu như chị không ăn uống gì nhiều ngày, nhưng chị lại thường xuyên xuất thần. Chúa cho chị có khả năng tiên đoán, vì thế nhiều người đã đến gặp chị để xin được chỉ giáo. Chúa cho chị có sức mạnh chữa lành, nên khi cả thành phố bị chìm ngập trong cơn hoành hành của dịch đen, các bệnh nhân đã đến với chị để xin được chữa khỏi.

    Chị qua đời năm 34 tuổi. Dòng Đa Minh đã ghi tên chị trong danh sách các chân phước của Dòng, rằng: Chị sinh ngày 02/02/1467 và mất ngày 20/5/1501. Ngày 25/2/1625 chị được đức giáo hoàng U-ban-nô VIII phong chân phước. Dòng kính nhớ chị vào ngày chị được diện kiến tôn nhan Chúa 21/5.

    Lược qua câu chuyện của nữ chân phước Cô-lum-ba Ri-ê-ti, cuộc đời của một nữ tu sống cách đây gần sáu thế kỉ. Chúng ta thấy rằng, hẳn chị không nổi bật khi làm những việc vĩ đại, nhưng chị nổi bật trong vai trò và trong thiên chức của một người nữ: dịu dàng, liên kết, sống đời siêu nhiên sâu thẳm... Chị sống tràn đầy mối phúc mà Chúa đã mời gọi: “Phúc cho ai xây dựng hòa bình…”

    Có một thời và có một số người lẫn lộn rằng, bình đẳng giới là phải để cho người nữ đứng vào chỗ của người nam, làm những công việc của người nam. Trong Giáo Hội Công Giáo hiện nay, một số người nữ đang đòi bình quyền một cách như thế. Tôi không cho rằng phải như thế, sự hiện diện của người nữ khi họ sống đúng vai trò của họ trong thiên chức Chúa ban mới là điều tốt đẹp. Đức thánh cha Phan-xi-cô[2] khẳng định: “Giáo Hội không thể là chính mình nếu không có phụ nữ và vai trò của họ trong Giáo Hội”.

    Đức tổng Giám mục Bê-na-đô Au-gia[3], là sứ thần và là quan sát viên thường trực của Tòa thánh đã khen ngợi vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng hòa bình, tại diễn đàn mở của Liên hiệp quốc rằng: “Các phụ nữ là những người dẫn dắt sự phát triển và thịnh vượng của nhân loại trong nhiều lãnh vực như trong gia đình và các cộng đoàn đức tin, trong những sáng kiến văn hóa xã hội và những nỗ lực nhân đạo, trong lãnh vực văn hóa và chăm sóc sức khỏe, làm trung gian và ngoại giao để ngăn ngừa xung đột, trong việc gìn giữ và xây dựng hòa bình.” Ắt hẳn lời khen ngợi này cũng chính là lời tôn vinh chân phước Cô-lum-ba.

    Lạy Chúa, Chúa dựng nên con là người nữ với những chất liệu: dịu dàng, hiền từ, trao ban, liên kết, dễ thương và xinh đẹp. Xin cho con ý thức sự hiện diện của con sẽ tô thêm những gì còn thiếu cho một nửa kia của thế giới, trong vai trò người nữ của con.

    Lạy Chúa, Chúa cho những người nữ thành vĩ nhân không phải do nàng chinh phục năm châu bốn bể, không phải vì nàng lãnh đạo chiến xa và kị binh… Nhưng Chúa cho nàng thành vĩ nhân bởi sự dịu dàng, bởi nền tảng hòa bình do bản chất của nàng đem lại. Ước gì, chúng con ý thức mình là tác phẩm kì diệu của Chúa, tác phẩm xây dựng bình an. Amen


    [1] Truyền thuyết nói rằng khi Cô-lum-ba con gái của một gia đình nghèo ở thành phố sinh ra Ri-ê-ti, thiên thần tụ tập quanh nhà chị, ca hát. Nhưng, trong ngày rửa tội của chị, một con chim bồ câu bay xuống, từ đó về sau, không ai gọi chị là thiên thần mà gọi là Cô-lum-ba (nghĩa là chim bồ câu). https://en.wikipedia.org/wiki/Columba_of_Rieti

    [2] Françói, A. Spadaro, La Civiltà Cattolica, 19/9/2013.

    [3] Đức sứ thần Tòa Thánh Bernardito Auza phát biểu trong một diễn đàn mở của Hội đồng bảo an Liên Hiệp quốc, diễn ra tại New York ngày 28/3/2016.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan