Thánh Đa Minh Đinh Đức Mậu (05/11)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cậu Ða Minh Hà Trọng Mậu sinh năm 1794 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ngày 5-11-1858, Ngài bị tử hình tại bờ sông Hưng Yên. Ðức thánh cha Pi-ô XII đã nâng người lên hàng chân phước ngày 29-4-1951. Ngày 19-6-1988, đức Gio-an Phao-lô II đã suy tôn người lên bậc hiển thánh.

     

    Ngày 5 tháng 11

    Thánh ÐA MINH ĐINH ĐỨC MẬU

    Linh mục, tử đạo (1794-1858)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Ða Minh Hà Trọng Mậu sinh năm 1794 tại làng Phú Nhai, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu xin vào chủng viện và kiên trì học tập cho đến khi thụ phong linh mục. Năm 1829, cùng với 10 linh mục khác trong giáo phận, cha Mậu gia nhập Dòng Ða Minh để có thể kết hợp mật thiết hơn với Chúa và gắn bó với nhau trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Năm sau cả 11 vị đều được khấn dòng ; trong số này có 7 vị được phúc tử vì đạo.

    Trải qua những ngày gian khổ dưới cuộc bách hại đạo của vua Minh Mạng, rồi những ngày bình an hơn thời Thiệu trị, cho đến 10 năm đầy khó khăn thời vua Tự Ðức, cha Mậu luôn tận tụy với đàn chiên. Ngày 27-8-1858 quan quân vây làng Kẻ Ðiền và bắt cha.

    Khi bị giải về giam ở Hưng Yên, cha luôn khuyến khích những người cùng cảnh ngộ giữ vững đức tin, dù phải chấp nhận mọi đau khổ. Khi thấy không thể làm gì cho cha bỏ đạo, quan ra án trảm quyết cha Mậu cùng với 21 giáo hữu khác. Khi biết tin này, cha tỏ ra hân hoan, thanh thản chấp nhận án với lòng can đảm. Ngày 5-11-1858, trên đường ra pháp trường, người dẫn đầu đoàn tử đạo. Ðến nơi xử bên bờ sông Hưng Yên, người quì gối cầu nguyện, rồi đưa cổ cho lý hình thi hành án. Thi thể cha được mai táng trong nhà thờ xứ Mai Linh, tỉnh Nam Ðịnh.

    Ðức thánh cha Pi-ô XII đã nâng người lên hàng chân phước ngày 29-4-1951. Ngày 19-6-1988, đức Gio-an Phao-lô II đã suy tôn người lên bậc hiển thánh.

     

    2.  Bạo lực phải “bó tay” trước sứ vụ truyền giáo

    Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo, năm 2015, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã viết: “Nếu tất cả những ai đã được rửa tội đều được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Giê-su, bằng việc rao giảng đức tin mà họ đã nhận được như một ân ban; thì điều này lại càng đúng một cách đặc biệt với mỗi người nam và nữ đã được thánh hiến. Có một sự liên kết rõ rệt giữa đời thánh hiến và sứ vụ truyền giáo … Không thể nào có sự thoả hiệp: những ai nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chấp nhận sứ mạng truyền giáo, thì được kêu gọi sống sứ mạng này. Đối với họ, việc rao giảng Đức Ki-tô trong nhiều vùng ngoại vi của thế giới trở thành con đường để họ theo Ngài, một con đường đem lại cho họ sự tưởng thưởng lớn lao vì những khó khăn và hy sinh mà họ trải qua.”

    Sứ điệp Truyền Giáo của Đức Thánh Cha, một phần nhắc nhớ chúng ta tri ân các vị tiền bối đã nên gương mẫu cho chúng ta, một phần giúp chúng ta mạnh mẽ cất bước lên đường, dấn thân thi hành sứ vụ mà không sợ gian khó hiểm nguy.

    Trong phút cầu nguyện này, chúng ta cùng chiêm ngắm thánh Ða Minh Đinh Đức Mậu, một mẫu gương tuyệt vời trong sứ vụ truyền giáo. Chúng ta cùng xin ngài phù trợ, và cùng bắt chước ngài, hăng say truyền giáo nơi mọi biên cương, cho dẫu có khó khăn - hiểm nguy và bắt bớ.

    Thánh Ða Minh Đinh Đức Mậu có lòng yêu mến và khát khao phục vụ Chúa ngay từ tấm bé. Ngài dâng mình cho Chúa và được thụ phong linh mục. Đời linh mục của ngài được thể hiện một cách xác tín qua sứ vụ truyền giáo. Ngài say mê hiến dâng, phục vụ, hy sinh. Vì thế, năm 1829, cùng với 10 linh mục khác trong giáo phận, cha Mậu xin vào dòng Đa Minh để có thể kết hiệp mật thiết hơn với Chúa, và để gắn bó với nhau trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng.

    Tha thiết với sứ vụ truyền giáo, thánh Ða Minh Đinh Đức Mậu đã trải qua những ngày gian khổ dưới cuộc bách hại của vua Minh Mạng và vua Tự Đức. Tuy vậy, cha Mậu luôn luôn tỏ ra là một người tận tụy với đoàn chiên, không quản ngại vất vả, không lùi bước trước khó khăn, đem hết tâm trí và sức lực để phục vụ phần rỗi các linh hồn.

    Ngày 27/8/1858, quan quân đến vây làng Kẻ Diền và bắt cha Mậu. Hơn hai tháng bị giam trong ngục, dầu phải mang gông xiềng và chịu tra tấn nhiều lần, cha vẫn cương quyết tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa. Cha biến nhà giam thành một nơi hoạt động mới. Tại đây, cha gặp gỡ và khích lệ các giáo hữu cùng bị giam, hãy chấp nhận mọi khổ đau vì niềm tin. Cũng tại đây, cha giúp nhiều tội nhân hoán cải đời sống. Đặc biệt, một số phụ nữ đạo đức đã tìm cách đưa giáo dân ở ngoài vào thăm, để họ được xưng tội với cha.

    Vì say mê hiến dâng - phục vụ - hy sinh nên ngài đã quên thân mình, luôn nghĩ ra cách thế mới cho việc truyền giáo. Ngài cho mọi người, mọi thời thấy sức mạnh của việc truyền giáo. Không có thế lực nào có thể thắng được ngài, không có sức mạnh nào có thể đè bẹp và cản bước ngài, không có khó khăn nào có thể làm ngài nao núng, không có gian khổ nào có thể làm ngài bỏ cuộc, không có mua chuộc nào có thể đánh đổi tình yêu mà ngài đã dành trọn vẹn cho Thiên Chúa. Bạo lực phải “bó tay” trước sức mạnh của sứ vụ truyền giáo. Ngày 05/8/1858, cha Mậu được phúc tử đạo.

    Lạy Chúa, thánh Đa Minh Đinh Đức Mậu đã dám sống đến cùng ơn gọi Ki-tô hữu, trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết. Xin Chúa cho chúng con biết sống đức tin một cách can trường, trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa. Xin giúp con biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu, bằng một đời hiến thân phục vụ.

    Ước gì ngọn lửa đức tin mà thánh Đa Minh Đinh Đức Mậu đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên quê hương Việt Nam, để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái.

    Ước gì mỗi người trẻ, hãy làm chứng một cách can đảm và hành động một cách quảng đại… Đừng để người khác cướp mất lý tưởng truyền giáo đích thực.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan