Chân phước Phan sinh Capila, An Phong Navarêt và các anh em tử đạo tại (06.11)

  • 17/08/2023 14:50
  • Chân phước Phan-xi-cô Ca-pi-la là người Tây Ban Nha sinh năm 1608 ở Ban-kê-rin, Cam-pô, thuộc giáo phận Pa-len-xi-a.

    Ngày 06/11

    Chân phước I-nha-xi-ô Đen-ga-đô, An Phong Na-va-rêt

    và các anh em tử đạo tại Viễn Đông 

    Lễ nhớ (Thế kỷ XVII, XVIII, XIX)

    1.  Tiểu sử

    Ðức giám mục Phan Sinh Ca-pi-la là vị tử đạo tiên khởi ở Trung Quốc.

    Chân phước Phan-xi-cô Ca-pi-la là người Tây Ban Nha sinh năm 1608 ở Ban-kê-rin, Cam-pô, thuộc giáo phận Pa-len-xi-a. Người đã lãnh tu phục và học ở tu viện thánh Phao-lô nổi tiếng ở Van-la-đô-líc. Ở đây, người nghe nói nhiều về những sứ vụ truyền giáo mới ở vùng Viễn Ðông. Sau khi lãnh nhận chức phó tế, người xin được sang Phi-líp-pin để hoàn tất chương trình đào tạo và lãnh tác vụ linh mục tại Ma-ni-la. Người đã rao giảng lời Chúa suốt 10 năm tại giáo phận Ca-da-gan. Ðiểm nổi bật trong cuộc đời của người là việc ăn chay trường kết hợp với tinh thần sám hối, vì lòng thương yêu những bệnh nhân nên người xin phục vụ trong bệnh viện do các tu sĩ đảm trách.

    Vào năm 1642, cùng với cha Phan Sinh Ði-át, người được cử đi truyền giáo tại Trung quốc. Sau khi cấp tốc học tiếng Hoa, người đi rao giảng Phúc Âm ở tỉnh Phúc Kiến và đã thu hút được nhiều tâm hồn hoán cải. Trước sự việc đó, quan lại ở vùng Phô-gan bị kích động và bắt đầu hãm hại các ki-tô hữu. Hoàng đế Trung Quốc đã điều một sứ giả đến Phô-gan để nghe ngóng dư luận của những người ngoại giáo và bảo vệ các ki-tô hữu. Vụ việc được giàn xếp theo chiều hướng có lợi cho các ki-tô hữu, điều này đã kích động cơn giận dữ của giới cầm quyền địa phương.

    Thế là một cuộc thảm sát tàn bạo xảy ra sau đó. Bị bắt giữ và giải đi từ tòa án này đến tòa án khác, song chân phước Phan Sinh với lòng trung kiên đã chịu những khổ hình tàn bạo, khổ hình kẹp chân mà trong đó hai mắt cá chân bị xiết giữa hai tấm ván cho đến khi xương bị trật ra, khổ hình tra tấn bằng roi. Sau đó, dù bị giam trong tù, người vẫn tiếp tục sứ vụ tông đồ của mình bên các bạn tù, người đã hoán cải những giáo dân bị án tử và những người ngoại giáo phạm pháp, đưa họ trở về với Chúa Ki-tô Giê-su. Khi người ta đến tìm bắt người để đưa đi hành hình, họ thấy người đang cầu nguyện và suy gẫm những mầu nhiệm Thương Khó qua việc lần chuỗi kinh Mân côi. Người bị xử trảm vào ngày 15 tháng giêng năm 1648.

    Các ki-tô hữu đã chôn táng người với lòng ngậm ngùi thương nhớ, nhưng trong một cuộc bách hại về sau, những kẻ ngoại giáo đã khai quật và quăng hài cốt của người tứ tán. Các anh em tu sĩ chỉ có thể bảo toàn được cái sọ của người. Ðầu tiên họ mang chiếc sọ ấy đến Ma-ni-la, sau đó đến tu viện thánh Phao-lô ở Van-la-đô-líc để bảo quản. Ðức Pi-ô X đã tuyên phong người vào hàng ngũ các thánh tử đạo năm 1909.

    Năm 1867, Ðức Pi-ô IX suy tôn lên bậc chân phước cho 205 vị chứng nhân được lãnh phúc tử đạo trong cuộc bách hại khủng khiếp ở Nhật Bản suốt một phần tư đầu thế kỷ XVII và hầu như hoàn toàn giải trừ đạo Công giáo trong suốt hai thế kỷ. Một số tu sĩ thuộc dòng Tên, dòng Phan Sinh, dòng Âu Tinh và Dòng Ða Minh cũng đã lãnh phúc tử đạo tại đây, trong số này, hơn một nửa là tu sĩ Ða Minh cùng các linh mục và các giáo dân thuộc dòng Ba Ða Minh.

    Năm 1617, người đầu tiên chịu phúc tử đạo là tu sĩ An Phong Na-va-rết người thành Cát-ti-nê thuộc Tây-ban-nha. Khi ấy người đang giữ chức bề trên phụ tỉnh, vì giàu lòng bác ái nên người được tặng một một biệt danh là “Vinh Sơn Phao Lô” của Nhật Bản. Thật vậy, cùng với một tu sĩ dòng Âu Tinh, người thành lập ở Na-ga-xa-ki những hội từ thiện để săn sóc các bệnh nhân và những trẻ em bị bỏ rơi. Người bị bắt và bị xử trảm ở Ô-mua-ra, nơi đây các ngài đã rao giảng và củng cố lòng can đảm cho các ki-tô hữu đang chịu bách hại.

    Tháng 12 năm 1618, chính phủ thành phố Na-ga-xa-ki chặn bắt nhiều nhà truyền giáo, trong số đó có cha An-giê Ô-xu-xi người Ý, và cha An-giê Ða Minh, người Tây Ban Nha, cả hai đều thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Các ngài vừa mới đến Nhật vào tháng 8 thì đã bị bắt ; đồng thời chính phủ còn bắt cả những người chủ nhà và những người phụ giúp các ngài. Cha An-giê đã chết rũ tù vào tháng 3 năm sau.

    Tháng 5 năm 1619, đến lượt cha Phan Sinh Mô-ra-lê, bề trên giám tỉnh và cha An Phong Mê-na, người sáng lập nên những hội truyền giáo năng nổ ở Nhật, hai vị là người thành Cát-ti-lê thuộc Tây-ban-nha đã làm việc ở Nhật từ năm 1602 đều bị bắt giữ. Cùng một số ki-tô hữu đã cho các ngài ẩn náu, họ bị giải đến nhà tù Ô-mua-ra. Kiểu nhà tù này là một chiếc lồng bằng tre đặt ở trên đỉnh một ngọn đồi và phơi ra giữa trời, chiếc lồng quá chật đến nỗi nhiều tù nhân không thể tìm được chỗ ngả lưng vào ban đêm.

    Tháng 8 năm 1620, những tên cướp biển người Anh chiếm một chiếc tàu. Trên tàu này có một tu sĩ dòng Âu Tinh và một tu Dòng Ða Minh là cha Lu-y Phơ-lo-rết, người vùng Phơ-la-man, đã lãnh tu phục ở Mê-hi-cô, thuộc tỉnh dòng Phi-líp-pin. Những tên cướp giao nộp các ngài cho người Hà Lan. Các ngài bị tra tấn và bị giao cho giới cầm quyền thành phố Na-ga-xa-ki. Ý định vượt ngục của cha Phơ-lo-rết đã không thành. Một năm sau, hai cha và thuyền trưởng Fi-ra-gia-ma đã bị thiêu sống ; cùng thông chia phúc tử đạo với các ngài, 10 thủy thủ của tàu vốn đều là thành viên hội Mân côi cũng đã bị xử trảm. Trong đám đông dân chúng chứng kiến cuộc hành quyết, ba tu sĩ Dòng Ða Minh và vô số ki-tô hữu đã cất lên bài thánh thi Ngợi Khen (Magnificat) và thánh thi Lạy Thiên Chúa (Te Deum).

    Tháng 4-1621, trong một túp lều neo đơn, cảnh sát bắt được cha Gia Thịnh Óoc-pha-nen người thành Va-len-xi-a thuộc Tây-ban-nha, một thầy giảng và một thầy giúp lễ của người. Họ bị bỏ tù ở Na-ga-xa-ki rồi ở Ô-mua-ra. Ngày 17-8, đến lượt cha Giu-se thuộc tu viện thánh Gia Thịnh, người thành Tê-lê-đan, bị bắt cùng với một thầy giảng và những ki-tô hữu đã che giấu người.

    Nhiều người khác đã nối gót họ, trong số đó có tu sĩ Phê-rô Va-két, tu sĩ Lu-i Bê-tran – vị này là cháu của thánh Lu-i Bê-tran- và tu sĩ Ða Minh Cát-ten-lét, họ được mệnh danh là “những người giàu đức hạnh, siêng năng nguyện gẫm và nhiệt tâm với công việc nhà Ðức Chúa Trời.” Một trăm người Nhật đã bị bắt ở những thời điểm khác nhau và thuộc các dòng khác nhau. Chín vị đã lãnh tu phục ở bậc tư giáo và ở bậc trợ sĩ theo giúp các linh mục trong việc dạy giáo lý ; những vị khác và con cái của họ đều thuộc Dòng Ba Ða Minh hoặc thành viên của hội Mân Côi.

    Ngày 10-9-1622 là ngày diễn ra một cuộc đại hành quyết ở thành phố Na-ga-xa-ki, những vị tử đạo bị bắt năm 1597 đã chịu đóng đinh trên một ngọn đồi. Các tu sĩ, thầy dạy giáo lý và một số vị khác bị quy kết là những tội phạm nguy hiểm, nên họ bị thiêu sống hoặc xử trảm.

    Hai ngày sau, tức ngày 12 tháng 9, chính phủ Na-ga-xa-ki chuyển giao tất cả những người còn bị giam giữ cho giới cầm quyền ở Ô-mua-ra để thiêu sống họ. Trong đó có cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga, một tu sĩ Ða Minh người Tây Ban Nha, đã làm việc ở Nhật từ năm 1602, người đã tổ chức những buổi rước long trọng ở Na-ga-xa-ki vào năm 1614 để gia tăng lòng tin cho những tín hữu bị bách hại. Người bị bắt vào năm 1617 cùng với hai thầy dạy giáo lý người Nhật, hai vị này đã lãnh tu phục Dòng Ða Minh và cùng chịu khổ hình với cha Tô-ma Giu-ma-ra-ga.

    Ðến thế kỷ XIX, khi những nhà truyền giáo tái lập công cuộc rao giảng Tin Mừng ở Nhật bản, các ngài nhận thấy các cộng đoàn ki-tô hữu vẫn nhiệt thành sống niềm tin của họ cách vẹn toàn, mặc dù không có sự trợ giúp của một linh mục nào cả. Trong hoàn cảnh như vậy, chính nhờ việc cầu nguyện bằng chuỗi kinh Mân côi mà họ đã duy trì được đời sống thiêng liêng và củng cố niềm tin thêm lớn mạnh.

     

    2.  Yêu là hy sinh chính bản thân mình

    Hôm nay, Dòng chúng ta kính chung các thánh tử đạo tại Viễn Đông. Các ngài là những người mà không gì có thể tách rời các ngài ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Các ngài đã đổ máu ra vì hạt giống đức tin ở các nước: Nhật Bản (1614-1637), Trung Hoa (1648-1748), Việt Nam (1745-1862). Hình ảnh của các ngài cho chúng ta liên tưởng đến phụng vụ của mùa Giáng Sinh. Sau lễ Chúa Giáng Sinh là tiếp liền đến lễ thánh Stê-pha-nô tử đạo, lễ thánh Gio-an Tông Đồ và lễ các thánh Anh Hài.

    Điều này gợi cho chúng ta suy nghĩ, tình yêu có giá trị là tình yêu hy sinh và hiến dâng, hiến dâng trọn vẹn mạng sống vì người mình yêu. Chúa Giê-su đến trần gian đem niềm vui, đem bình an cho nhân loại; nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với những ai nhận biết Người sẽ phải chịu đau khổ, bị loại trừ, bị giết chết và tràn ngập tiếng khóc than…

    Hơn 2000 năm trước Chúa đã đến và các Hài Nhi vô tội bị giết vì Ngài, những người đi theo làm tông đồ cho Chúa đã bị giết vì Chúa, những người rao giảng về Chúa cũng đã bị giết vì Chúa. Mười bảy thế kỷ sau Chúa đã đến cho các dân tộc vùng Viễn Đông, những người tin theo Chúa, những người rao giảng và làm chứng về Chúa cũng đã hy sinh tính mạng vì Chúa. Và cho đến hôm nay, bánh xe lịch sử cũng không để chúng ta đi ra ngoài quỹ đạo ấy. Tin vào Chúa, sống cho Chúa, làm chứng về Chúa đó là một sự thiệt thòi mất mát, một lối sống tử đạo hằng ngày.

    Trong bài giảng, sáng ngày 28/11/2015 tại U-gan-đa, trong chuyến viếng thăm ba nước Châu Phi, Đức Thánh Cha đã tôn vinh các thánh tử đạo, ngài nhấn mạnh: “Các thánh tử đạo U-gan-đa, sau khi đã được lãnh nhận đức tin…, đã muốn chuyển trao ân ban mà chính họ đã lãnh nhận. Các vị đã làm điều này trong những thời khắc gian nguy. Không chỉ mạng sống của các vị bị đe doạ mà còn đe doạ đến mạng sống của những người trẻ đã được uỷ thác cho các vị chăm sóc. Vì thế các vị đã nuôi dưỡng đức tin của chính mình và đã làm cho tình yêu dành cho Thiên Chúa được tăng trưởng, các vị đã chẳng sợ hãi khi mang Chúa đến cho người khác, thậm chí phải trả giá bằng mạng sống. Đức tin của các vị trở nên chứng từ”. Chúng ta cũng có thể dành những lời tôn vinh này cho các vị thánh tử đạo tại Viễn Đông, đặc biệt là các thánh tử đạo tại Việt Nam.

    Sau lời tôn vinh, Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi: “Như các vị tử đạo…. Chúng ta cần phải làm chứng cho gia đình, cho những bạn bè của chúng ta, ngay cả cho những ai mà chúng ta không quen biết, đặc biệt là cho những ai có thể thiếu lòng nhân từ và thậm chí thù địch đối với cách sống của chúng ta. Sự mở ra với tha nhân này phải khởi sự từ trong gia đình, trong các mái ấm của chúng ta…

    Chứng tá của các vị tử đạo trình bày cho tất cả những ai lắng nghe họ thấy rằng: những vui thích trần thế và quyền lực trần gian không huỷ hoại được niềm vui và bình an kéo dài bằng hy sinh của họ”. Chúng ta tin rằng lời mời gọi này không quá khó đối với chúng ta. Nó nằm ngay trong tầm tay và lòng mến của chúng ta.

    Cha An-tô-ni-nô Bơ-rê-mông, một vị Bề trên Tổng Quyền của Dòng Giảng Thuyết cũng đã từng nhắn nhủ cho các tu sĩ của Dòng mình những điều tương tự. Những điều này rất đáng cho chúng ta để tâm suy niệm khi nói về các thánh tử đạo như sau: “Nếu chúng ta không thể theo các chiến sĩ anh dũng của Chúa Ki-tô trong xiếng xích và sự chết, thì ít nhất chúng ta hãy noi gương các ngài trong đức tin và đức mến, trong sự hiểu biết và trong lòng khoan dung, trong sự tinh trắng và trong sự đơn sơ, trong đức hòa thuận và trong bái ái, trong sự đoan trang của đức khiêm nhường, kiên vững bảo vệ chân lý, nhiệm nhặt trong kỷ luật, đừng để nơi ta thiếu điều gì về gương sáng các việc lành, nhưng sao cho sự sáng của chúng ta chiếu giãi trước mặt mọi người để họ tôn vinh Cha chúng ta, Đấng ngự trên trời”.[1]

    Lạy Chúa Giê-su yêu mến,
    Xin cho con được nên giống Chúa.
    Xin cho con được là đôi mắt của Chúa,
    để con thấy rõ nhu cầu của anh em con,
    và nhận ra mọi người thật tốt đẹp.
    Xin cho con được là môi miệng của Chúa,
    để con nói những lời nâng đỡ yêu thương.
    Xin thanh tẩy môi miệng con,
    để con không bao giờ nói những lời thâm độc,
    những lời nói xấu gièm pha.

    Lạy Chúa, tất cả những điều chúng con sẽ thực hiện phải chăng là để minh chứng rằng Chúa đã đến và con sẽ chịu tử đạo hằng ngày vì con yêu Chúa. Lạy Chúa Hài Đồng, xin ban bình an và thêm sức cho chúng con. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1] Trích thư luân lưu của Bề trên Tổng Quyền An-tô-ni-nô Bơ-rê-mông gởi toàn Dòng Anh Em Thuyết Giáo, nhân dịp chân phước Phê-rô Anh và các bạn ly trần.
    Bài viết liên quan