Chân phước Giorgiô Frassati (04.7)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Pier Giorgiô Frassati 6.4.1901 tại phố Turinô, nước Ý. Ngài qua đời 04.7.1925 và được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 20.5.1990.

    Ngày 04 tháng 7

    CHÂN PHƯỚC PHÊRÔ GIẮCGIÔ PHƠRÁTXATI

    B. Petrus Georgius Frassati

    (1901-1925)

    1. Tiểu sử

    Chân phước Pier Giorgiô Frassati sinh ngày mùng 6 tháng Tư năm 1901 tại thành phố Turinô, nước Ý. Cha của ngài, ông Alfređô, là nhà sáng lập và là giám đốc tờ báo Italia, đồng thời ông cũng là một chính trị gia. Mẹ của Pier Giorgiô, bà Ađêlaiđê, là một họa sĩ. Ông bà Frassati không phải là một mẫu cha mẹ lý tưởng chút nào. Ông Alfređô thì chống đối con cái và bà Ađêlaiđê thì có tính bối rối và hay phê phán. Họ tham dự thánh lễ chỉ vì đó là một bổn phận.

    Từ thuở nhỏ, Pier Giorgiô đã rất nhạy cảm với những nhu cầu của người khác. Ngày kia, có bà hành khất nghèo khó tới gõ cửa nhà của gia đình Frassati. Bà ôm trong vòng tay một đứa trẻ không mang giày. Không chút do dự, cậu nhỏ Pier Giorgiô lúc ấy 4 tuổi liền cởi ngay giày đang mang ở chân ra và trao cho đứa bé nghèo khổ kia.

    Pier Giorgiô có đời sống đạo hạnh hơn cha mẹ. Lên 14 tuổi, ngài bắt đầu tham dự thánh lễ và rước lễ hầu như mỗi ngày. Pier Giorgiô gia nhập dòng Ba Đa Minh do bị lôi cuốn bởi linh đạo vừa chiêm niệm vừa hoạt động của hội dòng này. Sứ vụ của Pier Giorgiô là chăm lo cho những người nghèo khổ. Ngài tới những căn nhà dơ bẩn của những người nghèo, lưu lại bên giường của những bệnh nhân và luôn luôn tâm niệm rằng mình đang thăm viếng Đức Kitô. Dù gia đình khá giả, Pier Giorgiô cũng chỉ ra đi làm việc bác ái với hai bàn tay trắng. Ngài không muốn sử dụng tài sản của gia đình.

    Bạn bè của Pier Giorgiô nhận biết ngài như một người tinh nghịch, ham thích leo núi và trượt tuyết. Pier Giorgiô cũng là nhà hoạt động cho công bằng xã hội, tham gia các nhóm ủng hộ tôn giáo và chống lại chủ nghĩa Phátxít. Và Pier Giorgiô đã phải vào tù sau một trong nhiều lần biểu tình; tại đây Pier đã dùng nhiều giờ để đọc kinh Mân Côi và khích lệ bạn bè.

    Đến năm 1925, Pier Giorgiô bị lây nhiễm bại liệt từ một bệnh nhân của ngài. Vào tháng Sáu, Pier Giorgiô bị ốm nặng nhưng ngài vẫn âm thầm chịu đựng; vì cùng lúc ấy tại gia đình Frassati, bà ngoại của ngài đang hấp hối. Pier Giorgiô cho biết là bị cảm sốt nhưng gia đình chẳng quan tâm nhiều tới ngài. Khi bà ngoại qua đời, chẳng ai biết được là Pier Giorgiô cũng sắp lìa bỏ thế gian này mà về cùng Chúa. Thân mẫu Pier, không đi dự lễ tang bà ngoại mà ở nhà với Pier, đã trách cứ Pier vì bị cảm cúm vào thời điểm bất tiện như thế. Nhưng chẳng bao lâu, bà nhận ra rằng con trai mình thật bị bệnh rất nặng chứ không phải chỉ là cảm sốt qua loa như bà tưởng. Ba ngày sau, Pier Giorgiô về trời!

    Những giờ phút cuối đời của Pier Giorgiô diễn ra trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện; và ngài đã để lại những chỉ dẫn sau cùng trong việc giúp đỡ người nghèo, những người luôn hiện diện trong trái tim của Pier. Thế rồi, buổi sáng ngày mùng 4 tháng Bảy năm 1925, Pier Giorgiô đã an bình ra đi sau khi lãnh nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân. Khi ấy, Pier Giorgiô được 24 tuổi. Ít lâu sau cái chết của Pier Giorgiô, gia đình Frassati rất đỗi sửng sốt khi thấy từng đám đông người chen chúc nhau tới nhà thờ để tham dự thánh lễ an táng Pier Giorgiô. Họ là những người nghèo khổ mà Pier Giorgiô đã giúp đỡ trong cuộc đời vắn vỏi của ngài. Họ đến để bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với vị ân nhân trẻ tuổi rất đặc biệt này.

    Pier Giorgiô Frassati được đức thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong chân phước ngày 20.5.1990, ngài gọi cậu là "Người của Tám Mối Phúc."

    Chân phước Pier Giorgiô Frassati đã đặt Đức Kitô làm trung tâm cuộc đời của ngài. Thay vì cảm thấy buồn tủi vì gia đình không hiểu mình, Pier Giorgiô đã dồn mọi quan tâm để lo cho những người kém may mắn hơn ngài. Với việc làm này, Pier Giorgiô là chứng nhân đích thực của niềm vui Tin mừng. Chúng ta hãy nài xin chân phước Pier Giorgiô Frassati giúp chúng ta cũng biết chia sẻ niềm vui của mình cho người khác.

     

    2. Cầu nguyện cho các tông đồ giáo dân

    Công tác tông đồ giáo dân” đã có ngay từ những ngày Chúa Giêsu còn trần gian, nhưng mãi cho đến Công đồng Vatican II người ta mới thấy vấn đề này được Giáo Hội chính thức tuyên bố bằng Sắc lệnh Tông đồ giáo dân. Chúng ta tự hỏi tại sao giáo dân phải làm công tác tông đồ? Thưa vì trong gia đình Giáo Hội mỗi người đều là thành viên và cuộc canh tân Giáo Hội chủ yếu tùy thuộc vào sự nhận thức đầy đủ về sứ mạng và việc đồng trách nhiệm của giáo dân.

    Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân, tại khóa họp toàn thể cuối cùng của Hội đồng sau gần 50 năm hoạt động vào sáng 17.6.2016 tại Vatican, đức thánh cha Phanxicô khuyến khích: Giáo Hội hãy đi ra ngoài và giáo dân hãy đi ra ngoài. Để thực hiện được điều này đức thánh cha nhấn mạnh: “Chúng ta cần những giáo dân được huấn luyện tốt, có đức tin ngay chính, trong sáng và linh hoạt. Cuộc sống của họ được chính cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu từ bi đánh động bằng lòng yêu thương”. Chúng ta cùng chiêm ngắm và cầu nguyện với chân phước Phêrô Giắcgiô, một tông đồ giáo dân rất trẻ và rất nhiệt thành để xin ngài phù trì nâng đỡ, cho tất cả các anh chị em giáo dân trong giáo hội ý thức được vai trò trách nhiệm của mình.

    Cậu Phêrô tốt nghiệp đại học kỹ sư ngành địa chất. Cậu bắt đầu liên lạc với dòng Anh em Thuyết giáo. Sau một thời gian tìm hiểu, thấy mình không có ơn gọi sống đời tu, cậu Phêrô đã quyết định sống ơn gọi giáo dân Ða Minh. Cậu nói: "Ơn gọi giáo dân chính là nguồn cảm hứng thôi thúc tôi đến với công việc phục vụ." Vì là kỹ sư địa chất và là giáo dân, nên tôi dễ dàng gặp gỡ và chia sẻ đời sống của giới lao động, tôi có thể "phục vụ Chúa Kitô hơn giữa những người thợ mỏ”.

    Với tinh thần hăng say phục vụ, cậu còn tham gia vào các hiệp hội của giới trẻ Công Giáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Cậu thường xuyên thăm viếng những người nghèo sống ở các vùng ô nhiễm. Vì thế, tuy còn rất trẻ nhưng sức khoẻ của cậu đã suy giảm, khả năng kháng bệnh cũng kém đi. Ngày 4.7.1925 cậu được Chúa gọi về lúc 24 tuổi.

    Ðức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II sau khi viếng mộ của ngài năm 1989 đã nói: "Tôi muốn tỏ lòng tôn kính ngài một người trẻ, ngài đã có thể làm chứng cho Chúa Kitô một cách hiệu quả đặc biệt trong thế kỷ này của chúng ta". Ðức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho cậu Phêrô ngày 20.5.1990, ngài gọi cậu là "Người của Tám Mối Phúc."

    Cuộc đời của chân phước Phêrô Giắcgiô cho chúng ta thấy vai trò của giáo dân thật là quan trọng, nhiều khi chúng ta lãng quên đi bổn phận làm tông đồ của mình. Chúng ta nghĩ, làm tông đồ là việc của tu sĩ, của các nhà truyền giáo. Mẫu gương của chân phước Phêrô Giắcgiô nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là những người trẻ về phẩm chất và sứ vụ làm tông đồ giáo dân của mình.

    Lạy Chúa, như chân phước Phêrô Giắcgiô, Chúa đã ban cho con tài năng để con phục vụ Chúa. Con lao động để tôn vinh Chúa, con cống hiến sức lực của con để đem lại lợi ích cho anh chị em đồng loại. Xin cho con hoàn tất các công trình vì phúc lợi chứ không vì tư túi. Xin cho con gần gũi các anh chị em công nhân, cùng làm việc với họ trong sáng tạo, trong trách nhiệm và trong yêu thương. Xin cho con ý thức mình là thành viên trong gia đình Giáo Hội, để con trở thành tông đồ trong vai trò của con. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan