Chân phước Ray-mun-đô Ca-pua (05/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cha Rây-mun-đô chào đời ở Ca-pua quãng năm 1330. Cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399.

    Ngày 5 tháng 10

    CHÂN PHƯỚC RÂY-MUN-ÐÔ CA-PUA

    B. Raymundus de Capua

    Linh mục (1330-1399)

    1.  Tiểu sử

    Chúng ta biết được chân phước Rây-mun-đô là nhờ phần lớn những tin tức từ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na. Những cuộc liên lạc trao đổi giữa họ là nguồn thông tin xác thực nhất để chúng ta nhận biết tâm hồn và tính tình của cha Rây-mun-đô Ca-pua. Thế nhưng, sự nghiệp của cha không chỉ giới hạn trong những mối tương quan giữa cha với thánh nữ, mà còn được tỏ lộ qua những chức vụ đặc biệt ở trong Dòng.

    Cha Rây-mun-đô chào đời ở Ca-pua quãng năm 1330 và gia nhập Dòng trước 20 tuổi. Sau khi mãn trường, cha nhận chức giáo sư ở Bô-lô-ni-a và Rô-ma, rồi làm linh hướng cho các nữ tu Ða Minh ở Môn-tê-pun-xi-a-nô. Tại đây, cha đã cho xuất bản cuốn tiểu sử thánh A-nê vào năm 1366. Chắc chắn vào thời kỳ này cha đã liên lạc với chị Ca-ta-ri-na.

    Vào năm 1367, cha được bầu làm tu viện trưởng ở Mi-ne-vê và di chuyển đến miền Xi-ê-na năm 1370. Cha mau chóng trở thành người bạn tâm phúc và là người bảo vệ cho những lập trường của chị Ca-ta-ri-na. Ba năm sau, cha nhận chức giảng sư ở Phi-ren-xê. Tuy nhiên, tại Tổng hội diễn ra năm 1374, chị Ca-ta-ri-na được mời đến để được Dòng "xét xử" : chị đã gột rửa tất cả các tin đồn nhảm mà dư luận áp đặt giữa chị và cha Rây-mun-đô. Sau đó, Dòng đã chính thức công nhận "tất cả những quyền hạn chị có thể thi hành trong vai trò là thành viên của Dòng". Kể từ đó, cha Rây-mun-đô được chỉ định làm Giám đốc học vụ và Giáo sư Kinh thánh tại tu viện Xi-ê-na. Những liên lạc giữa chị Ca-ta-ri-na và cha Rây-mun-đô ngày càng mờ nhạt cho tới khi chị Ca-ta-ri-na qua đời. Vì chị Ca-ta-ri-na đã nhận cha Rây-mun đô làm linh hướng, nên chắc hẳn chị đã tiếp nhận được nhiều quan điểm thần học thông thái của cha, nhưng người ta không biết ai là "lãnh đạo" của ai. Từ sự lo ngại tự nhiên, đôi khi cha hướng dẫn chị Ca-ta-ri-na trong một cung cách rất dè dặt ; cha phải theo chị gần như hụt hơi trong những cuộc xuất thần huyền nhiệm của chị. Một buổi chiều nọ, khi chị Ca-ta-ri-na đang say sưa nói chuyện với cha thì cha ngủ gục, chị liền lay người dậy và nói : "Thật là lầm lẫn, giấc ngủ đã chiếm đoạt linh hồn của cha rồi ư ? Nếu con nói về Chúa, thì đó không phải là nói cho những bức tường, nhưng là nói cho cha !" Cũng như nhiều tu sĩ khác, cha Ca-pua đã được chị Ca-ta-ri-na huấn luyện cho cách săn sóc các bệnh nhân dịch hạch ở thành Xi-ê-na, quả thực, chính cha đã thú nhận rằng nếu không có chị dẫn dắt thì có lẽ sự dấn thân của cha nơi những bệnh nhân dịch hạch đã cướp mất sinh mạng của cha rồi.

    Cùng hai tu sĩ khác, cha Rây-mun-đô đã đồng hành với chị Ca-ta-ri-na trong chuyến đi đầu tiên đến Pi-xa : đức giáo hoàng đã ủy thác cho họ tất cả quyền hành như các giám mục và các giám chức để tha thứ cho tất cả những ai nhờ sự khuyến khích của chị Ca-ta-ri-na mà quyết tâm xưng thú tội lỗi của mình. Chị đã cử cha Rây-mun-đô đi A-vi-nhông trước khi đích thân đến đó để khuyến khích đức Ghê-gô-ri-ô XI trở về giáo đô. Khi đức giáo hoàng về đến Rô-ma, chị đã nhờ cha Rây-mun-đô đứng ra hậu thuẫn cho đức thánh cha. Một lần nữa, cha Rây-mun-đô được tái cử làm tu viện trưởng tại Mi-ne-vê năm 1377. Họ cùng nhau xiết chặt hàng ngũ bên cạnh đức thánh cha U-ban-nô VI khi cuộc ly giáo lan rộng ; chị đã thuyết phục đức giáo hoàng cử cha Rây-mun-đô làm sứ giả đến với vua nước Pháp để can gián vua đừng xen vào cuộc ly giáo. Cha Rây-mun-đô ra đi, nhưng để tránh những cuộc bạo động từ phía quân đội của giáo hoàng ở A-vi-nhông nên cha đành phải lưu lại Giê-nét. Quả thực, cha không thích những cuộc mạo hiểm vô ích. Nghe biết chuyện này, chị Ca-ta-ri-na không thể kìm hãm nổi cơn giận : "Nếu cha không thể đứng thẳng để đi đến đó, thì xin cha hãy bò đến đó ; nếu cha không thể đến như một tu sĩ thì hãy đến như một khách hành hương ; nếu cha không có tiền, thì hãy xin cha cứ đi quyên góp. Bằng bất cứ cách nào, cha cần phải đến đó !" Thế nhưng, cha Rây-mun-đô vẫn ở lại Giê-nét, tại đây, cha đã rao giảng một cách hùng hồn để thu hút sự ủng hộ về phía đức thánh cha U-ban-nô VI.

    Năm 1379, cha trở thành giám tỉnh tỉnh dòng Lom-bác-đi-a. Chị Ca-ta-ri-na viết cho người lá thư cuối cùng và qua đời ngày 29 tháng 4 năm sau. Mười ba ngày sau, tổng hội tuyên bố bãi chức bề trên tổng quyền của tu sĩ Ê-li-ơ ở Tu-lu-dơ, bởi lẽ vị này đã ủng hộ đức giáo hoàng ở A-vi-nhông đồng thời chọn cha Rây-mun-đô lên kế vị. Từ đó, cha cống hiến phần lớn hoạt động của mình cho việc tái thiết Dòng đang bị nạn dịch hạch và cuộc chia rẽ trong Giáo hội làm tê liệt. Cha từng bước làm cho Dòng thích ứng với hoàn cảnh mới, và nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của những anh em có tâm huyết, cha đã thiết lập các tu viện có nếp sống kỷ cương để cổ võ cuộc canh tân rộng rãi trong các tỉnh dòng.

    Trong chuyến viếng thăm tỉnh dòng Ðức, sau khi chủ tọa tổng hội Phơ-răng-pho, cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399. Vài năm trước đó, cha đã hoàn tất cuốn "Cuộc đời thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na" với chủ đích muốn được chia sẻ niềm hân hoan với Giáo hội trong cuộc phong thánh cho chị nữ tu.

    2.  Canh tân Giáo Hội và thánh hiến đời tu

    Năm Đời Sống Thánh Hiến dần khép lại, Năm Thánh Lòng Thương Xót và Năm Thánh Kỷ niệm 800 năm thành lập dòng Đa Minh đã khai mạc. Thật là phù hợp khi chúng ta cùng chiêm ngắm mẫu gương chân phước Ray-mun-đô Ca-pua, một vị Bề trên Tổng Quyền của dòng Đa Minh, một tu sĩ đã hết lòng cho Giáo Hội và hết sức canh tân đời sống thánh hiến.

    Vào thế kỷ XIV, tình trạng “Đại ly giáo phương Tây” đã khiến Giáo Hội phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Đời tu xuống dốc. Dòng Đa Minh sau một thế kỷ đầy sức sống đã bắt đầu sa sút ở nhiều nơi. Thiên Chúa quan phòng đã đặt để thánh ý Ngài vào cuộc đời những con người thánh thiện tài đức, để các ngài củng cố và canh tân Giáo Hội, giúp Giáo Hội vượt qua gian khó, kiên vững và giữ trọn vẻ xinh đẹp.

    Chân phước Ray-mun-đô sinh tại Ca-pua khoảng năm 1330 trong một gia đình quý tộc. Năm 17 tuổi, trong một lần cầu nguyện tại mộ thánh Đa Minh, cha được mời gọi gia nhập Dòng do chính thánh Đa Minh thành lập. Ngài là một tu sĩ đã từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như: làm linh hướng cho các đan sĩ Đa Minh ở Mon-tê-pu-xi-a-nô, làm tu viện trưởng ở Mi-ner-va, làm giám đốc học vụ, làm viện trưởng và giảng viên thánh khoa tại Si-ê-na, làm cha linh hướng và giải tội cho thánh Ca-ta-ri-na, làm bề trên Giám Tỉnh và làm bề trên Tổng Quyền… Cha đã phục vụ Giáo Hội, phục vụ Dòng trong trách nhiệm với tất cả sự nhiệt tâm và lòng đơn thành của Cha. Cha cống hiến phần lớn hoạt động của mình cho việc tái thiết Dòng, khi Dòng đang bị nạn dịch hạch và cuộc chia rẽ trong Giáo Hội làm tê liệt. Cha đã từng bước làm cho Dòng thích ứng với hoàn cảnh mới, và nhờ vào sự ủng hộ tự nguyện của những tu sĩ tâm huyết, cha đã thiết lập các tu viện với nếp sống kỷ cương để cổ võ cuộc canh tân rộng rãi trong các Tỉnh Dòng. Trong chuyến viếng thăm tỉnh dòng Đức, sau khi chủ tọa Tổng Hội Phơ-răng-pho, cha qua đời tại Nu-rem-bơ năm 1399.

    Để nhấn mạnh sứ vụ canh tân, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã xác định: “Các cơ chế khác của Giáo Hội, các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và những hình thức hiệp hội, là một sự phong phú của Giáo Hội mà Thánh Thần gợi lên để Phúc Âm hóa mọi nơi và mọi vùng. Thường các cơ chế này mang theo một lòng nhiệt thành mới để Phúc Âm hóa và một khả năng đối thoại với thế giới để canh tân Giáo Hội” (số 29).

    Như vậy, việc canh tân phải khởi đi từ chính bản thân, đến cộng đoàn nhỏ, rồi mới đến canh tân Giáo Hội. Xin dùng lời khuyên của linh mục Hum-bê-tô Rô-man về kỉ luật tu trì để nhắc nhở từng người chúng ta về việc canh tân bản thân trong cộng đoàn và trong Giáo Hội: “Mỗi người hãy luôn cố gắng sao cho có tấm lòng nhiệt thành với Thiên Chúa, khôn ngoan trong suy nghĩ, cẩn trọng trong những cơn cám dỗ, xa tránh mọi oán thù, kiêng dè mọi xét đoán, khắc khoải những khát vọng vĩnh tồn, héo hắt vì yêu mến, sáng chói về kiến thức, thận trọng trong việc làm, cao siêu vì chiêm niệm, ân cần làm việc thiện, tan nát vì lòng thống hối, thánh thiện vì trong sạch, cẩn thủ trong lòng kính sợ và điểm trang bằng ân sủng.” (BđKS ngày 03/11)

    Nếu mỗi cá nhân canh tân bản thân như thế, thì cộng đoàn sẽ được canh tân. Nếu các cộng đoàn làm được điều ấy, gương mặt Giáo Hội sẽ tỏa rạng. Chân phước Ray-mun-đô Ca-pua đã làm được điều ấy, các thánh đã làm được điều ấy. Ước gì chúng ta cũng mạnh dạn bước theo và bắt chước các ngài.

    Lạy Chúa, Năm Đời Sống Thánh Hiến được mở ra và sẽ đến ngày khép lại nhưng lời mời gọi liên đới với nhân loại và thánh hóa đời sống vẫn còn mãi. Xin cho mỗi người chúng con biết hiến thánh bản thân và chọn cho mình một thái độ, một hành động tích cực để xây dựng, phát triển tập thể chúng con đang sống, và để Giáo Hội luôn vững vàng.

    Qua gương sáng của chân phước Ray-mun-đô Ca-pua, chúng con được mời gọi nỗ lực đóng góp cho Giáo Hội trong khả năng của chúng con. Nguyện Chúa thương chúc lành cho mọi cố gắng sửa đổi bản thân để chúng con nên hoàn thiện như Chúa muốn. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan