Ngày 13 tháng 7
Chân phước Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê
B. Jacobus de Varazze
Giám mục (+1298)
1. Tiểu sử
Cha Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê nổi tiếng vì người chẳng những được xem là tác giả của cuốn "Truyền thuyết vàng", mà còn xứng đáng với nhiều danh hiệu khác nữa. Người sinh tại Vô-ra-gi-lê là vùng đất nằm giữa Giê-nô-va và Xa-vô-na, cạnh bờ biển Ðịa Trung Hải. Ngày nay, nơi đây là một bãi tắm nằm giữa các cánh đồng cam, chanh, ô-liu và cọ.
Người gia nhập Dòng Ða Minh lúc 14 tuổi tại một tu viện ở Giê-nô-va. Sau khi lãnh tác vụ linh mục, người dạy thần học rồi được cử đi giảng dạy tại miền Bắc nước Ý. Cha Gia-cô-bê có một giọng nói chuẩn xác và thu hút đến nỗi ai cũng cảm thấy phấn khởi khi nghe người giảng. Cha còn có một trí nhớ tuyệt vời, bằng chứng là người thuộc lòng các tác phẩm của thánh Âu Tinh. Cha là nhân vật đầu tiên dịch Kinh Thánh sang tiếng Ý.
Năm 37 tuổi, sau khi được bầu làm bề trên tu viện ở Giê-nô-va. Cha Gia-cô-bê được chọn làm giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a. Ðây là trường hợp hy hữu trong lịch sử của Dòng, bởi người thi hành chức vụ trong 19 năm liên tục mãi cho tới năm 1286. Cha còn được cử làm giám định viên tại tổng hội Lúc-cơ năm 1288 và tại tổng hội Phe-ran năm 1290.
Chính tại tổng hội Phe-ran, dựa vào thế mạnh của mình, một số viên chức ở giáo triều Rô-ma đã vận động các bề trên giám tỉnh giải nhiệm quyền bề trên tổng quyền Mu-ni-ô Da-mô-ra. Cha Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê là một trong bốn giám định viên được giao nhiệm vụ phải công bố thông tin này cho toàn Dòng. Nhân cơ hội này, cha đã cương quyết phản đối văn thư giải nhiệm bề trên tổng quyền, bởi nó gây phương hại đến danh giá của Dòng, hơn nữa, cha còn phủ quyết những đánh giá sai lạc về tài năng của cha Mu-ni-ô và khẳng định công đức cũng như sự vô tội của bề trên tổng quyền.
Ðức giáo hoàng không còn muốn cha Gia-cô-bê làm bề trên giám tỉnh nữa nên cử người làm tổng giám mục giáo phận Giê-nô-va. Người đến đây như một sứ giả hòa bình trong khi thành phố này đang bị xâu xé bởi các quân phiến loạn ngót 50 năm: người người mưu hại chém giết nhau... Tại tỉnh hội năm 1293, cha Gia-cô-bê đã tái lập hòa bình bằng cách đưa ra những quy chế đầy khôn ngoan. Năm 1295, bằng một cuộc họp trong tinh thần hòa giải, tất cả các giáo sĩ, nghị sĩ và nhân dân cùng ký vào bản hòa ước. Mười một tháng sau đó, các rắc rối lại xảy ra và cuộc nội chiến kéo dài nhiều ngày trong khi cha Gia-cô-bê không ngừng cầu nguyện và họat động. Sự can thiệp của người đã vãn hồi những cuộc tranh chấp, và lần này, hòa bình được củng cố vững chắc.
Cuộc đời đức giám mục Gia-cô-bê đã hòa quyện vào dòng lịch sử nhân loại : người trao hiến cuộc đời của mình để hàn gắn những đỗ vỡ do chiến tranh, phân phát tài sản cho những người bất hạnh, bán tất cả những gì mình có để ủng hộ những cuộc cứu trợ, thuyết phục những người giàu cùng chia sẻ trách nhiệm với người trong công việc từ thiện. Ðang khi gánh vác trách nhiệm chủ chăm trong giáo phận được tám năm, người qua đời năm 1298, hưởng thọ 68 tuổi. Ðức Pi-ô VII tuyên bố sắc phong chân phước cho người năm 1816.
Cha Gia-cô-bê còn là một nhà văn tài năng. Người ta nói về cha như một kho tàng các câu chuyện chứa đựng nội dung Kinh Thánh ; một pho sách thâu tóm các tác phẩm của thánh Âu Tinh ; một tuyển tập những bài ca ngợi khen Ðức Trinh nữ Ma-ri-a. Với tài năng của một sử gia, người đã ghi chép về cuộc đời các tổng giám mục thành Giê-nô-va, ấn hành các bài giảng lễ Chúa Nhật quanh năm và các bài chia sẻ thường niên vào Mùa Chay cũng như vào các ngày lễ kính Ðức Trinh nữ Ma-ri-a. Học hỏi kinh nghiệm từ các vị tiền bối, người luôn kín múc lời giảng từ các bản văn Kinh Thánh, rồi chú giải bằng các đoạn Kinh thánh khác. Nổi bật nhất là cuốn "Truyền thuyết mạ vàng", hay phải nói chính xác hơn là "Truyền thuyết vàng ròng", tức là cuốn "Hạnh các thánh" đầu tiên là một trong những tác phẩm được ấn hành công phu nhất trước khi ngành in ra đời.
Nhận được hứng khởi từ các "hành động và phép lạ" của một tu sĩ Ða Minh tên là Gio-an Mai-li mất năm 1255, người đã biên soạn một tác phẩm liên quan đến những vấn đề này. Dĩ nhiên, những tác phẩm của người không đặt nặng về phương diện phê phán các sự kiện lịch sử. Người không có chủ ý viết những tác phẩm lịch sử mang tính khoa học, nhưng chỉ lưu tâm đến những cống hiến chứa đựng giá trị nghệ thuật. Với từ ngữ đậm đà và văn phong khúc chiết, người đã gặt hái được nhiều thành công mỹ mãn. Người đã trình bày lý tưởng về sự nên thánh như người ta đã cảm nhận ở thời Trung cổ. Dưới góc nhìn này, "Truyền thuyết vàng" quả là một tài liệu quý giá cho các sử gia thiên về cảm tính ở thời trung cổ.
2. Tài năng cần được sử dụng và được phát triển đúng
Chương trình “Tìm kiếm tài năng – Vietnam’s Got Talent” là một chương trình truyền hình thực tế sinh động, được “Việt hóa” từ chương trình giải trí truyền hình nổi tiếng thế giới “Got Talent”. Đây là một chương trình giải trí mang ý nghĩa giáo dục cao, phù hợp với mọi tầng lớp khán giả. Ban tổ chức chương trình muốn khám phá những tài năng của người Việt Nam. Hơn thế nữa, chương trình cũng là một tiếng nói chung cho tất cả những người yêu nghệ thuật, muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật và muốn khẳng định mình khi biểu diễn nghệ thuật đó cho mọi người cùng thưởng thức.
Thật cảm động và rất bất ngờ khi chương trình Vietnam’s Got Talent trong những ngày tháng qua, đã đưa vào những bài thánh ca được sinh viên giáo tỉnh Hà Nội chọn trình diễn, các tài năng được đánh giá cao, các tiết mục đã thực sự thu hút nhiều trái tim.
Việc tìm kiếm tài năng là một công việc quan trọng của quốc gia, của tập thể xã hội, của cộng đoàn… Tuy nhiên, việc sử dụng đúng, nuôi dưỡng đủ, trân trọng xứng đáng các tài năng và làm cho các tài năng phát triển có lẽ là điều quan trọng hơn.
Cha Gia-cô-bê Vô-ra-gi-lê, người con của dòng Đa Minh, được coi là một nhà văn tài năng, một kho tàng các câu chuyện chứa đựng nội dung Kinh Thánh, một pho sách thâu tóm các tác phẩm của thánh Au-gút-ti-nô, một tuyển tập những bài ca ngợi khen Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, một sử gia tài năng, một nhà giảng thuyết đầy thu hút... Cha Gia-cô-bê sinh ra trong vùng đất Vô-ra-gi-lê nằm giữa Giê-nô-va và Xê-nô-va, cạnh bờ biển Địa Trung Hải. Cha gia nhập dòng Đa Minh tại một tu viện ở Giê-nô-va. Sau khi lãnh tác vụ linh mục, cha dạy thần học rồi được cử đi giảng dạy tại miền Bắc nước Ý. Từ năm 37 tuổi, cha được bầu làm bề trên tu viện ở Giê-nô-va, rồi làm giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bac-đi-a trong 19 năm liên tục.
Tất cả những bông hoa tài năng dường như Chúa dành để ban tặng cho cha, nhưng chỉ để làm nổi bật một tâm hồn khát khao yêu mến chân lý và xây dựng hòa bình. Quả thực, cha đã thực sự trở nên sứ giả nhiệt thành loan báo chân lý và là người kiến tạo hòa bình, bằng tất cả khả năng của mình do kín múc sức mạnh từ nơi Thiên Chúa trong thinh lặng chiêm niệm và cầu nguyện thẳm sâu. Lev Tolstoy đã chia sẻ kinh nghiệm này rằng: “Những thành tựu lớn nhất của chúng ta vốn từng là sản phẩm của công việc nội tại thầm lặng của linh hồn, chứ không phải là sản phẩm của những nỗ lực bạo động, cưỡng bức.”[1] Cha Gia-cô-bê đã làm được nhiều điều vĩ đại vì các tài năng của cha đã được hướng dẫn bằng nội lực của một tâm hồn yêu chuộng hòa bình, tha thiết với các điều lành.
Cuộc đời cha Gia-cô-bê bước sang trang sử mới khi Đức Giáo Hoàng nuốn cha Gia-cô-bê làm tổng giám mục Giê-nô-va, một thành phố đang bị sâu xé bởi các quân phiến loạn trong suốt 50 năm. Đức cha Gia-cô-bê đã vâng lời, ngài đến Giê-nô-va hiện diện như một sứ giả hòa bình. Qua đức cha, những cuộc tranh chấp đã được vãn hồi và hòa bình được củng cố vững chắc. Khi hoa trái của hòa bình được nở rộ thì cũng là lúc người sứ giả của Chúa trở về trình diện chủ của mình. Giám mục Gia-cô-bê qua đời năm 70 tuổi. Hơn năm thế kỉ sau (1816), Đức Pi-ô VII tuyên bố sắc phong chân phước cho ngài.
Cuộc đời của chân phước Gia-cô-bê gợi lên trong ta những suy nghĩ: Chúa ban cho chúng ta tài năng, chúng ta sử dụng nó để làm gì nếu không phải là để làm vinh danh Chúa và đem lại nguồn hạnh phúc bình an cho đồng loại. Chân phước Gia-cô-bê đã làm được điều ấy. Ngài đã không để lãng phí hồng ân Chúa ban. Ngài không dùng những tài năng Chúa ban để tìm vinh quang cho mình, nhưng là để sáng danh Thiên Chúa. Ngài không dùng tài năng để lãnh đạo chiến đấu, nhưng ngài dùng tài năng để đem lại hòa bình. Hiểu được tài năng của mình do đâu, biết dùng tài năng của mình để làm gì, đó là điều dẫn đưa con người đến hạnh phúc như lòng Chúa mong ước.
Lạy Chúa, xin ban ơn biến đổi tâm hồn con, để con biết dùng những ơn huệ Chúa ban mà gìn giữ và xây dựng bầu khí hòa bình trong tình yêu thương, liên đới. Xin cho con ý thức về những khả năng Chúa ban là để con phục vụ Chúa và anh em con mà thôi. Amen
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 77 | Tổng lượt truy cập: 3,035,141