Chân phước Rô-be-tô Nắt-tơ (26/7)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Rô-be-tô sinh tại Bơn-li, thuộc vùng Len-cát-si-a, nước Anh, vào khoảng năm 1557. Cha Rô-be-tô lại bị bắt tại Lin-côn, bị kết án tử hình và bản án được thi hành ngay lập tức, khi ấy là ngày 26-7-1600. Ngày 22-11-1987, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên phong chân phước cho 85 anh hùng tử đạo người Ai-len.

     

    Ngày 26 tháng 7

    Chân phước Rô-be-tô Nắt-tơ

    B. Robertus Nutter

    Linh mục Dòng Ba Ða Minh, tử đạo (1557c. - 1600)

    1.  Tiểu sử

    Cha Rô-be-tô Nắt-tơ bị cầm tù vào thời kỳ nước Anh đóng cửa các tu viện dòng Anh em Thuyết giáo. Nhờ sự khéo léo của những anh em cùng chí hướng, cha Rô-be-tô đã kín đáo gởi đi một lá thư để xin gia nhập Dòng Ða Minh.

    Chân phước Rô-be-tô Nắt-tơ sinh tại Bơn-li, thuộc vùng Len-cát-sia khoảng năm 1557, trong một gia đình thượng lưu có truyền thống gởi con cái đến học tại Ót-phợt. Từ khi còn là học sinh trường trung học Lắc-bơn, cậu Rô-be-tô và người anh trai tên là Gio-an đều mong ước trở thành linh mục. Khi ấy, Giáo hội Công giáo tại nước Anh đang chìm trong máu lửa ; vì thế, cả hai anh em được bí mật gởi đến một trường học dành cho các sinh viên người Anh ở thành phố Ðu-ê thuộc miền Bắc nước Pháp. Cha Rô-be-tô lãnh nhận tác vụ linh mục năm 1581 tại Xoa-xông.

    Nếu trở về nước Anh, hai tân linh mục này chắc chắn sẽ bị lãnh án tử hình. Tuy nhiên, mối đe dọa này không ngăn cản được cha Rô-be-tô và người bạn đồng hành là cha Hây-đốc. Họ quyết định lên đường trở về nước Anh. Cả hai người chắc chắn sẽ chịu tử đạo vì đó là số phận chung dành cho các linh mục.

    Ba tuần sau khi lãnh tác vụ linh mục, hai tân chức đã thay đổi trang phục và dùng giấy thông hành của người khác. Họ trở về quê hương và bắt đầu công việc đã được giao phó khi lãnh tác vụ linh mục. Cha Rô-be-tô tránh được lưới pháp luật trong vòng hai năm rồi bị bắt và bị giam tại tháp Luân Ðôn. Tại đây, người đã phải chịu tra tấn nhiều lần. Một trong những dụng cụ tra tấn có tên là "Con gái người hốt rác" mà người ta không biết nó bao gồm những gì. Dù sao, người ta cũng rất ngỡ ngàng khi một người như thế lại còn có thể đứng vững sau những trận đòn tra tấn dữ dội.

    Cha Rô-be-tô được ra khỏi tháp Luân Ðôn sau khi phải thanh toán những khoản chi về thực phẩm và đèn đóm. Cùng với 20 linh mục khác, người ta đưa cha Rô-be-tô lên một chiếc thuyền để đi đày. Tuy các tù nhân kêu gào chống lại sự bất công của chính quyền Anh vì kết án mà không điều tra, nhưng thuyền vẫn cập bến No-man-đi và lính canh còn đe doạ giết các tù nhân nếu có ý định vượt ngục !

    Năm 1586, cha Rô-be-tô trở về nước Anh để tái thiết và hoàn tất những dự định còn dang dở. Tuy nhiên, người đã trở thành mục tiêu của một cuộc theo dõi bí mật, người bị bắt giam một thời gian lâu dài ở Niu-gây là một trong các nhà tù khét tiếng thời bấy giờ. Sau nhiều năm bị giam cùng với một số linh mục, người được chuyển tới một nhà lao ở Ai-len. Tuy cuộc sống ở đây rất khắc nghiệt, thiếu thốn mọi thứ và còn bị cách ly với thế giới bên ngoài, nhưng không đến nỗi thất vọng như ở Niu-gây. Nhà tù ở đây không đến nỗi dơ dáy và cũng không bị tra tấn.

    Cùng với vài bạn tù nhiệt thành, cha Rô-be-tô cổ võ thiết lập đời sống đan tu bao gồm một vài hình thức khổ chế và một nếp sống kỷ cương. Truyền thống cho biết, đây chính là thời kỳ cha Rô-be-tô viết thư cho một vị giám tỉnh tỉnh dòng Pháp để xin được gia nhập Dòng Ba Ða Minh.
    Sau 6 năm bị cầm tù, cha Rô-be-tô và nhiều tù nhân khác đã tổ chức vượt ngục thành công và đến cư trú tại vùng Len-cát-sia. Một chứng cớ đánh dấu ngày này là cuộc gặp gỡ giữa cha Rô-be-tô với một cha Dòng Ða Minh để chuẩn nhận việc gia nhập Dòng. Chỉ ít lâu sau, cha Rô-be-tô lại bị bắt tại Lin-côn, bị kết án tử hình và bản án được thi hành ngay lập tức, khi ấy là ngày 26-7-1600.

    Sự hy sinh của cha Rô-be-tô và nhiều anh em tử đạo khác đã lưu lại cho hậu thế một chứng từ bảo vệ đức tin thật sống động trong suốt thời kỳ đạo Công giáo bị bách hại ở nước Anh. Năm 1929, người ta đã điều tra hồ sơ phong chân phước cho cha Rô-be-tô cùng với nhiều linh mục khác, nhất là các anh em dòng Tên.

    Ngày 22-11-1987, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II tuyên phong chân phước cho 85 anh hùng tử đạo người Ai-len.

    2.  Cầu nguyện cho các tù nhân

    Sáng ngày 20/7/2016, toà án dân quận Thủ Đức tuyên án hai thanh niên 9X, vì quá đói đã “cướp giật tài sản” là một ổ bánh mì, hai bọc chuối sấy, một bịch đậu phộng rang và ba bịch me, tất cả trị giá 45.000 đồng. Bản án dành cho hai trẻ vị thành niên này gây bức xúc dư luận. Phải chăng câu chuyện này giống câu chuyện trong tác phẩm “Những người cùng khổ” của Víc-tô Huy-gô ở giữa thế  kỉ XIX, nhân vật Giăng Van-giăng[1] đã lãnh bản án 19 năm tù cũng vì ăn cắp một ổ bánh mì.

    Tuy nhiên, ở Mỹ người ta lại thường kể câu chuyện: Một ngày nọ, ông thị trưởng New York phải chủ tọa phiên tòa. Có một người bị tố cáo là đã ăn cắp một ổ bánh mì, ông ta biện hộ rằng: "Gia đình tôi đang chết đói". Nghe xong lời cáo buộc và lời biện bạch, viên thị trưởng đưa ra phán quyết: "Luật pháp không tha thứ cho bất cứ một hành động xấu nào. Tôi thấy cần phải trừng phạt ông, và hình phạt cho tội ăn cắp ổ bánh mì là ông phải nộp 10 đôla". Vừa công bố bản án, ông thị trưởng rút trong túi của mình ra 10 đôla và trao cho người đàn ông khốn khổ. Quay xuống cử tọa ông nói tiếp:"Ông lão đã bồi thường vì tội ăn cắp của ông. Còn phần quý vị, tôi yêu cầu mỗi người phải nộp 50 xu tiền phạt vì quý vị đã sống dửng dưng đến độ để cho trong thành phố của chúng ta còn có một người nghèo phải đi ăn cắp".

    Câu chuyện của ba người ăn cắp bánh mì kể trên có cùng một nguyên nhân, nhưng họ lại nhận được ba cách xử án khác nhau, dẫn đến kết thúc ba cuộc đời khác nhau.

    Chốn tù đày được hiểu và được hành xử như là một nơi trừng phạt những người phạm tội. Nhưng, có những người không đáng bị đẩy vào chốn tù đày, họ là những người nghèo đói, những người không cùng chính kiến với nhà cầm quyền, họ là những tội nhân cần được giáo dục để cải hoá. Chân phước Rô-be-tô người can đảm tuyên xưng đức tin cũng đã bị tù và bị đưa đi đày trong suốt thời kỳ đạo Công Giáo bị bách hại ở nước Anh. Chúng ta cùng chiêm ngắm ngài và cùng cầu nguyện cho các tù nhân.

    Sau khi làm linh mục, hai anh em quyết định trở về quê hương phục vụ. Sau hai năm, cha Rô-be-tô bị bắt giam, chịu tra tấn nhiều lần. Người ta đưa cha cùng với 20 linh mục khác lên một chiếc thuyền để đi đày. Các tù nhân kêu gào chống lại sự bất công của chính quyền Anh vì họ đã kết án mà không điều tra.

    Cùng với một số bạn tù nhiệt thành, cha Rô-be-tô cổ võ thiết lập đời sống đan tu bao gồm một số các hình thức khổ chế và một nếp sống kỷ cương. Trong tù, cha Rô-be-tô viết thư cho một giám tỉnh - tỉnh dòng Pháp xin được gia nhập Dòng Ba Ða Minh. Sau 6 năm tù đày, cha Rô-be-tô và nhiều tù nhân khác vượt ngục và đến cư trú tại vùng Len-cát-sia. Biến cố vượt ngục đánh dấu ngày cha Rô-be-tô gặp một cha dòng Đa Minh và được chuẩn nhận vào Dòng. Ít lâu sau, cha Rô-be-tô lại bị bắt và bản án tử hình được thi hành ngay lập tức. Sự hy sinh của cha Rô-be-tô và nhiều anh em tử đạo là một chứng từ bảo vệ đức tin thật sống động.

    Phải chăng nhà tù chỉ là chốn để hủy diệt? Phải chăng các bản án là để cải hóa con người nên hoàn thiện? Nên chăng cần nhìn lại cách hành xử với các phạm nhân, để được lại những con người chứ không phải để mất…

    Lạy Chúa, xin Chúa thương các tù nhân, những người can đảm bảo vệ một lẽ sống chân chính như chân phước Rô-be-tô. Xin Chúa cho các phạm nhân được cải hóa, để họ làm lại cuộc đời như những trẻ đánh cắp ổ bánh mì kia. Xin cho những người thi hành án, biết tìm lại những cuộc đời hơn là hủy diệt. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [1]  Nhân vật chính Jean Valjean trong tác phẩm “Những người cùng khổ”, của Victor Hugo, 1862.
    Bài viết liên quan