Chân Phước Ni-cô-la Pác-li-a (16.02)

  • 15/01/2023 18:39
  • Ni-cô-la sinh tại Giô-vi-na-giô, một miền thuộc nước Ý, vào quãng thế kỷ XII, thuộc dòng tộc Pác-li-a danh giá, cha mẹ có lòng đạo đức. Cha được Chúa gọi về năm 1256. Ngày 26.3.1828, Đức Giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong chân phước cho cha Ni-cô-la.

     

    Ngày 16 tháng 2

    CHÂN PHƯỚC NI-CÔ-LA PÁC-LI-A

    Linh mục (+1256)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Ni-cô-la sinh tại Giô-vi-na-giô, một miền thuộc nước Ý, vào quãng thế kỷ XII, thuộc dòng tộc Pác-li-a danh giá, cha mẹ có lòng đạo đức. Càng thêm tuổi, đức độ của cậu càng gia tăng, trí năng càng thông sáng.

    Sau những tháng năm học tập với thầy giáo do cha mẹ rước về dạy tại gia đình, cậu Ni-cô-la đi Bô-lô-ni-a để tiếp tục miệt mài đèn sách, trong lòng vẫn luôn khao khát làm thế nào để sống cuộc đời hoàn thiện. Chúa thương đáp ứng nguyện vọng của cậu, cho cậu được nghe lời thánh phụ Ða Minh giảng thuyết. Cảm động vì bài giảng có sức thuyết phục, cậu xin gia nhập dòng và được thánh phụ Ða Minh đích thân trao áo dòng. Tiếp đó là năm tập và những năm học, nhân đức càng tiến lên thì càng xua đuổi những nết xấu cho đến tận gốc rễ. Tiến đức, suy niệm và học hỏi là những công việc chính của thầy Ni-cô-la, nhằm chuẩn bị cho sứ vụ tương lai.

    Cha Ni-cô-la được hân hạnh làm bạn đồng hành với thánh phụ Ða Minh trong nhiều chuyến đi làm công tác tông đồ. Tâm tính hiền lành của cha làm cho nhiều người mến thương và tin tưởng; nhất là được tinh thần và nhiệt tâm của thánh Ða Minh thúc giục, nên chính cha cũng được mệnh danh là “Nhà giảng thuyết rất mực dịu hiền” (gratiosissimus praedicator). Cha cũng đã thi hành nhiệm vụ điều khiển anh em với tất cả lòng hăng hái dịu hiền ; cũng vì đó mà có thêm nhiều người gia nhập dòng. Cũng không nên quên lòng yêu mến hết tình của cha đối với Ðức Mẹ. Với trí khôn sắc bén, cha có công nhiều trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và đã soạn một tác phẩm “Ðối chiếu Kinh Thánh” (Concordance) rất công phu.

    Cha được Chúa gọi về năm 1256, sau quãng thời gian 40 năm hoạt động tông đồ. Ngày 26.3.1828, đức giáo hoàng Lê-ô XII tôn phong chân phước cho cha Ni-cô-la.

    2. Yêu mến Lời Chúa

    Trong Tông sắc Khuôn Mặt Thương Xót, đức thánh cha Phan-xi-cô đã viết: “Với việc lặp đi lặp lại liên tục điệp khúc ‘vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương’ có vẻ như Thánh vịnh 136 muốn xuyên thủng chu kỳ tuần hoàn của không gian và thời gian, bằng cách Thánh vịnh ấy đặt tất cả trong mầu nhiệm tình yêu vĩnh cửu”[1]. Hôm nay, điệp khúc đó một lần nữa vọng lên từ sâu thẳm tâm hồn của chúng ta ngang qua cuộc đời chân phước Ni-cô-la Pác-li-a, một linh mục người Ý thuộc thế kỷ XII. Từ đây, Thiên Chúa mở ra cho ta một lối ngỏ để sống Năm Thánh Lòng Thương Xót này.

    Sinh ra trong một gia đình đạo đức, danh giá. Được giáo dục tốt, cậu Ni-cô-la càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, đức độ. Trong lòng cậu vẫn luôn khao khát, làm thế nào để sống cuộc đời hoàn thiện. Thiên Chúa đã thương đáp ứng nguyện vọng ấy và cho cậu được nghe thánh Đa Minh giảng thuyết. Lời giảng của thánh Đa Minh chạm sâu vào con tim của chàng trai trẻ, và khai mào hành trình tu trì của cậu trong dòng Giảng Thuyết.

    Với tâm tính hiền lành, khi cha thi hành tác vụ giảng thuyết, mọi người đã đặt cho cha một tước hiệu hết sức ưu ái: “Nhà giảng thuyết rất mực dịu hiền”. Cũng chính vì bản tính dịu hiền ấy mà khi lãnh nhiệm vụ coi sóc anh em, cha cũng thu hút được nhiều người trẻ gia nhập Dòng. Hơn nữa, với trí khôn sắc bén, cha có công nhiều trong việc nghiên cứu Kinh Thánh và đã soạn một tác phẩm “Đối chiếu Kinh Thánh” rất công phu. Đó chính là thành quả Chúa đã ban cho cha vì cha yêu mến Kinh Thánh là Lời Chúa.

    Ngập tràn niềm say mê Lời Chúa, cha Ni-cô-la càng hiểu biết sâu xa hơn về một Thiên Chúa Xót Thương, thì cha lại càng để cho tình yêu của Thiên Chúa nhuần thấm con tim mình. Đây chẳng phải là điều mà đức thánh cha Phan-xi-cô đã mời gọi chúng ta trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này hay sao? Đức thánh cha viết: “Để có được khả năng sống Lòng Thương Xót, thì trước tiên, chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tái khám phá ra giá trị của sự tĩnh lặng để có thể suy niệm Lời Chúa, mà Lời đó đang hướng tới chúng ta. Với cách thức ấy, việc chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót ấy trở thành một lối sống riêng, sẽ trở nên có thể”[2].

    Thật vậy, qua Kinh Thánh, chúng ta gặp được một người Cha. Người cha ấy âu yếm đến gặp gỡ con cái Ngài và tỏ lộ một dung nhan đầy nhân hậu xót thương. Từng câu từng đoạn từng trang Kinh Thánh tấu lên một giai điệu tình Chúa yêu thương: rằng Ngài là Đấng yêu thương đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt; rằng Ngài là một người cha quan tâm mọi đến mọi chuyện trong đời ta; rằng Ngài là một Thiên Chúa thứ tha, dẫu tội ta có đỏ như son Ngài cũng làm nên trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều cũng cho trắng như bông. Và cũng qua lời Kinh Thánh, chúng ta biết được Thiên Chúa đã sẵn sàng trao tặng Người Con Duy Nhất để làm giá chuộc giải thoát ta khỏi cõi chết, cho ta được gọi Ngài hai tiếng “Cha ơi !”.

    Và cứ thế, mỗi trang Lời Chúa đưa dẫn ta đến gần Thiên Chúa Xót Thương. Ước gì, mỗi người chúng ta biết noi theo chân phước Ni-cô-la luôn yêu mến Kinh Thánh là Lời Chúa và để cho con tim mình được rung nhịp yêu thương, để cho tâm hồn mình được chắp cánh bay nhanh trên đường hoàn thiện. Vì Lời Thiên Chúa có uy lực và quyền năng lớn lao, mang đến cho chúng ta sức mạnh của đức tin, lương thực của linh hồn, nguồn mạch trường tồn của đời sống thiêng liêng[3].

    Lạy Chúa, trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, con tim chúng con đã bao phen xao động lạc hướng, bởi chúng con chưa xác tín sâu xa về tình yêu không bờ bến của Chúa. Hôm nay, khi lật giở từng trang Kinh Thánh, tâm hồn chúng con trào dâng một niềm hạnh phúc biết ơn, vì ở đó chúng con khám phá ra Lòng Thương Xót của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con mỗi ngày biết dành thời gian đọc lại từng trang Kinh Thánh, như từng trang của bức tâm thư ngọt ngào, để chúng con ôn lại mối tình muôn thuở của Chúa, cùng để cho Chúa chạm gõ vào con tim và biến đổi lối sống của chúng con, xin cho chúng con luôn được kiên trì trong ơn thiên triệu. Amen

     


    [1] Tông sắc Khuôn Mặt Thương Xót, số 07.

    [2] Tông sắc Khuôn Mặt Thương Xót, số 13.

    [3] X. Cđ Vat II, Mặc Khải 21

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan