Ngày 15 tháng 9
ĐỨC MẸ SẦU BI
1. Bài đọc 1: Dt 5, 7-9
Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người.
2. Đáp ca: Tv 30, 2-3a. 3bc-4. 5-6. 15-18. 19
Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu sống con theo lượng từ bi của Chúa
Xướng:
1) Lạy Chúa, con tìm đến nương nhờ Ngài, xin đừng để con muôn đời tủi hổ; vì đức công minh Ngài, xin cứu chữa con! Xin Chúa hãy lắng tai về bên tôi tớ Chúa.
2) Xin Chúa mau lẹ để giải thoát con. Xin Chúa trở thành núi đá cho con trú ẩn. Bởi Chúa là Ðá tảng, là chiến luỹ của con; vì uy danh Ngài, Ngài sẽ dìu dắt và hướng dẫn con.
3) Ngài dẫn con xa lưới dò chúng ngầm trương ra để hại con, vì Ngài là chỗ con nương náu. Con phó thác tâm hồn trong tay Chúa; lạy Chúa, lạy Thiên Chúa trung thành, xin cứu chữa con.
4) Phần con, lạy Chúa, con tin cậy ở Ngài; con kêu lên: Ngài là Thiên Chúa của con! Vận mạng con ở trong tay Ngài, xin cứu gỡ con khỏi tay quân thù và những người bách hại.
5) Lạy Chúa, vĩ đại thay lòng nhân hậu Chúa, lòng nhân hậu Ngài dành để cho những kẻ kính sợ Ngài, lòng nhân hậu Ngài ban cho những ai tìm nương tựa Ngài, ngay trước mặt con cái người ta.
3. Tin Mừng: Ga 19, 25-27
Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: “Thưa Bà, này là Con Bà”. Rồi Người lại nói với môn đệ: “Này là Mẹ con”. Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình.
Hoặc đọc: Lc 2, 33-35
Khi ấy, cha và mẹ Chúa Giêsu đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria Mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
4. Suy niệm:
Mẹ sầu bi gợi lên cho chúng ta sự đau khổ của Mẹ Maria mà trong cuộc đời Mẹ phải đón nhận. Tước hiệu này cũng gợi cho chúng ta rằng Mẹ đón nhận đau khổ của cuộc đời đến kết hợp với đau khổ của Đức Giêsu con Mẹ. Trong Tin Mừng cho chúng ta nhận ra bẩy nỗi buồn của Mẹ Maria, xin trích:
+ Lời tiên tri của Simêon (Lc 2: 25-35)
+ Trốn sang Ai Cập (Mth 2: 13-15)
+ Lạc mất Hài Nhi Giêsu trong ba ngày (Lc 2: 41-50)
+ Mẹ Maria gặp Chúa Giêsu trên đường khổ giá (Lc 23: 27-31; Ga 19:17)
+ Chúng kiến cuộc đóng đinh vào thập giá của Chúa Giêsu (Ga 19: 25-30)
+ Tháo xác Chúa Giêsu khỏi Thập giá (Lc 23: 50-54; Ga 19: 31-37)
+ Táng xác Chúa Giêsu (Lc 23: 50-56; Ga 19: 38-42; Mc 15: 40-47)
Có thể nói ngày lễ này được dành để tôn vinh cuộc tử đạo liên lỷ của Đức Maria trong từng ngày sống của mẹ, kể từ khi thưa tiếng xin vâng. Thì ra, những ai sẵn sàng thưa xin vâng với Chúa đều đi vào con đường tử đạo liên lỷ này để cùng góp một chút đau khổ của mình hòa với đau khổ của Đức Giêsu hầu chính mình được cứu độ và để tha nhân cũng được cứu độ nữa.
1. Đâu là lý do để Mẹ có thể chấp nhận và chịu đựng những đau khổ này?
Câu trả lời thật nhanh rằng: do tình yêu. Chính tình yêu dâng hiến của Mẹ cho Thiên Chúa trong sự vâng phục hoàn toàn đã giúp Mẹ đứng vững, hiên ngang trước mọi đau khổ của cuộc đời trong từng biến cố xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Dù rằng từ khi thưa tiếng xin vâng Mẹ chưa thể hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của tiếng xin vâng ấy, ngay cả khi dâng con trong đền thờ, Simêon đã tiên báo: Thiên Chúa đã đặt con trẻ này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Hài nhi là dấu hiệu cho người đời chống báng và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. (Luca 2: 25-35)
Thì ra cuộc đời của mẹ sẽ được đan dệt bằng niềm vui và sự đau khổ cùng với Đức Giêsu. Niềm vui làm Mẹ Con Thiên Chúa nhưng cũng kèm theo nỗi buồn đến kinh khủng khi chứng kiến cảnh tượng con mình bị hành hạ và chết trên thập giá.
Tình yêu, sự can đảm và sẵn sàng tha thứ là sức mạnh để Mẹ đón nhận tất cả những đau khổ ngay cả khi những lưỡi gươm kia đâm vào con cũng như đâm vào trái tim Mẹ. Không chỉ có thế mà còn chính sự vô ơn của nhân loại, của tôi, của anh chị em đối với Đức Giêsu cũng là những nhát gươm đâm vào Mẹ. Chỉ một mình Mẹ mới nhận ra và thấu hiểu nỗi kinh hoàng của tội lỗi xúc phạm đến Chúa mà con người gây ra. Mẹ đón nhận tất cả vì tình yêu. Tình yêu có sức mạnh tuyệt vời.
2. Noi gương Mẹ, tôi đón nhận đau khổ trong đời
Cuộc đời không có đau khổ sẽ không có giá trị và ý nghĩa. Ai trong chúng ta cũng từng nếm trải sự đau khổ: đau khổ của thể xác do bệnh tật đang mang vác, đau khổ của tinh thần do người bên cạnh gây ra làm tổn thương chúng ta. Nhưng chúng ta đón nhận với thái độ nào? Kêu than, bực tức, khó chịu,… hay hân hoan, vui sướng,…. Hãy như Mẹ đón nhận mọi đau khổ trong cuộc đời bằng tình yêu và sự vâng phục. Dẫu trái tim có thể nát tan vì những sự xúc phạm kia. Dẫu thân thể có quằn quại vì những bệnh tật nan y, khó chữa,…. Hãy luôn ý thức rằng sự đau khổ ấy có giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời tín hữu Kitô. Hãy vui vẻ và hân hoan đón nhận như Mẹ Maria. Và chắc chắn đau khổ của chúng ta không sánh nổi với đau khổ của Mẹ Maria và của Đức Giêsu.
Xin cho con nên giống và biết bắt chước Mẹ!
Cha Gioan Baotixita Nguyễn Bửu Khánh
Giáo phận Xuân Lộc
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 199 | Tổng lượt truy cập: 3,053,154