Thánh Lu-y Mon-pho (28.4)

  • 15/01/2023 18:39
  • Thánh Lu-y Ma-ri-a sinh ngày 31.01.1673 tại thành phố Mông-pho miền tây bắc nước Pháp. Người qua đời ngày 28.4.1716 tại Xanh Lô-răng thuộc giáo phận Luy-xông.

    Ngày 28 tháng 4

    THÁNH LU-Y MON-PHO

    S. Ludovicus M. Grignion de Montfort 

    (1673-1716)

    1.  Tiểu sử

    Thánh Lu-y Ma-ri-a sinh ngày 31.01.1673 tại thành phố Mông-pho miền tây bắc nước Pháp. Người chuẩn bị để nhận tác vụ linh mục tại chủng viện Xuân Bích, Pari. Sau đó năm 1710, Cha xin lập Dòng Ba Thánh Đa Minh. Bề trên Cả Dòng, ban cho Cha được đặc quyền lập các họ Mân côi.

    Người đi khắp miền tây nước Pháp, với tước hiệu “Thừa sai tông đồ”, để loan báo Tin Mừng cho các miền quê xa xôi hẻo lánh. Người tìm cách làm sao cho “các sứ vụ” của người có một nét thật bình dân. Vì rất sùng mộ chân phước Hen-ri Xuy-dô, người đã loan báo Tin Mừng về Đức Khôn Ngoan và về Tình Yêu của Chúa Ki-tô biểu lộ trong việc nhập thể và chịu chết trên thánh giá. Thánh nhân có thói quen đi tới đâu là cổ võ việc đọc kinh Mân Côi ở đó.

    Người cũng sáng lập nhiều cộng đoàn tu trì và thừa sai. Người còn để lại nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng, nhất là về lòng tôn kính Đức Trinh Nữ Maria.

    Cha nhận thấy rằng:

    “Đối với những linh hồn đã lâu ngày chìm đắm trong vực tối tăm, chỉ còn một thứ xiềng xích êm ái ngọt ngào có thể lôi kéo họ thoát khỏi cảnh bi thảm kia, là  Chuỗi Mân Côi”.

    Người qua đời ngày ngày 28.4.1716 tại Xanh Lô-răng thuộc giáo phận Luy-xông.

     


     

    2. Yêu mến Kinh Mân Côi

    Thánh Lu-y Mon-pho là một thành viên thuộc Huynh đoàn giáo dân Đa Minh. Một người nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi theo chân thánh Đa Minh.

    Sau khi làm linh mục (1709), cha Lu-y đã sang Rô-ma, yết kiến Đức Cle-men-tê XI.  Biết cha Lu-y có lòng yêu mến Đức Mẹ Mân Côi, nên Đức Thánh Cha đã ban cho Ngài chức vụ: “Cổ động viên Kinh Mân Côi trên toàn thế giới”. Ngài đã lập ra Hội Mân Côi kính Đức Mẹ ở rất nhiều nơi. Ngài đã tuyển chọn nhiều thành phần ưu tú trong giáo dân để cộng tác với ngài truyền bá và  duy trì các Hội Mân Côi đã thành lập. Vì thế, chỉ trong  thời gian ngắn, Cha đã tổ chức hơn 200 họ tại các miền Cha rao giảng Phúc âm. Đến đâu, Cha cũng thu tập đủ hạng người quây quần dưới chân Mẹ. 

    Có thể nói, ngoài thánh Đa Minh[1] (thế kỷ XIII) và chân phước A-lan Roch[2] (thế kỷ XV), thì không có một vị thánh nào nổi tiếng có lòng sùng kính Đức Mẹ Mân Côi, cho bằng Thánh Lu-y Mon-pho[3] (cuối thế kỷ XVII). Chính ngài đã điều chỉnh và kiện toàn phương cách lần chuỗi mân côi như chúng ta thấy hiện nay.

    Tê-ril D. Lit-trơ rất xác quyết khi nói rằng: “Trong khi lần chuỗi, không phải chúng ta lặp lại lời kinh chỉ vì lợi ích của chính lời kinh, mà vì lời kinh như là phương thế để đạt tới tình trạng suy gẫm về một Thiên Chúa sống động, hay một vài khía cạnh nào đó về Thiên Chúa… hoặc điều gì đó liên quan đến Thiên Chúa.” Vì vậy, khi lần chuỗi mân côi, chúng ta được mời gọi làm sống lại các giai đoạn trong cuộc đời của Chúa Giê-su với sự hiện diện thông hiệp của Mẹ Ma-ri-a. Để rồi, chúng ta được soi sáng phải sống thế nào với các biến cố trong cuộc đời của chúng ta.

    Hòa cùng niềm vui với Giáo Hội chuẩn bị bước vào tháng hoa kính Mẹ, bước theo gương Thánh Lu-y Mon-pho, chúng ta cùng suy niệm mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su với Mẹ, hiệp thông và liên đới với nhau trong mầu nhiệm cuộc đời của từng người chúng ta.

    Với các mầu nhiệm mùa Vui, cùng với Mẹ chiêm ngắm “Chúa Giê-su sống ẩn dật tại Na-gia-ret”. Cuộc sống của Mẹ Ma-ri-a lúc ấy không thiếu những khó khăn, nhưng lại ngập tràn niềm vui sự sống. Chính sự sống của Thiên Chúa thông ban cho con người, đó là niềm vui lớn lao nhất của cuộc đời chúng ta.

    Với các mầu nhiệm sự Sáng, chúng ta cùng với “Chúa Giê-su hoạt động công khai, thi hành sứ vụ”. Các mầu nhiệm này làm sáng lên gương mặt Chúa Giê-su sống vâng phục và chu toàn sứ mạng Chúa Cha trao phó. Chúng ta là những người theo Chúa, chúng ta không được bỏ qua một sứ vụ nào, nhưng chu toàn tất cả theo Thánh Ý Chúa, làm sáng lên vinh quang Thiên Chúa.

    Với các mầu nhiệm sự Thương, “Chúa Giê-su bước vào cuộc khổ nạn”. Chiêm ngắm sự đau khổ tột cùng của Chúa Giê-su trên thánh giá, lặng nhìn Mẹ âm thầm đau khổ thông hiệp, chúng ta sẽ hiện diện bên đời nhau trong những lúc đau khổ để hiệp thông và chia sẻ với nhau, làm cho gánh nặng cuộc đời tan đi.

    Với các mầu nhiệm mùa Mừng, “Chúa Giê-su hoàn tất sứ vụ để bước vào vinh quang”. Đau khổ dành cho Mẹ khi thông hiệp với Chúa, cũng là vinh dự dành cho Mẹ trong cõi phúc vinh. Chúng ta đi theo con đường ấy, lẽ nào chúng ta không hy vọng một tương lai phúc vinh vĩnh cửu.

    Vì thế, việc suy niệm các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa, chiêm ngắm Mẹ Ma-ri-a và các cách thức hiện diện của Mẹ, chúng ta dần tìm ra ý nghĩa mầu nhiệm cuộc đời mình. Nhìn mọi biến cố xảy đến bằng cái nhìn của Chúa, bằng sự hiệp thông sống động của ân sủng và sự chia sẻ yêu thương.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan