Chân phước Ê-li-mi-a Bít-se-ri (04.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Ê-mi-li-a sinh năm 1238 tại nước Ý, thuộc dòng tộc Véc-xe-li. Chị được Chúa gọi về ngày 03.5.1314, đây cũng là ngày lễ kỷ niệm việc tìm thấy Thánh Giá Chúa Giê-su. Ngày 19.6.1769, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XIV tôn phong chân phước cho chị Ê-mi-li-a.

    Ngày 4 tháng 5

    Chân phước Ê-MI-LI-A BÍT-SE-RI, trinh nữ

    B. Aemilia Bicchieri

    (1238-1314)

    1.  Tiểu sử

    Trinh nữ Ê-mi-li-a sinh năm 1238 tại nước Ý, thuộc dòng tộc Véc-xe-li. Khi còn nhỏ, chị Ê-mi-li-a đã có lòng sốt sắng kính mến Chúa và thảo kính cha mẹ.

    Năm lên 9 tuổi, chị Ê-mi-li-a tuyên khấn sống bậc tu hành trong một đan viện, mà trước đó cha chị đã trông coi việc xây cất. Tại đây, cùng với một số các chị em khác, chị Ê-mi-li-a đã sống theo tu luật thánh Âu Tinh và luật Chị em Hãm Mình của thánh Ða Minh, quyết tâm đặt Chúa trên mọi quyến rũ và lợi lộc trần gian. Chị chuyên cần tập luyện các nhân đức ; dù ở trong địa vị một bề trên, chị vẫn khiêm tốn phục vụ chị em ngay cả trong những công việc hèn hạ nhất.

    Chị khuyên nhủ các chị em trong tu viện siêng năng cầu nguyện. Chị vẫn thường hay nhắc nhở : “Người nữ tu không tha thiết cầu nguyện cũng giống như một người khách lạ vào thành phố mua hàng mà không biết mình phải tiếp xúc với ai và giá cả hàng là bao nhiêu !”

    Suốt cả đời, chị liên kết mật thiết với một mình Thiên Chúa và luôn tạ ơn Người vì những ân huệ đã lãnh nhận. Chị đặc biệt yêu mến Ðức Mẹ và năng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế, ước ao được tham dự vào những đau khổ của Người.

    Chị được Chúa gọi về ngày 03.5.1314, đây cũng là ngày lễ kỷ niệm việc tìm thấy Thánh Giá Chúa Giê-su. Ngày 19.6.1769, đức giáo hoàng Cơ-lê-men-tê XIV tôn phong chân phước cho chị Ê-mi-li-a.

     

    2. Cầu nguyện cho các đan sĩ

    Sống trong đan viện, các đan sĩ cách nào đó đang tự nguyện làm cuộc đổi thay để bước vào sa mạc giữa đời. Nơi đây, dù sống tách biệt thế trần, các tu sĩ chiêm niệm cũng không tạo nên những hoang đảo riêng, nhưng luôn gắn kết với thế giới, với Giáo Hội và với mọi người bằng sợi dây thiêng liêng là đời sống cầu nguyện trổi vượt. Dưới muôn muôn ngàn ánh nhìn, các đan sĩ ấy là những “chuyên viên cầu nguyện”, là những người có một đời sống đặc biệt trong Giáo Hội.

    Trong niềm tin, hy vọng vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa, chúng ta ước mong ơn gọi đặc biệt đó sẽ luôn bền vững. Ngược dòng thời gian cách đây khoảng bảy thế kỷ, đến với cuộc đời của chân phước Ê-li-mi-a Bít-se-ri, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các đan sĩ sống trung thành, an vui với đời cô tịch, đồng thời không quên sứ vụ cộng tác vào công trình của Chúa bằng việc chuyên chăm sống đời cầu nguyện.

    Những dòng tiểu sử về cuộc đời của chị Ê-li-mi-a Bít-se-ri thật ngắn gọn, giản đơn, tựa như chính nếp sống đan tu của chị. Tuy âm thầm nhưng vẫn đang tỏa ra hương thơm nhân đức dịu nhẹ cho đời. Từ thuở thơ bé, Ê-li-mi-a đã sống hiếu thảo với mẹ cha và chú tâm làm cho vườn hoa tâm hồn ngày thêm tươi sắc. Tiến xa hơn nữa, vào năm chín tuổi, Ê-li-mi-a Bít-se-ri khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm trong một đan viện theo tu luật thánh Au-gút-ti-nô và luật Chị em Hãm mình của thánh Đa Minh. Lúc này, những bông hoa thánh đức nơi chị Ê-li-mi-a Bít-se-ri càng có thêm cơ hội để nở rộ. Quả thế, cả cuộc đời sống trong đan viện của chị Ê-li-mi-a là sự kết hiệp mật thiết với Chúa và là bài ca tạ ơn, vì biết bao ân huệ Chúa thương ban. Không những thế, chị Ê-li-mi-a có lòng kính mến Đức Maria cách đặc biệt và rất năng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Chị luôn ước ao được dự phần vào những đau khổ của Người.

    Là bề trên tu viện, chị Ê-li-mi-a Bít-se-ri không quản ngại làm những việc tầm thường, nhỏ bé, hy sinh hãm mình, khiêm tốn phục vụ và khuyên nhủ chị em chuyên cần cầu nguyện.

    Cuộc đời chị Ê-li-mi-a Bít-se-ri qua đi vào ngày 03/5/1314 nhưng tấm gương sáng cùng lời khuyên của chị Ê-li-mi-a còn âm vang mãi. Tấm gương ấy không chỉ dành riêng cho các đan sĩ, mà còn cho hết mọi người. Gần 400 năm sau (19/6/1769), đức giáo hoàng Clê-men-tê XIV tôn phong chị Ê-li-mi-a Bít-se-ri lên hàng chân phước.

    Việc cầu nguyện cách nào đó luôn để lại dấu ấn đậm nét trên các tu sĩ chiêm niệm, song các tu sĩ ấy vẫn mang nhiều giới hạn, yếu đuối của thân phận làm người. Đời sống đan tu với sự thinh lặng bên ngoài, cũng không phải là một đảm bảo chắc chắn cho sự thinh lặng ở tận sâu bên trong. Từ bầu khí yên bình có thể nảy sinh sự thiện hảo thì đồng thời cũng có thể phát sinh sự xấu sự dữ, cuốn hút con người xuôi theo những đòi hỏi nhằm thỏa mãn bản thân và lãng quên đi cùng đích của cuộc sống, lãng quên sự hiệp thông với Giáo Hội. Ước mong sao các đan sĩ luôn sống trọn vẹn từng thời khắc trong ngày. Ước mong sao các giờ kinh nguyện, các thánh lễ, việc tuân giữ lề luật, những giờ phút riêng tư với Chúa, những công việc thường nhật… được các đan sĩ nhớ đến, cử hành và thánh hóa, để sự bình an nội tâm chiếm hữu, để cuộc sống luôn mang những gam màu tươi sáng, để những chuỗi ngày sống trở nên ý nghĩa tròn đầy và để mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho nhân trần.

    Cùng với chân phước Ê-li-mi-a Bít-se-ri, chúng ta hiệp dâng lên Chúa những lời nguyện xin:

    Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội vẫn còn đó những tâm hồn đang bước theo Chúa trong ơn gọi đặc biệt của đời đan tu. Chúng con xin Chúa thương gìn giữ, nâng đỡ  các tu sĩ ấy để họ luôn biết tìm đến bên Chúa khi vui cũng như khi buồn, lúc mạnh mẽ cũng như lúc yếu đuối muốn lẩn tránh sứ vụ thánh thiêng là cầu nguyện cho cuộc đời, cho con người. Vì lời cầu nguyện tận tâm của họ, xin Chúa gìn giữ và ban bình an để con thuyền Giáo Hội luôn vững chắc lướt qua sóng gió cuộc đời. Xin cho mọi người cũng yêu thích đời cầu nguyện và kết hiệp thâm sâu hơn với Chúa. Amen

     

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan