Hướng tới Tuổi 20 (25.3.2004 - 25.3.2024)

  • 11/12/2023 19:33
  • Sang năm, Hội dòng sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập. 20 năm, một khoảng thời gian không dài lắm, nhưng là thời gian cần có để trưởng thành, để lớn lên! Với sức mạnh của tuổi 20, với lòng trông cậy mãnh liệt vào Chúa, người ta có thể tin tưởng, có thể hy vọng những điều đẹp đẽ hơn nữa. Từ khi được thành lập (2004) tới nay, các chị em vẫn xác định sẽ sống theo tinh thần, theo linh đạo Đa Minh như tên gọi. Tên gọi này vừa hợp với một truyền thống xa xưa vừa khẳng định hướng đi tương lai.

    1. Phỏng theo lối tổ chức của Dòng Đa Minh, các nữ tu thuộc Liên hiệp nữ Đa Minh Việt Nam cùng nhau soạn thảo một bản Hiến pháp chung cho các Hội dòng, trong đó có quy định:

    • Tổng hội là cơ quan quản trị và lập pháp tối cao của Hội dòng, và là dấu chỉ hiệp nhất trong đức ái. Tổng hội quy tu các đại biểu của chị em trong toàn Hội dòng, gồm các thành viên theo chức vụ và các đại biểu tuyển cử (Hp 113).

    Hai nhiệm vụ chính của Tổng hội là:

    • Bảo tồn gia sản dòng và xúc tiến việc canh tân thích nghi với gia sản ấy,
    • Bầu Bề trên Tổng quyền, các chị Tổng Cố vấn và các chức vụ khác (Hp 114).

    Các Hội dòng nữ Đa Minh tại Việt Nam là Dòng giáo phận, trực thuộc các vị giám mục địa phương, và được tổ chức theo tinh thần Dòng Đa Minh là lối quản trị tập thể. Các chức vụ được trao thông qua các cuộc bầu cử. Việc bầu Bề trên Tổng quyền thường diễn ra trước sự chủ tọa của giám mục hay vị đại diện của ngài, và bản văn cuối cùng của Tổng hội tức là Công vụ. cũng phải có sự phê chuẩn của giám mục địa phương trước khi được công bố cho toàn Hội dòng.

    2. Tổng hội của Hội dòng nữ Đa Minh Thái Bình diễn ra vào giữa tháng 11 năm nay, vào những ngày lập đông. Thời điểm này có thể được gọi là đẹp nhất, thuận tiện nhất trong năm. Vào những ngày cuối thu, chớm đông, khí hậu lành lạnh dễ chịu, không còn nóng bức mà cũng chưa tới những ngày rét buốt, thời tiết thật thuận tiện cho những cuộc họp, bàn thảo lâu giờ.

    Họp hành, bàn luận là một điểm chung của các Hội dòng, cách riêng là của Dòng Đa Minh. Cần phải họp hành để có được những đường hướng, những quyết định cho thời gian tới. Chắc chắn là cần phải nhìn lại thời gian đã qua, những điều đã làm được để có thể hướng về tương lại tốt đẹp hơn.

    Tổng hội thường diễn ra 4 năm một lần, một khoảng thời gian vừa phải để thực hiện một số kế hoạch, và cũng là thời điểm thích hợp để nhìn lại và hoạch định cho quãng thời gian sắp tới, trong đó có việc thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, ngõ hầu sứ vụ tông đồ là việc loan báo Tin Mừng được thực thi cách tốt nhất và đem lại ích lợi cho các linh hồn.

    3. Một trong những đặc điểm của Tổng hội dòng Đa Minh là lắng nghe. Tổng hội quy tụ các đại biểu của chị em toàn Hội dòng, gồm các thành viên theo chức vụ và còn đại biểu tuyển cử, tức là gồm cả những người đang nắm giữ các chức vụ như Bề trên cộng đoàn, phụ trách đào tạo …cũng như những người là đại diện cho các chị em.

    Tuy là cùng một Hội dòng, nhưng mỗi đại biểu lại có một trách nhiệm khác nhau, làm việc tại nơi chốn khác nhau, nên cũng có những quan điểm khác nhau về vấn đề, có những lối nhìn khác nhau cũng như cách giải quyết khác nhau.

    Lắng nghe nhau, lắng nghe Chúa không phải là chuyện dễ dàng. Trong mỗi kỳ họp, trước khi đưa ra các quyết định, trước khi đi đến những điểm chung, quãng thời gian để lắng nghe nhau thường là dài nhất. Một người phát biểu và cả tập thể phải lắng nghe. Biết bao nhiêu là thao thức, ưu tư muốn được giãi bày, biết bao là khát khao mong được đóng góp; không chỉ là cá nhân mỗi người, nhưng là của tập thể, của cộng đoàn. Không chỉ của những người đang có mặt, nhưng còn là của thành phần đông đảo những người không có mặt, những người đã ủy thác cho các đại biểu để hội họp, để phát biểu thay cho tiếng nói của họ.

    Chính trong thời điểm này, các suy niệm của cha Timothy Radcliffe OP. trong cuộc tĩnh tâm trước Thượng Hội đồng đã soi sáng thêm những ý nghĩa của việc lắng nghe. Hiện diện bên nhau đã là một món quà, nhưng “món quà lớn nhất” sẽ đến từ những người bất đồng với chúng ta, nếu chúng ta lắng nghe họ (25). Khó đấy, dù không phải những là bất đồng sâu sắc, nhưng lúc nào cũng đòi phải bình tâm và kiên nhẫn.

    Quả thực, mỗi đại biểu đến với Tổng hội đều ước mong rằng đời sống tu trì của mình cũng như các chị em được vững mạnh hơn, tình thân thiết giữa chị em với nhau càng bền chặt hơn, nhưng những điều ấy chỉ có được khi mà các đại biểu dám mở lòng ra cho nhau (27) dám bày tỏ với nhau những nỗi ưu tư và  cả những nghi ngờ (66).

    Tất cả mọi chị em trong Hội dòng, cách riêng các đại biểu, đều ý thức rằng “nhà” của mình là Hội dòng, nhà ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong nhà ấy. Các đại biểu quy tụ với nhau để lắng nghe nhau, và nhất là, cùng nhau lắng nghe Chúa. Tìm cách hiểu ý muốn của Chúa đối với cộng đoàn, với Hội dòng, cũng như với Giáo hội và thế giới (30). Điều ấy thật đẹp nhưng cũng không dễ đón nhận, buộc mỗi người phải lắng nghe với lòng chân thành chứ không khinh thường, vì theo cha Timothy Radcliffe, cần lắng nghe cả những điều dường như vô nghĩa, không hợp lý và cả những lời chưa được nói ra (74).

    Biết rằng hành trình tìm kiếm những cách thức tốt đẹp hơn để sống và thực thi sứ vụ là một hành trình không thiếu những khó khăn, gian nan, nhưng đó là điều đáng làm và phải làm. Hành trình ấy là một phần trong hành trình đi tìm Chân lý của Dòng.

    Vì vậy, dù thế nào chăng nữa, thì mỗi đại biểu tham dự Tổng hội đều hiểu rằng việc quy tụ này không mang tính cạnh tranh của phe này với phe kia, của nhóm này nhóm nọ, nhưng là cùng nhau tìm ý Chúa. Tiến trình này giống như việc trồng một cái cây và tìm cách làm cho cây ấy phát triển, sinh nhiều hoa trái.

    4. Từ truyền thống lâu đời của địa phận, đã có các chị em được quy tụ thành một thể chế gọi là nhà phước để trợ giúp các sinh hoạt đạo đức và giúp đỡ dân chúng. Tuy chưa có tính pháp lý nhưng các chị em này đã hoạt động rất tốt và đem lại nhiều kết quả. Ước muốn thành lập một Hội dòng vẫn âm thầm trong lòng nhiều người. Bẵng đi một thời gian khá dài, vì những biến chuyển của thời cuộc, tưởng chừng như mọi sự rơi vào quên lãng, và ước muốn ấy trở thành chuyện quá khứ.

    Nhưng thời thế đã thay đổi. Một điều được Chúa quan phòng: những khó khăn đã qua đi, và Chúa trao cho Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang về cai quản giáo phận Thái Bình. Vị giám mục quê gốc Hà Nội này, khi về nhận giáo phận vốn là địa phận trước đây được trao cho Dòng Đa Minh, vẫn ghi nhớ công ơn của các vị tiền bối và rất mong muốn tiếp nối truyền thống sẵn có, nên đã từng bước âm thầm chuẩn bị cho việc hình thành một Hội dòng nữ Đa Minh.

    Về nhận giáo phận năm 1990, ngoài việc tiếp xúc với quý Cha Dòng Đa Minh trong Miền Nam về giúp giáo phận, Đức Cha đã gửi một số chị em (1992) thuộc các nhà phước cũ vào tập tu trong miền Mân Côi (gốc Thái Bình) thuộc Hội Dòng Rosa Lima, như một bước chuẩn bị cho tương lai. Các chị em này, tuy hơi lớn tuổi, sống rải rác trong các nhà phước cũ của giáo phận, nhưng là những người thiết tha với lý tưởng tu trì, sẽ là những hạt giống cho một nếp sống tu trì ổn định.

    Bước sang thiên niên kỷ mới, Đức cha Phanxicô bắt đầu xúc tiến các thủ tục để thành lập Hội dòng. Ngài đệ đơn lên Toà Thánh và đã được chấp thuận. Ngày 25-3-2004, Đức cha Phanxicô ra sắc lệnh công bố thành lập Hội dòng nữ Đa Minh Thái Bình, với cơ sở tạm thời là gian nhà bếp cũ của chủng viện cùng với dãy nhà trước kia dành cho các bà, các chị giúp việc trong khuôn viên chủng viện Mỹ Đức, lúc ấy còn đang bỏ không.

    5.  Chủ đề của Tổng hội VII lần này là “Canh tân đời sống cộng đoàn theo linh đạo Đa Minh”. Chủ đề này nối tiếp chủ đề của Tổng hội VI năm 2019 là “Sống căn tính đời sống thánh hiến trong linh đạo Đa Minh”.

    Từ khi được thành lập (2004) tới nay, các chị em vẫn xác định sẽ sống theo tinh thần, theo linh đạo Đa Minh như tên gọi. Tên gọi này vừa phù hợp với một truyền thống xa xưa vừa khẳng định hướng đi tương lai.

    Đã có nhiều văn kiện của Giáo hội, nhiều giáo huấn của các Đức Giáo hoàng về đời sống cộng đoàn, về tình huynh đệ, ở đây chỉ nhìn lại một vài nét trong văn kiện “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn” (2 -2 -1994) như dấu ấn đặc biệt của Tổng hội VII.

    - Trong linh đạo Đa Minh, cộng đoàn tu trì theo nếp sống của các Tông đồ là nét đặc trưng: Đời sống huynh đệ không phải là bổ túc cho sứ vụ của cộng đoàn tu trì, nhưng là một yếu tố nòng cốt. Đời sống huynh đệ cũng quan trọng như đời sống tông đồ…Hoạt động của người tu sĩ phải là hoạt động của người sống trong cộng đoàn, và chu toàn hoạt động đó với tinh thần cộng đoàn bằng lời nói, hành động và gương sáng (số 55).

    Trong bối cảnh những xã hội khác nhau, sự hiện diện của các cộng đoàn với những con người khác nhau về tuổi tác ngôn ngữ và văn hóa là điều đáng quan tâm. Gặp gỡ nhau như anh chị em, mà vẫn hiệp nhất mặc dù có những xung khắc không thể tránh được, cũng như nhiều khó khăn vốn có trong đời sống chung, tự nó là một dấu chỉ làm chứng cho một thực tại cao hơn và cho thấy những khát vọng cao hơn. Nhờ đời sống loan báo niềm vui và các giá trị siêu nhiên cũng như tự nhiên của tình huynh đệ Kitô giáo, các cộng đoàn tu trì công bố cho xã hội chúng ta thấy sức mạnh biến đổi của Tin mừng (số 56).

    - Trong một cộng đoàn huynh đệ chân chính, mỗi phần tử đều phải có tinh thần đồng trách nhiệm đối với sự trung thành của những người khác. Mỗi người đóng góp cho bầu khí thanh bình của đời sống chia sẻ, của sự hiểu biết và sự trợ giúp hỗ tương, mỗi người lưu tâm đến những lúc chán nản, đau khổ, cô đơn hay những lúc thiếu sự động viên nơi những người khác; mỗi người sẵn sàng nâng đỡ những ai bị buồn sầu vì những khó khăn và thử thách (số 57).

    6. Một buổi chiều trong khoảng thời gian hai tuần của Tổng hội, chị em đại biểu đã dành thời giờ đến viếng các chị em đang an nghỉ trong nghĩa trang của Hội dòng.

    Khoảnh khắc này không dài nhưng chắc hẳn lưu lại nhiều tâm tình nơi mỗi chị em. Những bông hoa trên các phần mộ, những nén nhang, những câu kinh trong buổi chiều nắng đẹp đã làm cho người nằm dưới mộ thấy ấm áp, và người còn sống thấy yên lòng. Người chết thì nằm yên dưới huyệt mộ, nhưng những người sống đang sống đây hiểu rằng chính nhờ công ơn của những người nằm đây mà họ có được ngày hôm nay. Có thể các vị đã không làm gì nhiều, không làm điều chi to tát, nhưng chỉ sự có mặt, sự hiện diện của các vị ấy trong quá khứ, xuyên qua những thời điểm khó khăn, bách hại cùng với bao hy sinh, chịu đựng mà hôm nay được hình thành. Ngày hôm qua là nền tảng, là tiền đề cho hôm nay.

    Ngoài ra, chị em đang sống đây hiểu rằng một ngày nào đó, mình cũng sẽ nằm lại đây, quy tụ với những người này, sau quãng đời đã hết lòng phục vụ, đã chia sẻ cuộc sống dâng hiến với chị em. Còn gì vững lòng hơn khi mà trong cuộc sống, mình đã có một nơi ở ổn định, đã có một căn phòng bé bé, xinh xinh để cầu nguyện, để nghỉ ngơi, rồi khi từ giã trần gian, mình lại có chỗ bên cạnh những người đi trước, và được những người còn sống tưởng nhớ.

    Tổng hội VII diễn ra trong bầu khí như thế, với những điều tốt đẹp, thuận lợi cả bên ngoài lẫn bên trong, cả điều kiện khách quan là thời tiết đến những điều kiện về cơ sở, từ những xác tín về đức tin đến những hoạt động đa dạng trong sứ vụ tông đồ, tất cả tạo nên nét sinh động cho một nếp sống, không chỉ của một người nhưng của mọi người, không chỉ của một cá nhân, nhưng là của tập thể, không chỉ hôm nay, nhưng còn của ngày mai.

    1. Sang năm, Hội dòng sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập. 20 năm, một khoảng thời gian không dài lắm, nhưng là thời gian cần có để trưởng thành, để lớn lên!

    Với quãng thời gian này, chị em Hội dòng nữ Đa Minh Thái Bình đã có những bước tiến, những bước đi dài, thật dài. Nhìn cơ sở của Dòng hôm nay, từ ngôi nhà nguyện uy nghi, rộng rãi đến những nếp nhà khang trang cho các chị em đang thời đào tạo, cũng như nơi an dưỡng cho các chị cao niên, không ai có thể nghĩ rằng, chỉ trong khoảng thời gian chừng 10 năm, Chúa đã làm bao điều kỳ diệu. Đã có lúc, tưởng chừng như cánh cửa đã sập lại, tương lai hoàn toàn mù tối, không biết ngày mai sẽ sống như thế nào. Tuy nhiên, Chúa đóng cánh cửa này, nhưng lại mở ra những cánh cửa khác, rộng rãi hơn, tươi đẹp hơn, vượt trên mọi mơ ước của con người.Tạ ơn Chúa, muôn đời tạ ơn Chúa!

    Nhìn về tương lai, chưa biết thế nào, nhưng với nhân sự đông hơn, nhiều khả năng, từ những điều đang có, từ những gì đang chứng kiến hôm nay, với sức mạnh của tuổi 20, với lòng trông cậy mãnh liệt vào Chúa, người ta có thể tin tưởng, có thể hy vọng những điều đẹp đẽ hơn nữa.

    Như vậy, không kể những điều khác, đời sống cộng đoàn Đa Minh phải là nơi  của niềm vui với nền tảng là tình huynh đệ, đời sống cầu nguyện và học hành[1]; đó cũng là nơi thông truyền niềm vui, tự nhiên và siêu nhiên, cho cả cá nhân lẫn tập thể, cho những cả người sống trong cộng đoàn cũng như những người tiếp xúc với họ. Điều này hẳn sẽ càng rõ hơn, càng thấm thía hơn khi lập lại lời nhắn nhủ Đức Giáo hoàng Phanxicô: “ Ở đâu có tu sỹ là có niềm vui”.

    Ts. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP.

    Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ

    21.11.2023.

     

    [1] Timothy Radcliffe OP, Lời giới thiệu trong “ Men nồng rượu mới trong linh đạo Đa Minh” HV Đa Minh 2018.

    Bài viết liên quan