Chân phước Vơ-la-đi-mi Ghi-ca (16.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Vơ-la-đi-mi Ghi-ca chào đời vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1873 ở It-tan-bun, Thổ Nhĩ Kỳ trong một gia đình hoàng tộc Ru-ma-ni. Cha qua đời trong nhà tù Di-la-va năm 1954. Ngày 31.8.2013, cha Vơ-la-đi-mi Ghi-ca được phong chân phước tại chính quê hương.

     

    Ngày 16 tháng 5

    Chân phước Vơ-la-đi-mi Ghi-ca

    B. Vladimir Ghika

    (1873-1954)

    Dấu chỉ của hoà bình và hoà giải

    Trong buổi tiếp kiến dành cho phái đoàn đại kết Công Giáo và Tin Lành Đức, sáng ngày 06.02.2017, đức thánh cha Phan-xi-cô nhận định rằng: trong thời gian quá lâu dài các tín hữu Kitô không còn là anh chị em với nhau trong đức tin nữa, nhưng thành những đối thủ, cạnh tranh, đố kỵ và hăng say chống đối nhau… Nhưng, cám ơn Chúa, vì ngày nay các tín hữu Công Giáo và Tin Lành: khiêm tốn và thẳng thắn muốn xích lại gần nhau, và sắp cùng nhau chia sẻ một cử chỉ quan trọng thống hối và hòa giải, một buổi lễ đại kết với chủ đề “Chữa lành ký ức - làm chứng về Chúa Giêsu Kitô”. Đó là một trong những sáng kiến tốt đẹp mà Tin Lành và Công Giáo tại Đức dự kiến thực hiện chung trong năm kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách.[1] Hình ảnh ấy nhắc nhớ chúng ta về chân phước Vơ-la-đi-mi Ghi-ca một con người tuyệt vời của hoà bình và hoà giải:

    Vơ-la-đi-mi Ghi-ca chào đời vào ngày lễ Giáng Sinh năm 1873 ở It-tan-bun[2], Thổ Nhĩ Kỳ. Xuất thân từ một gia đình hoàng tộc Ru-ma-ni, rửa tội và lớn lên trong đức tin của Chính Thống giáo. Lên năm tuổi (1878), gia đình Ghi-ca đến Tu-lu-zơ[3], Pháp để định cư, vì cha của Ghi-ca muốn cho các con được hưởng một nền giáo dục tốt. Tại đây gia đình Ghi-ca đã phải tham dự các nghi lễ với cộng đồng Tin Lành vì khu vực này không có nhà thờ Chính Thống giáo.

    Sau khi tốt nghiệp trường Luật năm 22 tuổi (1895), Ghi-ca đã tham dự các khóa học chính trị, các khóa về y học, thực vật học, nghệ thuật, văn học, triết học, lịch sử và pháp luật tại Pa-ri.

    Năm 25 tuổi (1898) Ghi-ca đến Rô-ma học Triết và Thần học tại đại học Ăng-giê-li-cum của Dòng Đa Minh. Bốn năm sau (1902) Ghi-ca đã trở lại với đức tin Công giáo và muốn trở thành một linh mục, dù cho mẹ của Ghi-ca hết mực phản đối. Đức Pi-ô X khuyên Ghi-ca nên chờ đợi một thời gian và hãy cống hiến mình cho việc tông đồ như một giáo dân.

    Trở về nước, Ghi-ca đã ra sức làm việc bác ái. Chàng mở phòng khám miễn phí, lập các bệnh viện miễn phí và xe cứu thương đầu tiên tại Ru-ma-ni. Ghi-ca đã trở thành người sáng lập các tổ chức từ thiện Công giáo ở Rô-ma-ni-a. Chàng còn tham gia vào các dịch vụ y tế trong các cuộc chiến tranh Ban-kan vào năm 1913 và dấn thân cho việc chăm sóc bệnh nhân. Trong Thế chiến thứ nhất, Ghi-ca đã phụ trách cơ quan ngoại giao, Ghi-ca đã dùng ngoại giao để làm từ thiện cứu giúp nhiều người.

    Ở tuổi năm mươi (1923), Ghi-ca mới được thụ phong linh mục. Cha Ghi-ca đã chẳng ngại đi đến những vùng ngoại ô nguy hiểm của Pa-ri. Và cha đã đi khắp nơi trên thế giới:  Bu-ca-ret, Rô-ma, Pa-ri, Công-gô, Tô-ky-ô, Sic-ny, Bu-nót Ai-rét,… Đức Pi-ô XI gọi cha Ghi-ca là “vị tông đồ lãng du vĩ đại”.

    Thế chiến thứ hai bùng nổ, cha Ghi-ca tình nguyện ở lại Bu-ca-rét để giúp đỡ những người tị nạn Ba Lan. Cha Ghi-ca bị bắt năm 1952, bị tra tấn, đánh đập và qua đời trong nhà tù Di-la-va năm 1954. Phút lâm chung, ở cạnh cha có một người Do Thái giáo, một người Hồi giáo và một người Chính Thống giáo. Cho đến hơi thở cuối cùng, cha vẫn cố gắng kết hợp các Giáo Hội Ki-tô với nhau. Ngày 31.8.2013, cha Vơ-la-đi-mi Ghi-ca được phong chân phước tại chính quê hương Bu-ca-rét[4] của cha.

    Qua mẫu gương chân phước Vơ-la-đi-mi Ghi-ca, chúng ta tự hỏi, chúng ta có thể làm gì để gây dựng hòa bình và hoà giải ở nơi mà chúng ta đang sống ?

    Ước gì một loạt những dấn thân cho hòa bình và hoà giải của chân phước Vơ-la-đi-mi Ghi-ca liên kết tất cả những người thiện chí với nhau. Ước gì những người nam nữ thuộc mọi tôn giáo và cả những anh chị em không tín ngưỡng hiểu rằng: hòa bình là một thiện ích vượt qua mọi hàng rào, và là một thiện ích của toàn thể nhân loại. Không phải nền văn hóa đụng độ, nền văn hóa xung đột xây dựng sự sống chung nơi các dân tộc và giữa các dân tộc với nhau, nhưng là nền văn hóa gặp gỡ, nền văn hóa đối thoại: nền văn hóa này là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình.

    Lạy Chúa, xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn kiên trì và trung thành rao giảng Tin Mừng bình an mà Chúa đã đem đến cho nhân loại; đồng thời tích cực cộng tác để kiến tạo nền hòa bình chân chính và vững bền cho đất nước và toàn thế giới. Amen

     

    [1] G. Trần Đức Anh OP, SD 06.02.2017.

    [2] Istanbul.

    [3] Toulouse.

    [4] Bucarest.

    Nguồn tin:  http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan