Ngày 15 tháng 11
THÁNH ANBETÔ CẢ
Giám mục, Tiến sĩ Hội thánh (~1200-1280)
1. Tiểu sử
Thánh Anbetô sinh tại Lavingia, xứ Xơvêvia nước Ðức, vào khoảng năm 1200. Tốt nghiệp đại học Patavia, thánh Anbetô lãnh tu phục Dòng Ða Minh do chính chân phước Giôđanônô Xaxônia trao.
Từ năm 1242-1248, thánh Anbetô làm giáo sư tại Pari. Trong số các môn sinh của người, có thánh Tôma Aquinô là xuất sắc nhất. Với trí óc quảng bác, thánh Anbetô đã dạy cho các sinh viên, từ khắp nơi quy tụ về Pari, một khoa học mới, là khoa triết lý của Aristote, dựa theo bản dịch của người Do Thái và Ả rập. Năm 1248, thánh Anbetô làm viện trưởng học viện mới được thành lập tại Côlônia, và thánh Tôma Aquinô cũng theo người về đây. Sau khi đã đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau, người được bầu làm giám tỉnh tỉnh dòng Ðức. Người đã cùng với thánh Bônaventura quyết liệt biện hộ cho các dòng hành khất được quyền giảng dạy trong các đại học.
Năm 1260, người được tấn phong làm giám mục thành Ratítbon, nhưng hai năm sau, vì nghĩ mình bất xứng, người xin từ nhiệm để trở về với công việc nghiên cứu. Người đã tài tình liên kết đức khôn ngoan của chư thánh với kiến thức nhân loại. Vốn lừng danh vì các tác phẩm đã biên soạn và tài sư phạm, người còn lẫy lừng hơn nữa bởi đức độ vẹn toàn và đức ái mục vụ. Người cũng nổi tiếng về lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể và kính mến Ðức Trinh nữ, Ðấng đã củng cố người trong chí hướng tu trì. Người để lại nhiều tác phẩm thánh khoa cũng như khoa học đặc sắc. Người được xứng đáng mệnh danh là "Tiến sĩ bách khoa" và "Tôn sư". Người qua đời ngày 15.11.1280 tại Côlônia.
Năm 1459, Ðức Piô II tôn phong người vào hàng những tiến sĩ thánh thiện của Hội Thánh. Ngày 16.12.1931, Ðức Piô XI tuyên dương người là hiển thánh. Ðức Piô XII đặt người làm bổn mạng các khoa học tự nhiên.
2. Cầu nguyện cho các nhà khoa học
Vào thời điểm mà khoa học phát triển nhanh và vượt bậc đến nỗi chúng ta không đủ sức hiểu biết hay kiểm soát được chúng. Với ưu thế đó, dường như thế giới này đang muốn tách khoa học ra khỏi đức tin. Nhiều người rơi vào trạng thái mải mê với khoa học và quên đi việc đào sâu đức tin. Một số người cho rằng đã làm khoa học thì ngưng tìm kiếm Thiên Chúa. Hãy hỏi thánh Anbêtô. Ngài sẽ trả lời: chắc chắn là không phải như thế.
Đến với dòng Đa Minh, chúng ta càng có lý do để khẳng định niềm xác tín ấy. Chúng ta tin vào Thiên Chúa và cùng hân hoan vì Dòng đã có người con là giám mục Anbêtô - một tu sĩ giáo sĩ, một nhà khoa học vĩ đại, một vị giáo sư khả kính, yêu thích giảng dạy, say mê nghiên cứu nhưng không bao giờ quên đến với Mẹ Maria và nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa. Ngài rất tài tình trong việc kết hợp giữa thánh khoa và các khoa học trần gian.
Xuất thân trong một gia đình quý phái có truyền thống hiệp sĩ, nhưng chàng thanh niên ấy lại thích học hành và nghiên cứu khoa học hơn truyền thống hiệp sĩ. Nhờ sự hướng dẫn của chân phước Giôđanô Xaxônia, Anbetô nhận ra được ơn gọi của mình. Năm 1223, cậu gia nhập dòng Đa Minh và lãnh tu phục cho dẫu gặp sự phản đối của gia đình. Năm 1228, thầy Anbetô lãnh tác vụ linh mục. Ngài đam mê khám phá Thiên Chúa hiện diện trong tất cả các loài thụ tạo. Nhân đức, sự nhiệt tâm, tình yêu thương và sự hiểu biết cao siêu của ngài khiến cho rất nhiều người tìm đến học hỏi. Năm 1260, cha Anbetô nhận chức giám mục. Say mê nghiên cứu khoa học nhưng cha Anbetô không bao giờ lơ là hoặc sao nhãng với công tác mục vụ. Ngày 15.11.1280, cha Anbetô qua đời tại Côlônha. Năm 1622, ngài được phong chân phước và đến ngày 16.12.1931, Đức Piô XI phong ngài lên bậc hiển thánh đồng thời tuyên bố ngài là Tiến sĩ Hội Thánh.
Cuộc đời thánh Anbetô qua đi nhưng các công trình ngài để lại đã giúp ích rất nhiều cho việc phục vụ và “hoàn thiện phán đoán của Hội Thánh”. Thật vậy, với những đóng góp của khoa học, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định: “Hội Thánh trân trọng các nghiên cứu khoa học vì chúng giúp Hội Thánh rút ra những chỉ dẫn cụ thể có ích cho sứ mạng giảng dạy của Hội Thánh”.
Bên cạnh mảng sáng thì khoa học cũng có những mảng tối. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảnh báo: “Thay đổi của thời đại đã được khởi động bởi những tiến bộ khổng lồ, mau chóng. Chúng ta đang ở một thời đại tri thức và thông tin, dẫn tới các hình thức quyền lực mới và thường là không được gọi tên” (THNVTM số 52).
Khó có ai có thể phủ nhận sự hiểu biết của các giáo sư, và các phát minh khoa học của các nhà khoa học. Thế nên, chúng ta không lạ gì khi các vị có được những thứ ấy, các vị sẽ có chức vụ cao, nhiều danh vọng, tiền tài… Hình ảnh của thánh Anbetô Cả cho chúng ta những điều ước: ước gì các vị vượt qua được các loại “ngẫu thần” đó; ước gì khi khám phá khoa học các vị cũng khám phá ra được Thiên Chúa tối cao; ước gì khi say mê khoa học, các vị càng say mê Thiên Chúa hơn. Và song song với thời gian dành cho khoa học các vị sẽ dành thời gian cho Thiên Chúa.
Vẫn còn đó rất nhiều tường rào cản ngăn con người đến với Thiên Chúa, thì gương sáng của thánh Anbetô Cả lại nổi bật lên để góp phần phá tan rào cản ấy, nhất là cho những người đã, đang và sẽ giảng dạy nghiên cứu khoa học.
Lạy Chúa, Chúa biểu lộ sự siêu việt của Ngài qua vũ trụ vạn vật và ban cho Giáo hội trần thế những người tài giỏi để cùng cộng tác với Chúa. Chúng con hiệp cùng với thánh Anbêtô Cả cầu xin cho các giáo sư, cùng những người yêu khoa học. Xin cho họ không bị những cám dỗ của vinh hoa phú quý và sự lôi cuốn quá mức của khoa học, làm cho hình ảnh Chúa mờ nhạt. Ước gì khi say mê khoa học trần gian, các vị cũng tìm ra câu trả lời về Đấng là cội nguồn của mọi ngành khoa học. Xin cho các nhà khoa học luôn biết gắn kết với Chúa trong mọi việc làm, để mưu ích cho Hội thánh. Amen
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 50 | Tổng lượt truy cập: 3,271,596