Chân phước Giô-đa-nô Xa-xô-ni-a (13.02)

  • 15/01/2023 18:39
  • Giô-đa-nô sinh khoảng thế kỷ XII, tại Bô-tê-ga miền Oét-pha-li-a nước Ðức. Ngài qua đời ngày 13.2.1237 do bị đắm tàu trên vùng biển A-côn. Ngày 10.5.1826, cha được đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong lên bậc chân phước.

     

    Ngày 13 tháng 2

    CHÂN PHƯỚC GIÔ-ĐA-NÔ XA-XÔ-NI-A

    Linh mục – Lễ nhớ (+1238)

     

    1.  Tiểu sử

    Chào đời tại Bô-tê-ga miền Oét-pha-li-a bên Ðức khoảng thế kỷ XII, ngay từ tấm bé, cậu Giô-đa-nô đã có nếp sống tốt, nhất là có lòng thương mến những người nghèo khổ, cậu không từ chối người nghèo đến xin bao giờ. Người ta kể rằng có lần không còn gì để cho, cậu Giô-đa-nô đã cởi chiếc thắt lưng đang mang trên mình mà cho. Ðến khi vào thánh đường cầu nguyện, cậu Giô-đa-nô thấy Chúa Giê-su trên thập giá đang mang chiếc dây thắt lưng của mình.

    Thế gian không giữ được cậu Giô-đa-nô. Ngày 12.2.1220, Cậu được chân phước Rê-gi-nan-đô trao tu phục tại Pa-ri. Trong tu viện, thầy Giô-đa-nô không màng tới danh giá hay lòng quí chuộng của người đời, kể cả vốn học thông thái trước đây, mà chỉ chọn sống dịu hiền và khiêm tốn, lấy ăn chay cầu nguyện và học hỏi Kinh Thánh làm niềm hạnh phúc. Khi thánh phụ Ða Minh về trời, anh em đã chọn cha Giô-đa-nô làm người thứ nhất kế vị cha thánh trong công tác quản trị Dòng.

    Suốt 15 năm tại chức, cha không ngừng dùng những lời nói, gương sáng, thư từ, soạn thảo hiến pháp, viếng thăm anh chị em. Ðặc biệt sự dịu dàng, đời sống chính trực và tài lợi khẩu của cha đã giúp cho Dòng mở rộng rất nhiều. Cha cho thiết lập nhiều tu viện mới thu hút nhiều người thuộc giới trí thức gia nhập Dòng.

    Dù bận bịu công việc, cha không bao giờ sao nhãng việc giảng thuyết, lúc nào cũng nhân từ, làm gương trước khi truyền lệnh. Mọi người đều mến phục và tín nhiệm cha. Cha Giô-đa-nô có lòng yêu mến Ðức Mẹ cách riêng, hết lòng mến yêu cậy trông như con thảo mến yêu mẹ hiền. Ðể tôn kính Ðức Mẹ, cha đã truyền cho anh em phải hát kinh “Lạy Nữ Vương” sau giờ kinh tối.

    Trong chuyến đi Giê-ru-sa-lem thăm viếng anh em tỉnh Dòng Ðất thánh, khi trở về qua vùng biển A-côn, tàu gặp cơn bão lớn bị vỡ và đắm, cha Giô-đa-nô và hai tu sĩ cùng đi đã thiệt mạng, hôm đó là ngày 13.2.1237. Từ khi cha qua đời, anh em và các tín hữu đã tỏ lòng tôn kính bằng nhiều cách. Ngày 10.5.1826, cha được đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong lên bậc chân phước.

    2.  Lòng yêu mến Mẹ Maria

    Truyền thống Giáo Hội từ xa xưa đã hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) sau giờ Kinh Tối để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Nhưng kể từ thời cha Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a Dòng Thuyết Giáo xuất hiện, thì việc rước và hát kinh này được cử hành long trọng, được truyền bá và phổ biến trong các đan viện và trong toàn Giáo Hội.

    Tìm về lịch sử ta biết rằng, chân phước Giô-đa-nô là Bề trên Tổng Quyền thứ nhất kế vị cha thánh Đa Minh, ngài nổi bật về nhiều mặt. Một điều không thể quên đó là ngài đã hưởng được lòng mến Chúa và tôn kính Mẹ Ma-ri-a cách đặc biệt của thánh Tổ Phụ Đa Minh. Ngài luôn hăng say giảng thuyết mà không cảm thấy mệt mỏi. Trong vòng mười lăm năm lãnh đạo Dòng, ngài đã chăm sóc anh em cách hiền hậu, bằng khuyên nhủ, gương sáng, thư từ, và thăm viếng an ủi. Ngài đã dùng đời sống đạo đức cũng như tài lợi khẩu hiếm có để làm cho Dòng được phát triển lạ lùng.

    Cuộc đời cha Giô-đa-nô ngời sáng lên vẻ đẹp của một tâm hồn đức hạnh, hiền hậu và giàu lòng nhân ái đối với những người nghèo khổ. Dầu vậy, điểm nổi bật nhất nơi ngài vẫn là lòng sốt mến, kính yêu Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Lòng yêu mến Mẹ đã thúc đẩy cha truyền bá việc hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) cách trọng thể. Khi làm giám tỉnh Lom-bac-dia, cha đã truyền cho anh em hát Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) trọng thể và đi kiệu đến trước bàn thờ Đức Mẹ sau Kinh Tối. Đây là giây phút long trọng nhất trong phụng vụ Dòng Đa Minh.

    Lòng kính mến Mẹ vẫn luôn luôn là nhu cầu và khát mong của mỗi cuộc đời dâng hiến. Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã khẳng định: “Mẹ là Mẹ của tất cả mọi người… Như người mẹ đích thực, Mẹ đi với chúng ta, chiến đấu với chúng ta và luôn giúp chúng ta gần gũi tình thương Chúa”. Hơn nữa Đức Thánh Cha còn kí thác Năm Đời Sống Thánh Hiến cho Đức Ma-ri-a Trinh Nữ mẫu gương tuyệt vời của việc lắng nghe và chiêm niệm, mẫu gương của việc đi theo Chúa Giê-su, yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Chẳng thế mà hơn ai hết, những người tu sĩ luôn là những người có lòng sùng kính mến yêu Mẹ cách đặc biệt. Vì khi bước đi trong cuộc đời với những nỗi gian truân, khốn khó, hiểm nguy và khi sống đời tận hiến với những thách đố, đòi hỏi sự từ bỏ cùng với sự tự nguyện hiến dâng, cách nào đó người tu sĩ như đứa con thơ không thể thiếu vắng Mẹ.

    Nhìn vào gương sáng của chân phước Giô-đa-nô, mỗi người tu sĩ cũng được nhắc nhở về tâm tình của chúng ta đối với Mẹ Ma-ri-a. Đó là tâm tình của người con luôn biết gắn kết cuộc đời dâng hiến của mình trong bàn tay yêu thương của Mẹ, luôn tựa nương bên Mẹ mỗi khi gặp đau khổ, gian truân, thử thách, lầm lạc. Và luôn hướng nhìn lên Mẹ là mẫu gương của người sẵn sàng thưa xin vâng theo Thánh Ý Chúa, dâng hiến cho Chúa trọn cả xác hồn, ý chí, tự do.

    Tâm tình đó sẽ giúp ta luôn nhớ đến Mẹ trong mọi giây phút, mọi hoàn cảnh và mọi biến cố của cuộc đời, mà không rơi vào lầm lạc, tuyệt vọng; nhưng luôn vững tin và cậy trông vào Thiên Chúa Tình Yêu. Bởi vì qua Mẹ, chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn, Mẹ chính là chiếc cầu nối ngắn nhất để ta có thể đến được với lòng thương xót của Thiên Chúa.

    Cầu nguyện với chân phước Giô-đa-nô Sa-xô-ni-a hôm nay, ta hãy cùng ngài hát lên lời Kinh Salve Regina với tâm tình con thảo. Để nhờ lời Mẹ chuyển cầu, nhờ Mẹ dẫn lối đưa đường, nhờ tay Mẹ phù giúp, mỗi người chúng ta được ơn trung thành theo Chúa, dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa, và để chúng ta luôn là những người con thảo hiền của Mẹ Ma-ri-a.

    3. Châm ngôn 

    * Chị em, những người sở hữu nước trời, các chị không phải là người đàn bà nghèo khó, mà là nữ hoàng. (Chân phúc Jordan Saxony).

    * Vào một lúc nào đó, nếu có ai trong anh em gặp tình trạng mỏi mệt của tinh thần hoặc đau khổ vì tâm hồn khô khan đến độ dòng suối tình yêu sốt sắng dường như đã cạn khô… Anh em hãy nhận biết phương cách của Thiên Chúa. Trong một thời gian, Người sẽ lánh xa để anh em kiếm tìm Người háo hức hơn; và khi đã tìm kiếm, anh em sẽ gặp được Người với một niềm vui lớn lao hơn; và khi đã gặp được Người, anh em sẽ giữ Người với một tình yêu nồng nàn hơn; và khi đã giữ được Người, thì anh em không bao giờ để cho Người ra đi nữa. (Chân phúc Jordan Saxony).

    * Có một ngọn lửa tình yêu trong Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta, và ở đó, bà nói với tôi và tôi nói bà trong mọi lúc, trong những cảm xúc tình yêu mà không miệng lưỡi nào có thể tả xiết.

    Hỡi Diana, thật là một tình trạng khốn khổ…. Tình yêu chúng ta dành cho nhau không bao giờ thoát khỏi đau đớn và lo lắng. Bà áy náy và đau đớn vì không được phép gặp tôi trong mọi lúc, còn tôi áy náy vì hiếm khi có được sự hiện diện của bà. Ước gì chúng ta có thể được vào thành thánh của Chúa các đạo binh, để ở đó chúng ta sẽ không còn phải xa Người hoặc phải xa nhau. (Chân phúc Jordan Saxony).

    * Bao lâu còn ở chốn khách đầy, thì tâm hồn con người vẫn còn quanh co và xu hướng về đàng tội, khườn lười và yếu đuối trong đàng nhân đức. Chúng ta cần được cổ võ và khích lệ, để người này được người kia giúp đỡ và lòng sốt sắng do lòng mến thiên đàng có thể thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta, ngọn lửa mà thói bất cẩn và sự nguội lạnh thường ngày của chúng ta thường làm tắt lịm. (Chân phúc Jordan Saxony).

    * Không tiến bước trên đường đến với Thiên Chúa tức là đi lùi.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/ 

    Bài viết liên quan