Thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm (07.11)

  • 23/08/2023 20:40
  • Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Thôn Ðông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Ngày 27-11-1773, hai cha bị đem đi xử. Ðức thánh cha Pi-ô X đã phong chân phước cho các ngài vào ngày 20-5-1906. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho các ngài ngày 19-6-1988.

    Ngày 07 tháng 11

    THÁNH VINH SƠN PHẠM HIẾU LIÊM

    Linh mục, tử đạo (1743-1773)

    1.  Tiểu sử

    Cậu Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm sinh năm 1732 tại Thôn Ðông, làng Trà Lũ, phủ Thiên Trường, tỉnh Nam Ðịnh. Cậu vào tu trong nhà Ðức Chúa Trời tại địa phương do các cha Dòng Ða Minh coi sóc. Sau vài năm, cậu được gửi đi du học tại Phi-líp-pin và theo học tại trường Gio-an La-tê-ra-nô tại tỉnh Ma-ni-la.

    Sau năm học hành thành công xuất sắc, thầy Liêm xin nhập Dòng Ða Minh và lãnh tu phục ngày 9-9-1753. Năm sau, thầy tuyên khấn trọng thể tại dòng. Tiếp đó, thầy học thêm 4 năm thần học và lãnh tác vụ linh mục năm 1758.

    Thụ phong linh mục rồi, cha Liêm chuẩn bị trở về phục vụ quê hương. Ngày 20-1-1759, cha về đến Việt Nam và được bổ nhiệm làm giáo sư chủng viện Trung Linh. Cha đem hết tài trí và nhiệt thành truyền đạt cho các chủng sinh những kiến thức cha đã thu thập được. Nhưng nguyện vọng của cha là loan báo Tin Mừng bình an cho anh em. Và chẳng bao lâu, cha rời chủng viện và dấn thân vào con đường truyền giáo.

    Hoạt động của cha không chỉ hạn hẹp trong các giáo xứ, mà còn mở rộng đến các làng ngoại giáo, bất chấp những khó khăn nguy hiểm của thời cấm cách. Với lòng nhiệt tình, yêu thương giúp đỡ mọi người nên ai ai cũng hết lòng thương mến. Dầu thành công trong công tác, cha Liêm không bao giờ tự mãn với chính mình.

    Ngày 1-10-1773, cha Liêm đi giảng cho họ Lương Ðống, chuẩn bị mừng lễ Ðức Mẹ Mân Côi, thì bị bắt. Sau một trận đòn chí tử, họ trói cha và hai cậu giúp lễ là Mát-thêu Vũ và Giu-se Bích rồi đem giải về Thiên Nam ngày 16 tháng 10. Ở đây, cha Liêm gặp một linh mục cùng dòng, cha Cát-nê-đa Gia đã bị giam ở đó. Hai anh em sung sướng cùng chia ngọt sẻ bùi trong cảnh tù đày. Ngày 20-10, quan trấn trao hai cha cho quan phủ Thần Khê để giải về Thăng Long, ra mắt chúa Trịnh Sâm.

    Ngày 27-11, hai cha bị đem đi xử. Hai vị anh hùng đức tin đã vui mừng đọc kinh Tin Kính và hát kinh Lạy Nữ Vương trên đường ra pháp trường Ðồng Mơ. Những nhát gươm định mệnh giúp hai vị hoàn tất sứ mệnh, chứng tá tuyệt hảo cho Ðức Ki-tô. Thi hài các ngài được rước về an táng tại Trung Linh.

    Ðức thánh cha Pi-ô X đã phong chân phước cho các ngài vào ngày 20-5-1906. Ðức thánh cha Gio-an Phao-lô II đã phong hiển thánh cho các ngài ngày 19-6-1988. Riêng thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm, nhiều trường học đã nhận người làm bổn mạng, trong đó có trường cao đẳng Gio-an La-tran ở Phi-líp-pin.

    lm_liem.jpg

    2.  Cầu nguyện cho các sinh viên học sinh và các công cuộc giáo dục

    Xét theo lẽ thường, sau khi bỏ công sức học hành thành tài, người ta có điều kiện và có quyền được sống trong cảnh sung túc, đầy đủ, bình an. Tuy nhiên, thánh Vinh Sơn Phạm Hiếu Liêm đã vượt lên trên lẽ thường tình ấy bởi lý tưởng sống phục vụ Chúa của ngài.

    Sau ba năm học thành công xuất sắc, thày Liêm xin gia nhập dòng Đaminh và lãnh tu phục ngày 9.9.1753. Năm sau, thày tuyên khấn trọng thể cùng với ba tu sĩ đồng hương và lấy biệt hiệu là VINH SƠN HÒA BÌNH (Vincente de la Paz). Tiếp đó, thày Vinh Sơn học thêm bốn năm thần học và được thụ phong linh mục năm 1758.

    Là linh mục Việt Nam đầu tiên đi du học, lại hoàn thành chương trình học với kết quả xuất sắc, cha Liêm như đang bắt đầu bước đi trên con đường mới, với lượng tri thức mà người người ngưỡng mộ. Nhưng, vâng lời bề trên, cha đã mau mắn trở về quê hương phục vụ.

    Tưởng như cha Liêm sẽ yên vị trên chiếc ghế giáo sư tại Ma-ni-la hoặc tại các chủng viện Việt Nam lúc bấy giờ để “hưởng phước” do công sức học hành. Nhưng không, cha Liêm đã biến những tri thức kia thành khát vọng thực thi sứ vụ truyền giáo. Cuộc đời của ngài nổi bật hai điểm son, đáng cho người thời nay noi theo đó là: việc học và sự phục vụ.

    Với việc học, ngài đã nỗ lực rất nhiều để có kết quả cuối cùng rất tốt đẹp. Điều này khiến bạn, tôi, chúng ta, cùng tất cả học sinh - sinh viên trong và ngoài nước thời nay không khỏi nhìn lại việc học của mình. Để được đi học, mỗi người chúng ta đều nhận được sự hỗ trợ và hy sinh về vật chất lẫn tinh thần từ rất nhiều người. Vì thế, học bằng nỗ lực và tinh thần trách nhiệm đó quả là một sự cần thiết.

    Đứng trước nỗi lo về cuộc sống thực dụng, nhiều người ngại học nhưng lại thích sử dụng bằng cấp, có người lại dùng việc học để trốn tránh trách nhiệm cộng đồng. Ước gì ta biết học hỏi kiến thức để áp dụng, để phục vụ mọi người. Chớ gì việc học để đối phó, học để mua danh hám lợi, học để mưu cầu chức tước địa vị sẽ bị triệt tiêu.

    Với việc phục vụ, thánh Vinh Sơn Liêm đã đánh đổi sứ mệnh của mình bằng cái giá rất đắt. Chu toàn việc học ở nước ngoài, cha trở về nước để cống hiến khả năng cho Giáo Hội. Phải chăng đó là nguyện ước cho các bạn du học sinh hiện nay, và đặc biệt hơn đó là nguyện ước cho các linh mục, tu sĩ trẻ. Sau bao năm học hành sẽ là gì nếu không phải là để phục vụ vô vị lợi.

    Quả thật, giá trị của việc học là để phục vụ, không phải là phục vụ cho quyền hành - chức vị - hay cái ghế ổn định của mình, nhưng là phục vụ những người yếu kém. Cha Vinh Sơn Liêm đã chọn lựa để trở thành nhà truyền giáo, trở thành linh mục tử đạo Việt Nam đầu tiên. Thay vì những bài giảng hùng hồn tại giảng đường với chức giáo sư, cha đã hoá giải những bài toán khó trên giảng đường bằng đời sống cụ thể của cha. Vì thế, nhiều trường học đã nhận ngài làm bổn mạng. Thánh nhân quả là ánh vinh quang của dân tộc Việt Nam nơi hải ngoại.

    Lạy Chúa Giê-su, nguồn mạch khôn ngoan và chân lý đích thực. Xin lắng nghe tiếng con cầu nguyện. Xin cho các học sinh - sinh viên, biết chăm chỉ học tập, biết ý thức việc học của mình để phục vụ, chứ không vì bằng cấp và địa vị.

    Xin cho các học sinh – sinh viên, biết nhận ra giá trị của một nền giáo dục tốt, biết đem ra thực hành những gì các em đã được truyền đạt, biết sử dụng kiến thức cho những mục đích cao đẹp. Xin cho các sinh viên biết yêu mến tri thức sâu sắc, biết sử dụng tài năng và kỹ năng để phục vụ mọi người và để làm sáng danh Chúa. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan