Thánh Đa Minh Vũ Đình Tước (02.4)

  • 15/01/2023 18:39
  • Ða Minh Vũ Ðình Tước sinh năm 1775 tại Trung Lao, thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Cha qua đời ngày 02.4.1839. Ðức thánh cha Lê-ô XIII phong chân phước cho người ngày 27.5.1900. Và đức thánh cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh ngày 19.6.1988

    14319 St. DaminhVuDinhTuoc

     

    Ngày 02 tháng 4

    THÁNH ÐA MINH VŨ ÐÌNH TƯỚC

    Linh mục, tử đạo (1775-1839)

    1.  Tiểu sử

    Ða Minh Vũ Ðình Tước sinh năm 1775 tại Trung Lao, thuộc tỉnh Nam Ðịnh. Cha vào Dòng Ða Minh ngày 17.4.1811, tuyên khấn và nhận áo dòng do chính tay đức cha I-nha-xi-ô Ðen-ga-đô trao.

    Cha đang ẩn trú trong nhà ông Nhiêu Tĩnh, làng Xương Diệu, thuộc giáo phận Ðông Ðàng Ngoài, thì bị bắt vào đêm 02.4.1839, do lệnh của một viên quan bát phẩm nham hiểm tên là Ðạt Phan. Ông là quan huyện Cẩm Hà, nổi tiếng thù nghịch đạo và là một nịnh thần. Chính ông ra lệnh bắt đức cha Hê-na-rết.

    Lúc đầu, giáo dân không ngăn cản vì tưởng là lệnh của vua. Sau khi họ phát giác đó là âm mưu của bọn vô lại do quan huyện Ðạt Phan điều khiển, thì họ góp tiền để chuộc cha, và nếu cần, họ sẽ dùng đến vũ lực.

    Khi giáo dân đuổi kịp, họ tấn công giải cứu. Lúc ấy, có người lính tên Ngọc theo lệnh của quan, đập một quả chày vào đầu cha, máu phun lênh láng. Cha hấp hối, miệng cứ phó linh hồn trong tay Chúa. Cha chết trên đường đưa về Cẩm Hà. Xác cha được chôn cất trong nhà thờ Xương Diệu.

    Ðức thánh cha Lê-ô XIII phong chân phước cho người ngày 27.5.1900. Và đức thánh cha Gio-an Phao-lô II tôn phong người lên bậc hiển thánh ngày 19.6.1988.
     

    2. Chân dung Thánh Đa Minh Tước

    Ngay từ nhỏ, Đa Minh Tước đã tỏ ra là người ngoan đạo, đức tin vững vàng. Khi làm linh mục Ngài đã hết lòng nhiệt tình lo việc truyền giáo và săn sóc phần rỗi các linh hồn.

    Ngày 17.4.1811 Ngài xin nhập dòng Đa Minh và sau một năm luyện tập theo luật Dòng, Ngài được Bề trên chấp nhận cho tuyên khấn 3 lời khấn của Dòng ngày 18.4.1812. Sau khi khấn Dòng, Đức Cha Delgado Y bổ nhiệm Ngài coi sóc giáo dân ở Xương Điền, một giáo xứ có gần 4 ngàn giáo dân. Giáo xứ Xương Điền thuộc điạ phận Đông Đàng Ngoài nay là giáo phận Bùi Chu. Với tư cách là cha Xứ có hơn bốn ngàn giáo dân, Ngài dùng mọi thời giờ để săn sóc đời sống đạo của từng gia đình, lo dọn những bài giảng, bài giáo lý dạy cho giáo dân hiểu biết sâu rộng hơn về đạo thánh Chúa. Ngài nêu gương đời sống cầu nguyện và tha thiết kêu mời mọi người đến với Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Nhiều lần Đức Cha đã ngỏ lời khen ngợi Ngài là một chúa chiên tốt lành. Tới năm 1838, lệnh bắt đạo của vua Minh Mạng mỗi ngày càng trở nên gay gắt tại các tỉnh thuộc giáo phận Đông và Trung. Thấy quân lính xông xáo khám xét khắp nơi, Ngài phải ẩn lánh trong nhà các tín hữu, nay nhà này mai nhà khác. Trong các gia đình đã cho Ngài ẩn trốn, có gia đình ông Đa Minh Đoài đã cho Ngài ở tới 2 tháng. Ban ngày thì Ngài âm thầm ẩn trốn trong phòng kín đáo, ban đêm Ngài bí mật lén lút đi thi hành công tác mục vụ. Gia đình ông Đoài là người ngoan đạo có hạnh phúc được ở với Ngài trong thời gian quí báu này. Ông kể lại rằng:

    -“Cha Đa Minh Tước trú ẩn trong nhà tôi trong thời gian khá lâu cho nên chúng tôi đã được chứng kiến đời sống đạo đức thánh thiện sâu xa của cha. Cha thức suốt đêm để cầu nguyện và dâng lễ ngay từ sáng sớm. Trong lúc cha dâng lễ thì tôi ra vườn theo dõi canh chừng giúp Cha”.

    Có lần tôi tâm sự và hỏi cha: 

    – “Nếu người ta bắt cha thì cha sẽ xử trí ra sao?

    Cha  trả lời: 

    – “Nếu có thể thì chạy trốn, còn không thể trốn nữa thì xin vâng theo ý Chúa. Điều cha lo lắng là làm thế nào để những người cho cha ẩn trú không phải phiền lụy vì cha, nếu cha bị bắt”.

    Vì sợ lộ nên cha lại phải di chuyển về trú ẩn nhiều nơi khác nhau tại làng Xương Điền. Ở lâu nhất tại nhà ông Nhiêu Thịnh giáo dân xứ Xương Điền. Ban ngày thì trốn trong nhà hay dưới hầm nhà, ban đêm thì cha lại lén lút đi thăm giáo dân, giảng dạy giáo lý cho những người tân tòng hoặc thăm viếng và an ủi những người già yếu, bệnh tật. Nhiều lần ông Nhiêu Thịnh xin cha cẩn thận vì sợ có nhiều kẻ dòm ngó, theo dõi. Nhưng cha nói là cứ phó thác cho Chúa. Chúa định sao thì cha sẵn lòng vâng theo.

    Trong vùng lúc ấy có một người tên Phan vì tham tiền và chức tước nên đã bỏ đạo rồi đi tố cáo và nộp Đức Cha Henares và Thầy Chiểu nên vua đã thưởng cho nhiều tiền và thăng quan tiến chức, được gọi là quan Bát Phẩm Phan phụ trách tổng Cẩm Hà. Nay ông lại muốn lập công nữa nên đã cho người đi dò xét nơi các linh mục ẩn trú và tìm mọi cách để ngăn cản việc truyền giáo của các Ngài. Hắn lại cho người theo dõi để tố cáo bắt cha Đa Minh Tước nữa.

    Thế rồi đêm ngày 2 tháng 4 năm 1839 khi cha vừa từ nhà ông Giuse Tuyên về và đang chuẩn bị dâng thánh lễ thì một nhóm người chừng 40 người lương do tên Bát Phẩm Phan xông vào bắt cha tại nhà ông Nhiêu Thịnh. Thấy bị động cha liền mau lẹ cởi áo lễ, chạy ra vườn ẩn trốn. Nhưng không may, có người nhận ra cha nên chặn cha lại. Thấy vậy, cha liền hỏi:

    – Các anh đi tìm ai?

    Họ nói:

    – Tìm bắt linh mục Tước

    Cha điềm đạm trả lời:

    – Chính tôi là linh mục Tước đây!

    Thế là đoàn người xông vào bắt trói cha và áp giải về Cẩm Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

    Khi biết tin cha bị bắt, giáo dân xứ Xương Điền đã cố gắng dùng tiền để chuộc cha nơi quan Bát Phẩm Phan, nhưng không kết quả. Vì thế họ đã tìm cách giải thoát cha khỏi tay bọn lính. Họ sợ rằng tin cha bị bắt được loan đi các nơi, sẽ làm cho nhiều tín hữu hoang mang lo sợ và bỏ đạo. Đàng khác, theo phong tục lúc bấy giờ đàn bà không có vũ khí mà đánh nhau với lính thì vô tội vạ và lính không được dùng vũ khí để đàn áp đàn bà. Do đó họ đã cử một số phụ nữ đi trước để tấn công bọn lính, còn đàn ông đi sau để yểm trợ và cản đường bọn lính một khi giải thoát được cha. Trước tình thế ấy, bọn lính nhất quyết áp giải cha và khi cùng đường, tên đội trưởng ra lệnh cho tên Ngọc đánh đập cha tàn nhẫn, bổ trên đầu cha một nhát búa, khiến cha ngã gục ngay trong vũng máu. Sau đó bọn lính xô nhau chạy thoát thân. Các tín hữu lúc ấy vừa chạy tới, một số chạy rượt bọn lính, một số ở lại săn sóc cha. Nhưng vì nhát búa oan nghiệt qúa đau đớn cha biết mình không thể sống được nữa nên âu yếm nhìn đoàn con và nói đôi lời an ủi, khuyên đoàn con giữ vững Đức Tin, rồi cha thều thào kêu:

    -“Giêsu Maria Giuse

    rồi nhắm mắt lại, trút hơi thở cuối cùng trong tay Chúa ngay chính ngày hôm ấy. Đó là ngày 2 tháng 4 năm 1839, lúc ấy cha vừa tròn 64 tuổi.

    Giáo dân tin rằng cha đã được phúc tử vì đạo nên đã tranh nhau thấm máu của cha, đào cả đất và lấy cả cỏ đã thấm máu của cha đưa về làm kỷ niệm và cầu nguyện với cha. Thi hài cha được chôn ngay chỗ cha bị đánh chết. Sau một thời gian thì giáo dân cải táng đưa về cử hành lễ an táng cách long trọng tại nhà thờ Họ thuộc xứ Xương Điền.

    Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

    Cha Thánh  Đa Minh Tước

    Ban đầu giáo hữu Xương Điền

    (Bốn ngàn ước lượng) lại yên trí rằng:

    Lính quan đến bắt phải chăng?

    Nên im lặng chẳng nói năng một lời

    Nhưng khi tìm hiểu tới nơi

    Biết rằng Bát Phẩm dẫn người đến đây

    Ông trùm liều quyết phen này

    Hò dân đánh tháo tại ngay trong làng

    Đàn bà các túi tro mang

    Ném vào mặt lũ sói lang bắt Ngài

    Đàn ông giáo mác một hai

    Đánh nhau với bọn tay sai vào hùa

    Nhưng rồi giáo hữu bị thua

    Bắt cha chúng nhốt, dân hò hét la

    Cha ra hiệu: ý rằng là

    Hãy yên lặng để mặc cha được rồi

    Đến gần cha nói: Hãy thôi

    Làm vậy chỉ tổ khơi mồi giết cha

    Chúng nghe, nảy ý gian tà

    Giết cha một cách thật là dã man

    Lệnh trên hay án chẳng cần

    Một tên là Ngọc đến gần rút gươm

    Chém đầu Cha, mắt gờm gờm

    Chém hai nhát máu chảy tuôn đầm đìa 

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    https://www.tonggiaophanhanoi.org/

    Bài viết liên quan