Thánh Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia (07.11)

  • 19/08/2023 08:16
  • Thánh Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia (Gia Thịnh Cát-ta-nê-đa) sinh ngày 13/01/1743 tại Gia-ti-va, thuộc giáo phận Va-len-xi-a, Tây Ban Nha. Ngày 7/11/1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Ðồng Mơ ngoài thành Thăng Long thi hành bản án. Ngày 20/5/1906, đức giáo hoàng Pi-ô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc chân phước. Ngày 19/6/1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nâng các ngài lên hàng hiển thánh.

    Ngày 07 tháng 11

    THÁNH GIA-XIN-TÔ CÁT-TA-NÊ-ĐA GIA

    Linh mục, tử đạo (1743-1773)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Gia Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa sinh 01/10/1743 tại Gia-vi-ta, thuộc giáo phận Va-len-xi-a, Tây Ban Nha. Cậu được hấp thụ nền tảng đạo đức từ gia đình, cậu Gia chẳng màng đến danh lợi trần gian. Mặc dù trời đã phú cho cậu một khuôn mặt xinh đẹp, được ví như thiên thần trong các tranh của nhà danh họa Mu-ri-lơ – Tây Ban Nha; nhưng vẻ đẹp ấy đã không làm tiêu tan khát vọng truyền giáo ngay từ tấm bé của cậu. Thêm vào đó, chàng thanh niên tuấn tú ấy lại có một tâm hồn cao quý, đã sớm quyết tâm dâng hiến cuộc đời phục vụ Thiên Chúa, dấn thân truyền giảng Tin Mừng cho thế giới. Ðể thực hiện lý tưởng cao cả đó, cậu đã gia nhập Dòng Ða Minh tại tu viện thánh Phi-líp-phê ở Va-len-xi-a.

    Lòng nhiệt thành truyền giáo đã đưa thầy Gia đến Phi-líp-pin năm 1762. Sau khi thụ phong linh mục, cha tình nguyện đi loan báo Tin Mừng ở Trung Quốc, dù Trung Quốc đang trong tình trạng cấm cách, cha đã đến Trung Quốc tháng 4/1766. Sau 3 năm nhiệt thành phục vụ, ngày 18/7/1769, cha bị bắt giam ở Phúc Kiến (Trung Quốc) và bị trục xuất về Ma-cao.

    Không nản chí và cũng không chùn bước, tại Ma-cao, khi gặp hai cha dòng khác từ Ma-ni-la tới để đi Việt Nam, cha Gia liền xin bề trên cho phép đồng hành sang Việt Nam. Ngày 23/2/1770, cha Gia ở lại Trung Linh học tiếng và phong tục Việt trong sáu tháng, sau đó được gởi đi truyền giáo ở khu Lai Ôn, Kẻ Diền, phủ Thái Ninh.

    Ba năm truyền giáo đã trôi qua, ngày 12/7/1773, sau khi ban bí tích cho một bệnh nhân ở Lai Ôn, cha Gia về Kẻ Diền thì lọt vào vòng vây của quan phủ Thần Khê, cha bị giải nộp lên quan trấn thủ Sơn Nam ở Hưng Yên và cha bị tống giam vào ngục.

    Giữa tháng 10/1773, cha hân hoan gặp một tù nhân mới, linh mục Vinh Sơn Liêm bị bắt ngày 2/10 tại Lương Ðống. Thật là một niềm vui lớn, hai anh em cùng dòng từ nay sẽ đồng hành với nhau trong ngục tù cũng như trong vinh quang tử đạo. Ngày 20/10, quan trấn truyền đóng gông hai cha có ghi hai chữ "Hoa Lang Ðạo Sư", rồi trao lại cho quan phủ Thần Khê áp giải lên Thăng Long.

    Tại kinh thành Thăng Long, hai linh mục có cơ hội trao đổi về giáo lý với các quan. Cuộc tranh luận đáng ghi nhớ nhất là " Hội Ðồng Tứ Giáo", giữa đại diện bốn tôn giáo : Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Cha Gia với những kinh nghiệm giảng đạo ở Phúc Kiến, đã thành thạo trưng dẫn những điển tích châm ngôn của Trung Quốc, khiến viên quan tổ chức phải hết sức khâm phục. Nhưng số phận của hai cha đã được định đoạt sẵn trong chiếu chỉ của phủ chúa. Ngày 4/11/1773, sau một buổi nghị án, chúa Trịnh Sâm tuyên án trảm quyết cả hai vị.

    Ngày 7/11/1773, quan quân điệu hai vị tông đồ đến pháp trường Ðồng Mơ ngoài thành Thăng Long thi hành bản án. Trên đường, hai vị cùng thầm thĩ nguyện xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, đọc Kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina). Thi hài hai vị tử đạo được an táng trọng thể ở nhà thờ Trung Linh. Ngày 20/5/1906, đức giáo hoàng Pi-ô X đã suy tôn hai chứng nhân anh hùng lên bậc chân phước. Ngày 19/6/1988, đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II đã nâng các ngài lên hàng hiển thánh.

    2.  Khát vọng và việc thực thi khát vọng

    Khát vọng cao đẹp khi khát vọng hướng tới tha nhân và phục vụ vô vị lợi. Khát vọng cao đẹp khi khát vọng làm cho con người có thêm sức mạnh và nghị lực để thi hành lý tưởng. Khát vọng cao đẹp một khi được nuôi dưỡng, sẽ đến ngày lớn lên và trổ sinh hoa trái tốt lành. Thật vậy, thánh Gia Gia-xin-tô Cát-ta-nê-đa Gia là một mẫu gương nổi bật cho chúng ta về định hướng cuộc đời, một cuộc đời biết nuôi dưỡng khát vọng, tìm cách thực thi khát vọng và hoàn thành khát vọng.

    Đối với một Ki-tô hữu, cách thế được xem là trọn vẹn để thực thi khát vọng truyền giáo, là hiến mình cho Thiên Chúa qua đời sống tu trì. Vì mục đích đó, Gia-xin-tô Gia đã chọn vào dòng Anh Em Giảng Thuyết. Sống trong dòng, mọi người nhận ra Gia-xin-tô Gia tràn đầy nhân đức thánh thiện. Vì thế cậu được phép nhận lãnh tu phục của dòng khi mới tuổi 14. Năm 23 tuổi, Gia-xin-tô Gia đã được lãnh chức linh mục. Từ đây, Gia-xin-tô Gia trở thành khí cụ của Thiên Chúa, và việc thực thi khát vọng truyền giáo của ngài mau chóng đạt kết quả.

    Gia-xin-tô Gia đã có khát vọng riêng của mình, ngài đã quyết tâm thực thi trọn vẹn khát vọng cho đến mức thành toàn. Còn bạn và tôi, chúng ta có nuôi dưỡng khát vọng thánh thiện nào không? Khát vọng đó có trải rộng và phục vụ mọi người không, hay nó chỉ bó hẹp trong khoảng trời ích kỷ của cá nhân?

    Giữa những mối bận tâm về danh phận, việc làm, và tương lai… trong cuộc sống của người trẻ hôm nay, con đường của Gia-xin-tô Gia ắt hẳn sẽ là hấp lực tốt cho họ. Sẽ có những lúc ta mệt mỏi, sẽ có những ngày ta chán nản thất vọng… Nhưng ước gì khát vọng ban đầu ta xác định cho cuộc đời của mình sẽ thêm sức mạnh cho ta.

    Đặt ra khát vọng, nuôi dưỡng khát vọng, nhưng phải hiểu khát vọng ấy có phù hợp khả năng của mình không. Ta đừng chỉ dừng lại ở đó mà phải tiến xa hơn trong việc thực thi khát vọng ấy. Gương sáng của Gia-xin-tô Gia khiến ta phải thực hiện khát vọng của mình bằng mọi giá.

    Được sai đến vùng đất Trung Hoa trong giai đoạn mà đạo Công Giáo bị bách hại gay gắt, cha Gia-xin-tô Gia luôn vững tin vì khát vọng truyền giáo của ngài đang trở thành hiện thực. Dấn thân hăng say, chẳng bao lâu cha Gia-xin-tô Gia bị bắt rồi bị trục xuất. Không nản lòng, cha chờ đợi thời cơ. Chẳng bao lâu sau, cha gặp được hai vị thừa sai cũng thuộc dòng Đa Minh đang trong hành trình đến đất Việt truyền giáo. Cha tìm đến với các vị, nhập đoàn và lên đường.

    Trong hành trình này, cha bị bắt và bị trảm quyết khi đang thực thi trọn vẹn khát vọng. Cha được rước về nơi vĩnh phúc ngày 07/11/1773 và được đứng vào hàng ngũ các thánh anh hùng tử đạo ngày 19/6/1988.

    Ước gì khát vọng mở mang Nước Chúa và khát vọng xây dựng Giáo Hội hiện nay luôn được thực thi bằng sức mạnh của người trẻ. Ước gì tình yêu phục vụ sẽ giúp ta có nhiều sáng kiến mới làm cho ngọn lửa khát vọng bùng lên luôn mãi. Ước gì không một khó khăn nào có thể làm chúng ta bỏ cuộc, hoặc bỏ đi ước muốn thực thi khát vọng lành thánh của mình.

    Lạy Chúa, con đã nhận lãnh được hồng phúc là được biết Chúa. Lúc này đây, ở trong con, không còn khát vọng nào lớn hơn khát vọng làm cho muôn người cũng được lãnh nhận hồng ân bao la ấy. Ôi lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài, con ước ao cho mọi người cũng nhận biết và yêu mến Ngài. Xin thêm sức mạnh và ban ơn lành của Ngài cho con. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    Bài viết liên quan