Chân phước Gio-an-na A-da (02/8)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Gio-an-na A-da, thân mẫu thánh Ða Minh. Người qua đời vào đầu thế kỷ XIII và được chôn cất tại Ca-lê-ru-ê-ga. Ngày 01/10/1828 Đức Lê-ô XII phê chuẩn việc tôn kính người.

    Ngày 2 tháng 8

    Chân phước Gio-an-na A-da

    B. Joanna

    Thân mẫu thánh phụ Ða Minh, thế kỷ XII

    1. Tiểu sử

    Cuộc đời của nữ chân phước Gio-an-na A-da, thân mẫu thánh Ða Minh, được các sử gia tóm lược khá chi tiết. Sử gia Rô-đơ-ri-ghê nắm rõ các thông tin bởi ông đã đến Ca-lê-ru-ê-ga vào năm 1270 và là một nhân vật đã từng sống trong vùng này. Lại nữa, cha Vi-ke-rơ đã tỉ mỉ nghiên cứu các tài liệu trong công hàm của Dòng nên đã cung cấp một số chi tiết rất chuẩn xác. Nhờ vậy, chúng ta mới biết đích xác rằng, thân phụ của thánh Ða Minh thuộc dòng họ Gu-man và thân mẫu người thuộc dòng họ A-da. Cả hai dòng họ này đều thuộc dòng dõi quý tộc hiệp sĩ, cai quản vùng thượng Ðu-rô và theo phò các vua trong các cuộc “tái chinh phục” vùng bán đảo của người Mo. Sau khi kết hôn với Phê-líc Gu-man, bà Gio-an-na A-da chính là người đã trù liệu cho gia đình đến định cư tại vùng Ca-lê-ru-ê-ga.

    Sử gia Rô-đơ-ri-ghê cho biết: “Thân phụ thánh Ða Minh là bậc đáng kính và phú túc trong vùng, thân mẫu của cha thánh là người phụ nữ tiết hạnh, đoan trang và giàu lòng nhân ái đối với những người bất hạnh và khổ đau. Danh thơm tiếng tốt của bà nổi bật hơn tất cả các phụ nữ trong vùng.” Theo đó, thánh Ða Minh chắc chắn đã thừa hưởng tấm lòng khoan dung từ chính nơi thân mẫu của người. Bằng chứng là cha Giô-đa-nô đã kể lại cho chúng ta tính cách tiêu biểu nơi thánh phụ ngay khi người còn rất trẻ : “Vì động lòng trắc ẩn trước cảnh túng quẫn của những người nghèo khổ, cha thánh đã dốc cạn khả năng của mình để tìm cách an ủi họ. Một lần kia, không thể bình tâm trước những người khốn khổ đang hấp hối, chàng thư sinh đã phải bán những cuốn sách quý của mình để giúp đỡ họ.”

    Người ta cũng kể những câu chuyện tương tự như thế về thân mẫu của thánh Ða Minh. Một lần kia, vì không thể cầm lòng trước cảnh thiếu thốn của những người bất hạnh, bà Gio-an-na đã không ngần ngại đem những vật dụng thường ngày trong nhà mình chia sẻ cho họ, bà còn chiết cả một thùng rượu hảo hạng trong hầm rượu của gia đình ra biếu họ. Chính lúc đó, chồng bà về đến nhà sau một cuộc hành trình dài. Ông xin được dùng chút rượu để nghỉ ngơi thư giãn. Trong tâm trạng đầy lo âu và bối rối, bà Gio-an-na đã khẩn nguyện với Chúa và Người đã nhậm lời bà, tức thì thùng rượu trong nhà lại trở nên đầy tràn !

    Người ta cũng kể lại rằng, vào thời gian mang thai thánh Ða Minh, bà Gio-an-na đã đi hành hương tại đan viện thánh Ða Minh thành Xi-lô, nguyên là một viện phụ rất đáng kính. Vì thế, dân chúng thường đến đây xin người cầu thay nguyện giúp cho các tù nhân mau được giải thoát, và cho các bà mẹ khi sinh nở được mẹ tròn con vuông. Ðó chính là lý do tại sao cha thánh của chúng ta lại được đặt tên là Ða Minh. Chúng ta còn biết đến nhiều truyền thuyết khác nữa, chẳng hạn như, khi mang thai thánh Ða Minh, bà Gio-an-na mơ thấy một con chó miệng ngậm bó đuốc; hay chuyện những con ong mật bay đến đậu trên môi em bé sơ sinh…. các tích chuyện này bắt nguồn từ những truyền thuyết thời trung cổ.

    Sau khi qua đời, bà Gio-an-na được an táng ở Ca-lê-ru-ê-ga. Vào thế kỷ XIV, thi hài của bà được chuyển đến tu viện dòng anh em thuyết giáo ở Pê-na-phi-en và ở đó cho đến nay. Nhờ thu thập được các thánh tích, một nghi thức phụng vụ đã được hoạch định để tôn kính bà Gio-an-na. Nghi thức phụng vụ này đã được chuẩn nhận chính thức kể từ năm 1826, khi đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong bà Gio-an-na lên bậc chân phước.

     

    2. Phúc đức tại mẫu

    Nếu tình yêu được coi là đề tài tốn nhiều giấy mực và được nhiều sự quan tâm nhất, thì có thể nói chủ đề về mẹ cũng là đề tài đánh động biết bao tâm hồn. Trong tâm tình của những người con hướng về mẹ, tôi muốn mời quý vị cùng chiêm ngắm một người mẹ, để cùng suy nghĩ về vai trò của mẹ trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.

    Các sách sử không cho biết gì về ngày tháng năm sinh của chân phước Gio-a-na A-da, người mẹ có hai người con thánh thiện là thánh Đa Minh và chân phước Ma-nê. Chỉ biết người thuộc dòng họ A-da là dòng dõi quý tộc hiệp sĩ, người nổi bật về đời sống đạo đức và là mẫu gương đức tin cho con cái. Người qua đời vào đầu thế kỷ XIII và được chôn cất tại Ca-lê-ru-ê-ga. Ngày 01/10/1828 Đức Lê-ô XII phê chuẩn việc tôn kính người.

    Cuộc đời người khép lại, sử gia Rô-đơ-ri-ghê chỉ ghi nhận đơn giản ít dòng: “Thân mẫu của thánh Đa Minh là người phụ nữ tiết hạnh, đoan trang và giàu lòng nhân ái đối với những người bất hạnh, khổ đau. Danh thơm tiếng tốt của bà nổi bật hơn tất cả các phụ nữ trong vùng”. Không sách sử nào ghi chép, nhưng họa phẩm mà chân phước Gio-a-na A-da để lại là hai người con: thánh Đa Minh và chân phước Ma-nê chắc chắn là lời chứng hùng hồn về đức hạnh của ngài.

    Thiên Chúa có nhiều cách để gieo hạt mầm đức tin trong tâm hồn các tín hữu. Một trong những cách Ngài làm, đó là dùng bàn tay của những người mẹ. Ai trong chúng ta cũng được mẹ sinh ra, qua thời gian được nuôi dưỡng, chăm sóc cho lớn lên và trưởng thành. Đời sống đức tin cũng vậy, chưa cần đến những bài giáo lý, những bài thần học cao siêu thì Thiên Chúa vẫn có thể làm cho hạt mầm đức tin trong mỗi tâm hồn trẻ thơ được lớn lên từng ngày qua đời sống âm thầm, đạo hạnh của người mẹ. Hạt mầm ấy có khi chỉ là những lần cầm tay dạy con làm Dấu Thánh Giá trước khi ăn, khi đi ngủ, khi thức dậy; có khi chỉ là những lần bắt con vòng tay, ấn đầu con để dạy con cúi chào mỗi khi đứng trước tượng Chúa và Mẹ; hay chỉ là những lời cầu nguyện đơn giản, ngắn tủn ngủn, lắp bắp đọc theo mẹ, cho đến những lời kinh “Lạy Cha…, Kính Mừng…” của lòng đạo đức bình dân. Vâng, chỉ từ những bài học rất đơn giản, bình thường ban đầu, chỉ từ cách sống đạo rất giản dị, lặng lẽ nhưng đầy niềm xác tín ấy; tất cả như nguồn dưỡng chất cho hạt mầm đức tin của con trẻ mỗi ngày được hút lấy và âm thầm lớn lên. Rồi qua những giông tố của cuộc đời, người con vẫn in trong mình hình ảnh của người mẹ, dù đau khổ ngập tràn, dù khuôn mặt đầm đìa nước mắt; nhưng mẹ vẫn ngước mắt cầu xin, phó thác với niềm tin vững mạnh. Để rồi người con lại lấy kinh nghiệm của mẹ làm trải nghiệm cho đời sống đức tin của chính mình.

    Nhìn vào gương sáng của người mẹ là chân phước Gio-a-na A-da, ta cũng hãy tạ ơn Chúa vì ta cũng đã có mẹ và được mẹ truyền cho lửa của niềm tin yêu Chúa, cách này hay cách khác. Từ đó, ta cũng hãy hiệp lời cầu nguyện cho tất cả những người mẹ, đặc biệt là những người mẹ Công Giáo, cách riêng là những người mẹ trẻ của thời đại hôm nay. Xin cho những người mẹ vẫn luôn giữ được lòng tin yêu Chúa và ngày càng ý thức hơn sự ảnh hưởng của mình trong đời sống đức tin của con cái.

    Lạy Chúa, trong tâm tình thảo hiếu của những người con, với lòng yêu mến, tri ân: Con tạ ơn Chúa đã ban cho con một người mẹ, người đã liều mạng sống để con được chào đời; người đã dành thời gian, tuổi trẻ, sức lực để lo cho con; đã hăng say làm việc để con có những gì tốt nhất.

    Hơn tất cả, người đã cho con tình yêu. Con nguyện xin Chúa giữ gìn mẹ con khỏi bệnh tật. Xin Chúa làm nhẹ đi gánh nặng mà mẹ con đang mang,... Con xin hứa sẽ thảo kính mẹ hiền. Con sẽ làm cho mẹ tự hào về con; con sẽ không để mẹ muộn phiền hay xấu hổ về con; con sẽ biến ước mơ của mẹ về con trở thành hiện thực. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan