Chân Phước Gioan Giuse Lataste (07/9)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cha Lataste sinh ngày 05/9/1832 tại Cadillac. cha trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/3/1869. Ngày 03/6/2012, thánh lễ tôn phong Chân phước cho cha Lataste được cử hành tại Besancon.

    Ngày 07 tháng 9

    Chân phước Gio-an Giu-se La-tát-tê 

    B. Jean Joseph Lataste

    (1832-1869)

    VỊ TÔNG ĐỒ CỦA TÙ NHÂN

    “Vị tông đồ của tù nhân” là danh hiệu mà cha Bruno Cadoré, OP. dùng để nói về chân phước Gioan Giuse Lataste, OP. trong lá thư có tiêu đề “Sự thánh thiện của cha Đa Minh, ánh sáng cho Dòng Giảng thuyết”. Cha Cadoré đã nhắc đến chân phước Lataste cùng với nhiều vị khác khi giới thiệu họ là chứng nhân của thời đại mới về sự thánh thiện của Dòng Giảng thuyết. Có nghĩa là, cha Lataste đã dùng đời sống chứng tá của mình góp vào “bài giảng của thánh Đa Minh” một nét chữ mới, một ý tưởng mới, tạo nên một động lực mới cho các nữ tù nhân, cho những người nữ từng có quá khứ đen tối “tìm thấy được nguồn hứng khởi nơi cha thánh Đa Minh, để cam kết dấn thân phục vụ Tin Mừng, và tìm thấy chính mình qua việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Vương quốc”.

    Cuộc đời

    Với tên khai sinh là Alcide Lataste, cha Lataste sinh ngày 05/9/1832 tại Cadillac. Cha từng theo học Tiểu chủng viện Bordeaux, nơi cha được chịu phép Thánh Thể và Thêm Sức. Cũng tại đây, cha đã gặp được cha Henri Lacordaire, O.P. Dù rất khao khát trở thành một linh mục, nhưng cha luôn cho rằng bản thân mình hoàn toàn không xứng đáng. Sau khi tốt nghiệp năm 1850, ngài trở về quê sống với song thân trong khoảng một năm. Ngài dành khoảng thời gian này để đọc sách và làm thơ. Từ năm 1851 – 1857, ngài làm việc trong ngành dịch vụ cộng đồng.

    Sau khi đã ngẫm nghĩ kĩ, ngài đã gia nhập dòng Đa Minh tại Flavigny vào tháng 11/1857. Sau khi tuyên khấn, ngài được gửi đến Toulouse để học tập. Ngài sống tại tu viện Chalais, Grenoble và St. Maximin-la-Sainte-Baume, nơi cha trở nên thân tín với thánh nữ Maria Madalena qua con đường chiêm niệm. Ngày 10/5/1862, ngài tuyên khấn trọng thể, đến ngày 08/02/1863 thì được Đức cha Petagna truyền chức linh mục tại Marseille. Sau khi chịu chức, ngài vẫn tiếp tục việc học của mình, và cuối cùng được bổ nhiệm về tu viện Bordeaux. Đời sống linh mục của ngài nổi bật với các bài giảng tĩnh tâm, việc ngồi tòa giải tội, cử hành thánh lễ và chầu Thánh Thể.

    Nhà Bêtania

    Tháng 9/1864, cha Lataste đến giảng tĩnh tâm cho các nữ tù nhân tại Cadillac-sur-Garrone, gần Bordeaux. Ban đầu, cha còn ái ngại khi tiếp xúc với các tù nhân này. Nhưng chính trong thời gian đó, cha dần dần được biến đổi. Lời Chúa đã làm cho tâm hồn cha hoán cải trước cả khi chạm đến trái tim các nữ tù nhân. Trong suốt thời gian giảng tĩnh tâm tại đây, “khi cha sửng sốt nhìn thấy phản ứng trên khuôn mặt của các phụ nữ đang bị cầm tù như phản ánh cái nhìn lòng thương xót của Thiên Chúa trên họ”, cha luôn tự hỏi, những người phụ nữ này sẽ ra thế nào khi họ mãn hạn tù, xã hội có đón nhận họ không, ai sẽ giúp họ trên con đường hoàn lương. Câu trả lời ngài có được chính là ý định thành lập Nhà Bêtania. Tại sao lại là Bêtania? Cha thánh giải thích:

    “Tin Mừng nói cho chúng ta biết rằng, ở Bêtania, có hai chị em cùng sống với nhau: Mácta đầy tràn nhân đức và Maria Mađalêna, người từng là một tội nhân. Đức Giêsu đã đến thăm và ở lại nhà họ. Tại đây, một người thì phục vụ Người, một người thì lắng nghe lời Người. Với hai thái độ đó, Đức Giê su có phân tách họ không? Có vẻ dường như Maria là người được yêu mến hơn cả. Mácta ngạc nhiên và Đức Giêsu đã từ tốn trả lời và câu trả lời ấy có phần tuyên dương Maria: ‘Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị lấy đi’ (Lc 10,41). Phần tốt nhất đó là gì? Đó chính là Maria đã yêu mến nhiều hơn. Từng là một tội nhân, nên Maria dường như khao khát tình yêu từ Thiên Chúa hơn Mácta, mẫu gương các nhân đức. Khi Thiên Chúa yêu thương và ban cho chúng ta ân sủng của Người, Người không hỏi đến những gì chúng ta đã làm, cho bằng chỉ quan tâm đến việc chúng ta là ai, nghĩa là Người không màng đến việc ta đã yếu đuối và sa ngã thế nào, nhưng là việc ta đã yêu mến nhiều bao nhiêu. Người chỉ phán xét chúng ta dựa trên việc chúng ta yêu thương. Người hạnh phúc là người mà quá khứ của họ có khả năng thúc đẩy họ tiến đến một tình yêu cao cả hơn. Họ còn là những người, đang khi vẫn đang đương đầu với cuộc sống, bồi đắp thêm những nỗ lực hàng ngày để không bị bỏ rơi lại phía sau” (Lataste, Les Réhabilitées).

    Một năm sau đó, cũng vào tháng 9, cha Lataste lại có dịp đến giảng tĩnh tâm cho các nữ tù nhân tại Cadillac, và nhận thấy rằng, nhiều người trong số họ đã được biến đổi nhờ những hướng dẫn thiêng liêng của ngài. Lúc này đây, cha nói: “Nơi đây, tôi đã thấy những kì công!”

    Nhà Bêtania được thành lập vào ngày 14/8/1866 ở Frasnes, gần Becanson, miền Đông nước Pháp. Nơi đây quy tụ những người nữ từng là tù nhân, những người nữ bị gạt ra bên lề xã hội, những người từng có quá khứ đau buồn cùng nhau sống đời dâng hiến. Giữa họ, không có sự phân biệt nào. Nhà này dần trở thành Hội dòng Chị em Đa Minh Bêtania.

    QUA ĐỜI

    Giáng sinh năm 1868, cha Lataste cử hành thánh lễ đầu tiên tại Nhà Bêtania. Và trong thánh lễ này, ngài đã trao tu phục Đa Minh cho nữ cựu tù nhân đầu tiên, sơ Noel. Dịp này, ngài trở bệnh nặng và tình trạng vô cùng nghiêm trọng đến mức cha chỉ có thể thì thầm Hiến pháp của Hội dòng cho sơ Dominique-Henri ghi lại. Hiến pháp này chỉ được hoàn thành sau khi cha Lataste qua đời. Trong sự yêu mến Hội dòng và tạ ơn Thiên Chúa, cha trút hơi thở cuối cùng vào ngày 10/3/1869. Trong quyển Les Réhabilitées, cha viết:

    “Bây giờ các chị em hiểu được mục đích của chúng ta và nhận ra được cách thức ta dùng để đạt được mục đích đó. Các chị em nhìn ra được vấn đề và cũng cần phải thấy được vấn đề ấy có thể được giải quyết như thế nào. Những nữ tù nhân này xứng đáng nhận được lòng trắc ẩn của chị em. Đây là trách nhiệm của chị em, chị em phải giúp họ sống bù lại với những năm tháng dài đằng đẵng trong tù. Bị coi khinh trong quá khứ, ngay cả khi từ lâu họ đã nhận lại tư cách trước mặt Thiên Chúa, thì lúc này đây, họ cũng phải được mọi người nhìn nhận. Họ phải được bảo vệ, không chỉ khỏi bị khinh khi như trong quá khứ, mà còn khỏi nguy cơ rất dễ quay trở lại lối sống lầm lạc trước đây. Họ phải được cứu vớt, không chỉ cho đời này, mà còn cho đời sống vĩnh cửu của họ. Họ phải được cứu vớt để đáp trả tình yêu với Đấng đã nói: ‘Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất’”.

    Phong thánh

    Tiến trình phong thánh cho cha Giuse Gioan Lataste, OP. được mở từ năm 1937. Đến năm 2008, cha được Giáo hội công nhận đã có một đời sống đầy những nhân đức anh hùng. Ngày 27/6/2011, Đức thánh cha Biển Đức XVI ban hành Tông sắc nhìn nhận một phép lạ được tin là do lời chuyển cầu của cha Lataste. Ngày 03/6/2012, thánh lễ tôn phong chân phước cho cha Lataste được cử hành tại Besancon. Ngày 21/11/2012, tiến trình phong thánh cho cha chính thức được khởi động ở cấp giáo phận.

    Quốc Trọng

    Bài Giảng của cha Bruno Cadoré, O.P. trong Lễ tuyên Chân phước cha Jean-Joseph Lataste, O.P.

    Anh chị em thân mến,

    Tôi tưởng tượng có một sự thinh lặng sau bài giảng đầu tiên của nhà giảng thuyết trẻ tại nhà tù Cadillac. Ngày hôm đó, không phải là Thiên Chúa đã nói với dân Người từ giữa ngọn lửa, nhưng từ một nơi tách biệt khỏi thế giới, nơi giam giữ những nữ tù nhân sau khi họ bị xét xử. Họ vừa nghe chân phước Lataste nói với họ về tình yêu vô biên của Thiên Chúa trung tín, Đấng đỡ họ đứng lên. Từ khi phạm tội và bị kết án, dường như họ chẳng còn trông mong điều gì lớn lao cho cuộc sống. Bị giam giữ trong cô đơn, mặc cảm tội lỗi và xấu hổ, họ nghĩ rằng họ không xứng đáng nghe lời này, nhưng đây lại là lời Thiên Chúa ngỏ với họ. Họ nhận thấy lời này tựa như nguồn nước hằng sống tuôn trào, tẩy sạch mọi vết nhơ, làm dịu cơn khát được nhìn nhận và yêu thương, xoa dịu vết thương do tội lỗi hay phản bội. Ngẩng cao đầu tựa như “những cành hoa sau cơn bão”, họ cảm nhận ánh mắt hiền phụ của Thiên Chúa, Người không muốn chấp cứ vào những gì họ đã làm, nhưng đón nhận và yêu thương họ với những gì họ có ngày hôm đó, chỉ đơn giản vậy thôi. Và họ rụt rè nhận ra sự bảo đảm, xúc động khi tin tưởng, với niềm tin lạ thường, vào Đấng là Cha của họ.

    Đó chẳng phải là một dân đã nghe tiếng Thiên Chúa phán dạy từ giữa ngọn lửa như Kinh Thánh mô tả hay sao? Tại Cadillac, vào ngày đầu của tuần tĩnh tâm, giữa bầu khí thinh lặng của nhà tù, trong đêm tối của sự lãng quên và ký ức tội ác đau thương, mạc khải được thực hiện. Mặc khải bắt đầu với các nữ tù nhân: “Thưa chị em quí mến.” Những lời này vọng lại tiếng Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn một dân, hay căn bản hơn, Đấng đã giúp họ nhận ra rằng Người không thể chọn một dân mà không có những phụ nữ này, là những người bị kết tội bởi bản án của con người.

    Sự thinh lặng do tình trạng cô lập và sự hiu quạnh đột nhiên được thay thế bằng sự thinh lặng đầy tin tưởng của những người phó mình cho tình yêu để dám sống một lần nữa, dám tin tưởng một lần nữa vào tương lai được hứa hẹn, tương lai không có hình bóng quá khứ. Giữa sự thinh lặng đó, lời của nhà giảng thuyết trẻ vang lên: một lời mời gọi lạ thường, lời mời gọi đến với sự tự do mới. Vâng, trong nhà tù này, có lẽ là lúc diễn ra những cuộc đấu tranh nội tâm khủng khiếp, sự cự tuyệt, cố gắng vươn lên, ngờ vực và ký ức xấu hổ,… trong nhà tù này, lời của nhà giảng thuyết trẻ ngỏ với những người đang bị giam giữ tựa như chính lời Thiên Chúa nói với dân Người để kéo họ ra khỏi sự ghét bỏ và trao cho họ tự do.

    Thưa anh chị em,

    Tôi tưởng tượng ra sự thinh lặng này, khi Chân phước Jean-Joseph Lataste mời gọi các tù nhân chầu Mình Thánh nhiều giờ sau đó. Điều này chứng tỏ rằng cha Jean-Joseph là một ngôn sứ, không chỉ khi ngỏ lời, một lời đầy thương xót, nhân danh Thiên Chúa, nhưng hơn nữa khi cha mời gọi sống cách cụ thể trước nhan Người. Sự thinh lặng tôn thờ có sức mạnh chắc chắn từ Lời Thiên Chúa. Bởi vì, một cách nào đó, cha đã được Lời của chính Thiên Chúa cư ngụ nơi mình khi cha thực hiện công việc của Người. Chúa Con đến giữa chúng ta, ban sự sống cho chúng ta, và hiện diện nơi chúng ta để mở ra trong chúng ta một con đường, nhờ đó chúng ta biết gọi Thiên Chúa là Cha. Cách nào đó, Người đốt cháy cuộc đời chúng ta bằng ngọn lửa của mầu nhiệm Ba Ngôi Chí Thánh. Và nhờ đó, những cuộc đời, những khuôn mặt con người được biến đổi. Ngôi Lời này phải đi vào giữa bóng tối của chúng ta. Lời này phải đi qua sự ghét bỏ đóng chặt chúng ta vào chính mình: thất bại, lỗi lầm, đồng loã trong tội, thiếu niềm hy vọng. Lời này kín đáo đến với chúng ta để làm chúng ta sinh ra trong tự do. Như một sự thinh lặng, chân lý của Lời này sâu xa và chân thực hơn mọi lời lẽ ba hoa: Thiên Chúa là tình yêu, Người là tình yêu, hoàn toàn là tình yêu. Đó là tất cả. Vâng, đúng hơn, Người là tình yêu trọn vẹn mà người ta không thể tưởng tượng. Tình yêu trao hiến, qua một con người, để yêu thương, để hiến mình cho mỗi người, vô điều kiện. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu âm thầm đến với mỗi người. Tình yêu này bắt đầu với những người nam, người nữ đang nghĩ rằng chẳng bao giờ và chẳng ai quan tâm tới họ. Biết bao nhiêu khuôn mặt trong tâm trí chúng ta gợi lên mầu nhiệm của lòng thương xót này. Đó là người bạn trẻ bị xa lánh do sự hung bạo mà anh không thể kiểm soát và khiến anh đau khổ, bởi vì nó thống trị anh đồng thời làm anh kinh sợ. Anh nghe nói rằng anh là một người con được chờ đợi và yêu thương bởi Đấng mà anh từng nghĩ rằng Đấng đó sẽ kết án anh. Đó là các tù nhân ở Norfolk, có được niềm vui, dù đã bị kết án, có lẽ vẫn bị giam trong một thời gian dài, và nhất là từ khi họ biết mình tự do vì được một người Cha tha thứ và đón nhận, trong khi họ không dám tưởng tượng điều đó, thì Người đã đi ra gặp họ. Có người bạn kiệt sức vì cuộc sống, không dám tin vì nghĩ mình đã phản bội, và một ngày nọ, anh phát hiện ra rằng không có lý gì lại xét xử chính mình, nhưng anh có thể sống lại với sự tha thứ, khi nhận ra mình là con Thiên Chúa. Và sau cùng, đó là tất cả chúng ta, anh chị em thân mến, đó là tất cả chúng ta, những người được mời gọi bởi sự thinh lặng trong giờ Chầu của các tù nhân Cadillac. Như những người được mời gọi, cùng với tất cả anh chị em của Chân phước Jean-Joseph, vượt lên những yếu đuối và bất trung, tất cả chúng ta được kêu gọi ngẩng cao đầu để sống như con cái Thiên Chúa.

    Giữa sự thinh lặng của Cadillac, Chân phước Jean-Joseph là một ngôn sứ. Khi làm việc tông đồ cho các nhà tù, cha là ngôn sứ bởi vì cha nói với các tù nhân Cadillac một Lời thương xót và nâng đỡ của Thiên Chúa. Đó là lời loan báo con đường dẫn đến sự sống mới, như chính Chúa Giê-su đã làm cho ông Ni-cô-đê-mô, cho anh mù từ khi mới sinh, cho chị Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, hay cho người phụ nữ Sa-ma-ri. Từ đêm tối Cadillac, Chân phước Jean-Joseph đã là ngôn sứ, thậm chí còn hơn là ngôn sứ nữa, bởi vì cha có đủ can đảm để mời “các phụ nữ bị coi thường” (hèn hạ) trở thành dấu hiệu cho lời hứa về tình bằng hữu với Thiên Chúa. Đó là tình bạn để tất cả chị em có thể sống cùng nhau, không chấp cứ con người, không phán xét, và không đặt điều kiện, ngoại trừ phải kín đáo hết sức nhằm đảm bảo tự do cho mỗi người. Không chỉ là tự do để không bị xét đoán và quy chiếu về quá khứ của họ, mà hơn nữa, đó là tự do để được yêu thương. Nhưng từ giữa các cộng đoàn này – tựa như các cộng đoàn của chúng ta – cha Jean-Joseph vẫn luôn là một ngôn sứ khi nói về sự phục hồi danh dự. Chắc chắn, đó là một lời tin mừng: Chẳng ai có thể đóng khung vĩnh viễn trong hình ảnh xấu xa của chính mình. Trong mức độ lời này là lời tin mừng, nó cũng là một lời mang tính chính trị: Xã hội loài người sẽ ra sao khi không chấp nhận đặt vấn đề trao lại vị trí cho những người mà chính xã hội đó đã loại trừ? Và được gửi tới các xã hội loài người, lời mang tính chính trị này lại trở nên lời ngôn sứ, bởi vì, khía cạnh nào đó, lời ấy nói lên một cách chân thực điều gì là phẩm giá của các xã hội loài người. Khi nói về sự phục hồi của từng nữ tù nhân, cha nói về toàn thể nhân loại được tôn vinh khi đón nhận ơn tha thứ. Trong mức độ đó, khi lắng nghe tình yêu trao hiến như một sức mạnh hiệp thông, đến lượt mình, nhân loại được xem như một dấu hiệu của sự hiệp thông được xây dựng, thành lập, trên tình bạn của Thiên Chúa với con người.

    Tình bạn với Thiên Chúa… Chân phước Jean Joseph nói về thánh Đa Minh rằng thánh nhân muốn sáng lập Dòng Giảng thuyết như một Dòng “bạn của Thiên Chúa.” Và cha nói về Bê-ta-ni-a, công trình mà hôm nay chúng ta tạ ơn, rằng họ sẽ là các chị em Đa Minh hoặc không là gì cả. Hôm nay, cho phép tôi có thể nói, nếu không có Bê-ta-ni-a, một thứ gì đó thiết yếu sẽ bị thiếu trong Dòng Giảng thuyết. Dòng này muốn trở thành một người bạn của con người để loan báo cho họ rằng họ được cứu nhờ tình bạn lớn lao hơn với Thiên Chúa. Dòng cha thánh Đa Minh muốn kín múc sự táo bạo, can đảm cho lời rao giảng của mình nơi suối nguồn của lòng thương xót. Tình bạn đầy xót thương của Thiên Chúa, ngày kia được nhận ra như bằng chứng về sự dịu ngọt, như một tia sáng trong đêm tối, như một ngày ở Cadillac.

    Bruno Cadoré, O.P.

    Tổng quyền Dòng Giảng thuyết

    Giuse Trần Công Thượng, O.P. chuyển ngữ từ lataste2012.org

    Nguồn tin:  https://thinhviendaminh.net/

    Bài viết liên quan