Chân phước Đi-a-na và Xê-xi-li-a, Trinh nữ (08.6)

  • 15/01/2023 22:09
  • Chị Ði-a-na xuất thân trong một gia đình danh giá ở Ca-bô-nê-xi, miền Bô-lô-ni-a. Chị Ði-a-na mất năm 1236. Ngày 8.8.1888, đức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính người. Chân phước Xê-xi-li-a, sinh tại Rô-ma vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Chị qua đời tại nữ đan viện này năm 1290. Ngày 24.12.1891, Ðức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Xê-xi-li-a.

     

    Ngày 8 tháng 6

    Chân phước Ði-A-na và Xê-xi-li-a, Trinh nữ

    B. Diana Andaló (+1236) và B. Caecilia Monialis (+1290)

    1.  Tiểu sử Chân phước Ði-A-na

    Chị Ði-a-na xuất thân trong một gia đình danh giá ở Ca-bô-nê-xi, miền Bô-lô-ni-a. Gia đình có 6 anh em tham gia phục vụ quân đội. Chị Ði-a-na là một thiếu nữ duyên dáng, đài các, thích sống tự lập, ưa làm dáng và năng động.

    Thánh Ða Minh đã thiết lập tu viện đầu tiên tại Bô-lô-ni-a vào năm 1218. Người bắt đầu thuyết giảng tại một nguyện đường nhỏ ở vùng Ma-ca-ren-la, gần nhà chị Ði-a-na. Chị là một trong những thính giả nhiệt thành. Lúc bấy giờ, nhờ tài hùng biện của mình, tu sĩ Rê-gi-nan-đô nổi danh tại các đại học và thu hút được nhiều ơn gọi. Chị Ði-a-na và các bạn của chị cũng đến nghe tu sĩ Rê-gi-nan-đô giảng thuyết. Những lời trích dẫn từ thư thánh Phao-lô và thư thánh Phê-rô chống lại tính cách phù phiếm của phụ nữ đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn chị Ði-a-na, lập tức chị được ơn biến đổi.

    Dưới sự dẫn dắt của tu sĩ Rê-gi-nan-đô, chị đã chọn cho mình một hướng đi mới. Chị thuyết phục song thân dâng tặng cho các tu sĩ một khu đất để xây dựng tu viện thánh Ni-cô-la. Khi tu sĩ Rê-gi-nan-đô đi công tác tại Pa-ri, chị Ði-a-na đã tuyên khấn trong tay thánh Ða Minh. Từ đó, chị sống ẩn dật và chuyên cần cầu nguyện trong nội thất của mình. Chị tận tụy với việc thủ công, trang phục giản dị và mặc áo nhặm có ý khổ chế.

    Ít lâu sau, chị ngỏ ý với thánh Ða Minh, xin thiết lập một đan viện cho các nữ đan sĩ tại Bô-lô-ni-a. Thánh Ða Minh tham khảo ý kiến anh em, rồi quyết định cho thành lập tu viện. Chị Ði-a-na thầm nghĩ rằng, gia đình chị ít nhiều sẽ ủng hộ chị thiết lập một tu viện mới, nhưng chị đã thất vọng vì bị từ chối. Khi ấy, vào ngày 22.7.1221, cùng với một vài người bạn, chị đã bỏ nhà chạy trốn đến đan viện của các tu sĩ vùng Rôn-da-nô. Chị xin gia nhập tu viện và mong được lãnh tu phục ngay lập tức. Người dân An-đa-lô đuổi theo chị và chiếm lấy tu viện. Họ lôi chị Ði-a-na quá thô bạo đến nỗi chị bị gãy một xương sườn, rồi họ đưa chị đến một ngôi nhà nằm trên một gò trống. Chị nằm trên giường bệnh trong nhiều tháng và không hề được chữa trị vết thương.

    Sau khi kết thúc hành trình giảng thuyết, thánh Ða Minh trở về Bô-lô-ni-a, người kín đáo chuyển một vài lá thư cho chị Ði-a-na. Nhưng thánh Ða Minh đã về với Chúa vào đầu tháng 8, tức 15 ngày sau thảm kịch xảy ra tại Rôn-da-nô. Kể từ lúc chị Ði-a-na có thể đi lại được, chị vẫn nuôi dưỡng niềm hy vọng, và vào ngày lễ Các Thánh chị đã trốn chạy. Lần này, song thân không còn đuổi theo chị nữa. Chị luôn ao ước được sống tinh thần Ða Minh trong cô tịch tại Rôn-da-nô. Khi tu sĩ Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a – người anh đáng mến – đến thăm chị, vị này đã chinh phục được người dân An-đa-lô và xin họ chịu phí tổn cho dự án xây cất tu viện.

    Vào dịp lễ Thăng Thiên năm 1222, chị Ði-a-na cùng với bốn người bạn đã khánh thành một đan viện mới mang tên “Ðan viện thánh An-nê”. Tu sĩ Giô-đa-nô xin đức thánh cha nhường Tu viện thánh Xít-tô cho 4 nữ tu sống ở đan viện thánh An-nê, đó là : chị Xê-xi-li-a, chị A-mê, chị Côn-tan và chị Tê-ô-đô-ra. Tu viện này đã được thánh Ða Minh tái thiết trước khi người qua đời. Vì chị Ði-a-na còn quá trẻ, nên chị Xê-xi-li-a được đề cử làm đan viện trưởng.

    Dần dần, đấng kế vị thánh tổ phụ là cha Giô-đa-nô đã củng cố đan viện. Với tư cách là bề trên tổng quyền, người đã hết lòng ủng hộ đan viện bằng cách khích lệ và khuyên bảo, rồi người còn đứng ra trợ cấp mọi phí tổn cho đan viện. Những lúc phải thường xuyên vắng mặt, người liên lạc với đan viện bằng thư từ. Ðược biết, tu sĩ Giô-đa-nô đã gửi cho chị Ði-a-na 50 bức thư luân lưu vào quãng năm 1223-1236. Trong thư, người không chỉ đưa ra những lời khuyên về đàng thiêng liêng mà còn hết lòng mời gọi các chị cùng cộng tác vào việc phát triển dòng bằng lời cầu nguyện. Người đã đề cập đến những thành công và khó khăn của mình bằng lời lẽ chân tình thấm đượm lòng yêu mến. Chị Ði-a-na mất năm 1236, khi ấy, chị được 35 tuổi.

    Tu viện bị giải thể vào năm 1793. Hộp đựng thánh tích của các chị được đặt trong nhà nguyện của các tu sĩ Ða Minh. Ngày 8.8.1888, đức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính người.

     

    2.  Tiểu sử Chân Phước Xê-xi-li-a

    Chân phước Xê-xi-li-a, sinh tại Rô-ma vào khoảng đầu thế kỷ XIII. Chị lãnh tu phục từ tay thánh Ða Minh tại tu viện thánh Xít-tô ở Rô-ma. Cùng với chị A-mê An-đa-lô, chị được gởi đến tu viện ở Bô-lô-ni-a. Năm 1221, chị được chuyển từ tu viện “Ðức Ma-ri-a trong đền thánh” đến nữ đan viện thánh Xít-tô. Tại đây, chị được tiếp xúc thường xuyên với thánh Ða Minh, nên đã mô tả rất trung thực chân dung và tinh thần của Thánh Phụ.

    Về sau, khoảng cuối năm 1223, hoặc đầu năm 1224, Ðức Hô-nô-ri-ô III đã phái chị cùng ba nữ tu khác đến Bô-lô-ni-a truyền đạt tinh thần thánh phụ Ða Minh cho các chị em tại đan viện thánh A-nê do chân phước Ði-a-na xây cất. Chị qua đời tại nữ đan viện này năm 1290. Ngày 24.12.1891, Ðức Lê-ô XIII đã chuẩn y việc tôn kính chân phước Xê-xi-li-a.

     

    3. Những người nữ Đa Minh đầu tiên

    Ngày 25.5.2015, trên trang mạng la-croix.com, tác giả Gauthier Vailant đã tổng lược quan điểm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô về vai trò và sứ mạng của người nữ trong Giáo Hội với các đặc điểm sau: - Phụ nữ là những người đã khám phá ngôi mộ trống của Chúa Ki-tô buổi sáng sớm Phục Sinh, họ là những người trao truyền đức tin ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội[1] cho đến hôm nay. - Họ là tạo vật đẹp nhất mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên. Sự hiện diện của họ làm tăng thêm vẻ đẹp cho gia đình, cho xã hội và cho Giáo Hội[2]. - Phải để cho họ có chỗ đứng trong Giáo Hội, vì “với sự thông minh và tài năng khéo léo của phụ nữ, các nữ thần học gia có thể đưa ra những khía cạnh chưa dò tìm được của mầu nhiệm Chúa Ki-tô”[3]. - Họ cộng tác với người nam theo “một cách có thể thực sự đáp ứng được cho sự sung mãn của con người”; bởi chưng, “sự hiện diện của phụ nữ phải mang tính cách huyết mạch và rốt ráo trong các cộng đoàn để chúng ta có thể thấy có nhiều phụ nữ dấn thân đảm nhận trách nhiệm trong các công việc mục vụ”[4]... - Phụ nữ truyền trao cho chúng ta khả năng hiểu thế giới với con mắt của sự khác biệt, nghe và thấy sự việc với quả tim sáng tạo hơn, kiên nhẫn hơn và dịu dàng hơn”.[5]

    Quan điểm của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, đó cũng chính là quan điểm của Giáo Hội trong suốt bề dày lịch sử, là sự chân nhận của gia đình Đa Minh thế giới suốt tám thế kỷ qua, là vấn đề mà các thành viên của Dòng Giảng Thuyết thảo luận trong hai năm 2012 và 2013: nhìn về ơn gọi của các nữ đan sĩ và các nữ tu hoạt động trong tinh thần hướng tới dịp kỷ niệm 800 năm thành lập Dòng Giảng Thuyết.

    Hai vị chân phước Đi-a-na và Xê-ci-li-a chúng ta cùng chiêm ngắm trong phút cầu nguyện hôm nay, được liệt kê vào lịch sử bề dày 800 năm đó. Họ là những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh như: Ray-mun-đô, A-nê Mon-tê-pun-chi-a-no, Rê-gi-nan-đô, Ma-nê,  Gio-đa-nô Sa-xô-ni-a, Ma-ga-ri-ta, Gia-xin-tô, Gio-an Đa Minh, Xét-lao,... Họ là những người nữ đầu tiên nhiệt thành cộng tác trên hành trình sứ vụ loan truyền Lời Chúa cách mới mẻ và đầy sáng tạo của thánh Đa Minh trong bối cảnh Giáo Hội và xã hội lúc bấy giờ. Họ là những người tiên phong trong sứ vụ Giảng Thuyết qua cách sống và sự hy sinh phục vụ của mình. Họ là những người đáp lại lời mời gọi của thánh Đa Minh sống đời chiêm niệm để cầu nguyện cho công việc loan giảng Tin Mừng. Cả hai vị chân phước này đều được diễm phúc khấn trong tay thánh Đa Minh. Cả hai đều góp công sức trong việc hình thành đan viện thánh A-nê và trở thành những đan sĩ tiên khởi của Dòng Thuyết Giáo. Cả hai đều sống vào giai đoạn đầu của Dòng, nên chẳng ai còn nhớ ngày tháng năm sinh của họ. Tuy thế, cả hai trong họ là những nhân chứng trung thực có thể mô tả chân dung vị Tổ phụ Thuyết Giáo, người mà đã có nhiều sáng kiến trong ơn thánh, đưa Giáo Hội vượt qua sóng gió nguy nan. Cả hai đã cộng tác vào việc phát triển Dòng trong giai đoạn tiên khởi bằng lời cầu nguyện; bằng những công khó trong sự dấn thân hy sinh; bằng sự mạo hiểm trong ơn thánh để đem lại bộ mặt mới cho Giáo Hội. Cả hai vị chân phước đã đi tiên phong dưới ngọn đuốc Thuyết Giáo của thánh Đa Minh, rao truyền Lời Chúa bằng cách thế mới.

    Lạy Chúa, khi mừng hai vị nữ chân phước của Dòng Thuyết Giáo, chúng con nghĩ về vai trò người nữ trong Giáo Hội và trong Dòng chúng con. Chúng con chân thành nguyện cầu cho tất cả những người nữ đang phục vụ trong sứ vụ của Dòng Thuyết Giáo. Chúng con nguyện xin Chúa là nguồn hy vọng khi họ nản lòng, là sự an ủi lúc họ sầu khổ, là nguồn hoan lạc khi họ làm việc, là sức mạnh bảo vệ họ suốt cuộc đời.

    Lạy Chúa, xin ban ơn để mọi người biết tôn trọng vai trò phụ nữ của họ; xin cho mọi người biết bày tỏ lòng biết ơn vì sự hiện diện yêu thương dịu hiền của họ, vì sự nhẫn nại và thông hiểu của họ, vì lòng tốt và độ lượng của họ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan