Chân phước Gio-an Ða Minh, Giám mục (10.6)

  • 15/01/2023 22:11
  • Gio-an sinh năm 1356 tại Phi-ren-xê trong một gia đình túng nghèo. Người qua đời tại Bu-đa-pét ngày 10.6.1419. Ðức Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn người lên bậc chân phước năm 1856.

     

    Ngày 10 tháng 6

    Chân phước Gio-an Ða Minh

    Giám mục – Lễ nhớ (1356-1419)

    1.  Tiểu sử

    Tu sĩ Gio-an là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Giáo hội vào thời kỳ Ðại Ly giáo Ðông phương. Người sinh tại Phi-ren-xê năm 1356 trong một gia đình túng nghèo. Người lãnh tu phục tại tu viện thánh Ma-ri-a Nô-ven-la lúc 18 tuổi. Người hết sức do dự vì bị tật nói lắp bẩm sinh, nhưng người đã cố gắng sửa khuyết tật này và trở thành một nhà thần học nổi tiếng. Người luôn khao khát cầu nguyện và thực hành khổ chế.

    Nhờ đặc sủng giảng thuyết, người dễ dàng uốn nắn những ý tưởng lệch lạc, lay động những tâm hồn chai đá, bảo tồn phong hóa, quy tụ thính giả và đào luyện tín hữu. Là một văn sĩ, người đã viết tài liệu chú giải Phúc âm thánh Mát-thêu, các thư Cô-rin-tô và các thánh ca Tin Mừng. Bên cạnh đó, người còn sáng tác nhiều bài thánh thi bằng tiếng Ý, bài khảo luận về kinh tế gia đình và giáo dục thiếu niên, đặc biệt là tác phẩm nổi tiếng với tựa đề “Ánh trăng non”, đặt nền cho các ki-tô hữu đối phó với những sai lạc của thuyết Nhân bản vì thuyết này khinh thường những sứ điệp Tin Mừng và đề cao chủ thuyết ngẫu tượng.

    Người phụng sự Thiên Chúa bằng cách nhiệt tình tham gia vào việc cải cách Giáo hội. Người đã khởi sự công việc này tại tỉnh dòng Lom-bác-đi-a, nơi đây đã trở thành trung tâm đào tạo các tu sĩ nhiệt thành. Trong số này, có các đồ đệ của thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na và chân phước Rây-mun-đô Ca-pua.

    Khi Ðức In-nô-xen-tê VII băng hà, thành Phi-ren-xê đã cử người làm đại biểu đi bầu tân giáo hoàng để khuyến khích hồng y đoàn tái lập hoà bình trong giáo hội và chấm dứt cuộc ly giáo. Ðức Ghê-gô-ri-ô XII đã đặt người làm tổng giám mục thành Ra-gu-xê, rồi hồng y hiệu tòa Xít-tô. Ðức thánh cha đã cử người làm đại sứ ở phương xa, người đã gặp nhiều thử thách đến nỗi người phải cải trang mới thoát nạn. Chân phước Gio-an Ða Minh luôn tỏ ra khôn ngoan và trung thành, bất chấp những hành động thù nghịch của Công đồng Pi-xa. Người đã thuyết phục đức Ghê-gô-ri-ô XII từ chức để tái lập hòa bình. Khi đức Ghê-gô-ri-ô XII tán thành đề nghị trên, chân phước Gio-an Ða Minh đã đích thân đến công đồng Công-tăng-ti-nô để đệ trình văn thư xin từ nhiệm của đức Ghê-gô-ri-ô XII.

    Cuộc ly giáo kết thúc, Ðức Mác-ti-nô V lại cử người làm khâm sứ tòa thánh tại Bô-hê-mi-a, Ba-lan, Hung-ga-ry để chống lại lạc giáo Hu-xít. Ðang khi đảm trách việc này, người qua đời tại Bu-đa-pét ngày 10.6.1419.

    Ðức Ghê-gô-ri-ô XVI đã tôn người lên bậc chân phước năm 1856.

     

    2. Chúa giữ lại một phần,...

    Có lẽ không ít người trong chúng ta không biết đến Nick Vu-ji-cic, một người ngay từ bẩm sinh đã thiếu vắng cả tứ chi. Từ thuở ấu thơ, anh đã phải đấu tranh cả về tinh thần cũng như thể xác, để đối mặt với khuyết tật của mình... Năm 15 tuổi, khi đọc câu chuyện người đàn ông bị mù bên vệ đường trong sách Phúc Âm, Nick đã nhận ra rằng: "Tôi không phải là một phận người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa hiển lộ công việc của Người qua tôi..." Sau này khi lớn lên, anh cho mọi người thấy khuyết tật của anh đã giúp anh mang thông điệp hy vọng đến với hàng triệu con người, tại nhiều quốc gia. Anh nói: "Với mỗi khuyết tật mà bạn có, bạn được ban dư thừa những khả năng, để vượt qua các thử thách của bạn"...

    Quả vậy, "Những thách thức trong cuộc sống sẽ làm vững mạnh thêm niềm tin của chúng ta. Chúng không phải để vùi dập chúng ta".

    Hình ảnh Nick cho chúng ta thấy, việc Chúa chọn người phục vụ cho Chúa thật lạ lùng. Chân phước Gio-an Đa Minh thuộc Dòng Thuyết Giáo mà chúng ta chiêm ngắm hôm nay chính là một ví dụ điển hình. Gio-an Đa Minh sinh tại Phi-ren-xê năm 1356 trong một gia đình túng nghèo, giữa bối cảnh Giáo Hội đang rối ren trước cuộc đại ly giáo Tây Phương, cá nhân cậu lại còn bị tật nói lắp bẩm sinh... Tất cả xem ra không mấy thuận lợi đối với cậu.

    Gio-an Đa Minh hết sức do dự vì khiếm khuyết bản thân qua tật nói lắp này. Tuy nhiên, Chúa lại làm điều ngược lại nơi cậu, Người chọn cậu vào Dòng Giảng Thuyết. Đoàn sủng của Dòng đã khiến cậu nỗ lực hết sức để sửa khiếm khuyết. Cùng với lòng cậy trông không ngơi nghỉ, Gio-an Đa Minh đã không phải thất vọng. Thiên Chúa đã ban cho ngài đặc sủng giảng thuyết và khả năng văn chương. Ngài trở thành nhà thần học nổi tiếng có sức lay động những tâm hồn chai đá, uốn nắn người lệch lạc, quy tụ thính giả, huấn luyện tín hữu, đưa những người theo lạc thuyết trở về... Ngài trở thành Giám mục và đã được đại diện Giáo Hoàng lên tiếng trong Hồng Y đoàn tại Công Đồng Pi-xa, ngài khuyến khích hòa bình và khuyên Đức Giáo Hoàng Ghê-gô-ri-ô XII từ nhiệm để đưa lại sự hiệp nhất toàn vẹn cho Giáo Hội.

    Như Gio-an Đa Minh, chúng ta đừng thất vọng khi thấy mình có khiếm khuyết thể xác hoặc khuyết điểm tinh thần, vì Thiên Chúa đã dùng chính những khiếm khuyết của ta để làm vinh danh Chúa. Cảm nghiệm sâu xa điều này, ta tự hỏi: Tại sao ta không vui, không tạ ơn, không lấy làm vừa lòng và trách móc Chúa hoặc kêu ca những người thân thuộc của ta khi ta mang khuyết điểm? Tại sao ta nhìn khuyết điểm của người khác cách soi mói? Tại sao ta ưa bàn tán về khuyết điểm của ai đó? Tại sao có những người mẹ không vui khi cưu mang một bào thai mà khoa học cho rằng thai nhi ấy có dị tật ngay trong dạ mẹ? Tại sao ta ấm ức vì gia đình, vì cộng đoàn giáo xứ, vì môi trường sống và làm việc của ta có một nhân vật nào đó chưa hoàn thiện không vừa mắt ta?...

    Hãy nhìn vào Nick Vu-ji-cic để an vui. Hãy nhìn Gio-an Đa Minh để kiên nhẫn đón nhận và cùng với ngài cầu nguyện: Lạy Chúa, đã có lúc trong cuộc đời, con suy sụp vì những yếu đuối khiếm khuyết của con, khiếm khuyết về thể xác, khiếm khuyết trong tinh thần. Xin cho con hiểu rằng: Con sinh ra đã bị khiếm khuyết vì Chúa đã muốn giữ lại một phần thân thể của con cho Chúa. Con tạ ơn Chúa vì lễ dâng của thân con đã làm đẹp ý Chúa khi con chưa chào đời.

    Lạy Chúa, phần khiếm khuyết của con là của Chúa, sự trọn vẹn của con thuộc về Chúa, con không tự làm cho mình có bàn tay năm ngón, con không tự làm cho mình có một thân thể như con muốn, sinh mạng của con thuộc về Chúa, sức sống của con là của Chúa... Ý thức được điều này, con chỉ còn biết sống cho Chúa và ước mong được thuộc trọn về Chúa mà thôi. Xin Chúa thêm sức cho con. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan