Chân phước I-na-đô Ki-am-pô (19.4)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cậu I-na-đô sinh vào cuối năm 1218. tại làng Ki-am-pô gần Vi-xen-da, nước Ý. Cha qua đời vào ngày 19.3.1244. Ngày 12.3.1919, đức giáo hoàng Biển Ðức XV phong cha I-na-đô lên hàng chân phước.

     

    Ngày 19 tháng 4

    CHÂN PHƯỚC I-NA-ĐÔ KI-AM-PÔ

    1.  Tiểu sử

    Cậu I-na-đô sinh tại làng Ki-am-pô gần Vi-xen-da, nước Ý vào cuối năm 1218. Cậu xin gia nhập Dòng Anh em Thuyết giáo ở Bô-nô-ni-a.

    Cha I-na-đô theo sát gương thánh Tổ phụ, nhờ ơn Chúa, cha tiến nhanh trên đường thánh thiện, chuyên chăm học hỏi Kinh thánh, say mê suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa và các mầu nhiệm nước trời.

    Ðược trao phó nhiệm vụ giảng thuyết, cha I-na-đô đã loan báo Tin Mừng Cứu độ cho tha nhân và dẫn đưa nhiều người lầm lạc trở về với đức tin chân chính. Cha được khen là “một tu sĩ hăng say và một nhà giảng thuyết rất tài ba”, giữ đức thanh khiết trong “thân xác và tâm hồn”, lại còn nổi tiếng về những phép lạ.

    Năm 1330, Đức giám mục Cô-đôn-ban-đô thành Pa-vi-a trao tặng các tu sĩ Thuyết giáo thánh đường Ðức Mẹ Na-da-rét và một khu đất gần thành phố, cha I-na-đô được cử đến thiết lập tu viện. Cha đã hoàn tất công việc này cách tốt đẹp và giữ chức tu viện trưởng tại đây cho tới lúc qua đời vào ngày 19.3.1244. Ngày 12.3.1919, đức giáo hoàng Biển Ðức XV phong cha I-na-đô lên hàng chân phước.

     

    2.  Say mê suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa

    Mỗi năm khi mùa chay về, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình đi vào trong tương quan mật thiết với Chúa hơn qua việc: suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa, hoán cải mình, hướng đến tha nhân bằng cách thức ăn chay - cầu nguyện và thực thi bác ái yêu thương. Lời mời gọi này hướng chúng ta đến chân phước I-na-đô Ki-am-pô, một cuộc đời chỉ được ghi lại bằng vài dòng tiểu sử ngắn ngủi, nhưng nó lại như một lời mời gọi mỗi đầu mùa chay, một cuộc đời âm thầm lặng lẽ nhưng ý nghĩa thâm sâu và mạnh mẽ như bốn 40 ngày chay tịnh, để rồi cuộc đời ấy đạt đến đỉnh cao của tuần thánh và chiến thắng vinh quang phục sinh với Chúa Giê-su Đấng mà chân phước I-na-đô Ki-am-pô hết tình yêu mến.

    Chẳng ai biết rõ cậu sinh vào ngày tháng năm nào, chỉ biết cậu yêu con đường của cha thánh Đa Minh mà vào tu trong Dòng Giảng Thuyết ở Bô-lô-ni-a. Vào Dòng, sau một quá trình học hỏi, cậu I-na-đô được thụ phong linh mục.

    Khi làm linh mục, cha I-na-đô theo sát gương thánh tổ phụ Đa Minh. Nhờ ơn Chúa, cha tiến nhanh trên đường thánh thiện, chuyên chăm học hỏi Kinh Thánh, say mê suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa và các mầu nhiệm nước trời. Ðược trao phó nhiệm vụ giảng thuyết, cha I-na-đô đã loan báo Tin Mừng cứu độ cho tha nhân và dẫn đưa nhiều người lầm lạc trở về với đức tin chân chính. Cha được khen là "một tu sĩ nhiệt thành và một nhà giảng thuyết rất tài ba, một nhà tu hành yêu mến giữ đức thanh khiết trong thân xác và tâm hồn, lại còn nổi tiếng về những phép lạ".

    Trong diễn văn khai mạc đại hội thường niên lần thứ 69 của Hội đồng Giám mục I-ta-li-a tại Va-ti-can, ngày 16.5.2016. Đức thánh cha Phan-xi-cô đã nêu lên một mẫu linh mục lý tưởng dựa theo nội dung trình bày xoay quanh ba câu hỏi: điều gì làm cho cuộc sống của linh mục có hương vị? Việc dấn thân phục vụ của linh mục là cho ai và để làm gì? Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của linh mục?

    Bước vào mùa chay có lẽ mỗi người chúng ta cũng tự hỏi mình bằng ba câu hỏi cho mẫu linh mục mà đức thánh cha Phan-xi-cô đòi hỏi. Ba câu hỏi này gián tiếp là lời khen ngợi chân phước I-na-đô Ki-am-pô mà chúng ta cầu nguyện cùng với ngài hôm nay, đồng thời cũng là kim chỉ nam cho những ai muốn theo sát Chúa Giê-su và hoạ lại hình ảnh của Người cách cụ thể trong mùa chay thánh này.

    Điều gì làm cho cuộc sống người Ki-tô hữu chúng ta có hương vị? Sứ điệp mùa chay của đức thánh cha Phan-xi-cô mời gọi chúng ta, hãy “đổi mới cuộc gặp gỡ của chúng ta với Chúa Kitô, sống trong lời Ngài, trong các phép bí tích và nơi những người láng giềng của chúng ta” để đời sống của chúng ta có ý nghĩa.

    Việc dấn thân phục vụ của mỗi Ki-tô hữu chúng ta là cho ai và để làm gì? Sứ điệp mùa chay của đức thánh cha Phan-xi-cô dạy rằng: Chúng ta có thể “mở cửa lòng chúng ta đối với người yếu thế và người nghèo. Khi đó chúng ta sẽ có thể trải nghiệm và chia sẻ đầy đủ niềm vui Phục Sinh”.

    Đâu là lý do tối hậu sự hiến thân của chúng ta? Sứ điệp mùa chay trả lời thay cho chúng ta rằng, chúng ta hiến thân vì chúng ta đã mở lòng ra trước hồng ân Lời Chúa. Tai họa cho người đàn ông giàu có trong dụ ngôn “người phú hộ và La-da-rô” là do ông ta và gia đình ông ta không biết mở lòng ra trước hồng ân Lời Chúa, rồi khép con tim lại trước Chúa và tha nhân.

    Lạy Chúa, Chúa đã dùng ánh sáng thượng trí của Chúa mà xua tan bóng tối bao phủ tâm trí chúng con. Nhờ công đức và lời chuyển cầu của chân phước I-na-đô, xin gia tăng đức tin cho chúng con, để ngọn lửa ân sủng Chúa đã soi sáng cho người cũng dập tắt mọi cơn cám dỗ trong tâm hồn chúng con. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan