Ngày 20 tháng 6
Chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê
Trinh nữ (1291 – 1351)
1. Tiểu sử
Trinh nữ Ma-ga-ri-ta là một nữ đan sĩ Ða Minh dòng kín Ðô-na-guốt ở Ba-vi-e. Chị đã sống hơn 40 năm tại đan viện Ma-ri-a Mê-đin-gen thuộc giáo phận Âu-bua. Chị là một nhân vật tiêu biểu cho phong trào thần bí rất sống động trong 74 đan viện của Dòng ở nước Ðức vào thế kỷ XIV. Chị sống cùng thời với tu sĩ Hen-ri Xu-xô và Tô-lơ, và được các vị này rất mến phục. Chị tham gia phong trào “những người bạn Chúa” dưới sự hướng dẫn của linh mục Hen-ri Nơ-lin-gen là người có nhiều liên lạc thân thiết với chị.
Nhờ tiểu sử tự thuật của chị hay quyển “nhật ký tâm linh” được viết từ năm 1349, chúng ta biết được cuộc “đổi đời” của chị bắt đầu vào năm 1311, chính cuộc đổi đời này đưa chị đạt tới đỉnh cao của sự hiệp nhất được diễn tả bằng cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa chị với Thiên Chúa. Chị triển khai tiến trình này thành 7 giai đoạn tương ứng với 7 căn phòng trong quyển sách “Lâu đài nội tâm” của thánh Tê-rê-xa A-vi-la.
Ðược tinh luyện trong đau khổ, linh đạo của chị Ma-ga-ri-ta tập trung vào Chúa Ki-tô mà chị luôn suy ngẫm về Người khi cử hành phụng vụ. Ngoài cuốn nhật ký nói trên, người ta còn tìm thấy linh đạo này trong cuốn “Cha ơi !” chứa đựng lời nguyện tha thiết hướng tâm hồn lên Chúa. Một trong những lời khẩn nguyện chị thường hay thưa với Chúa giống như tâm tình của thánh Gio-an và thánh Ða Minh : “Lạy Chúa Giê-su là Chân Lý vẹn toàn, xin tỏ cho con biết chân lý của Ngài.” Cùng với các trường phái tâm linh đương thời, chị đã cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa, Ðấng là nguồn mạch chân lý và bình an ; và sự cảm nhận sâu xa này là nguồn dinh dưỡng cho đời sống tâm linh của chị.
Chị Ma-ga-ri-ta qua đời ngày 20-6-1351 tại đan viện Mê-đin-gen và được an táng tại nguyện đường của đan viện. Ðức Gio-an Phao-lô II đã phong chân phước cho chị ngày 24-2-1979. Từ 600 năm nay, tu viện này chính là nơi tổ chức những cuộc hành hương rất long trọng.
2. Nhật ký tâm linh
Thiên Chúa vẫn không ngừng đi vào lịch sử cuộc đời của mỗi người chúng ta để cùng ta viết nên những giai khúc tuyệt diệu. Những cung điệu tình yêu tuyệt vời ấy có thể được chôn sâu trong cõi lòng, nhưng cũng có thể được diễn tả trong những trang nhật ký. Theo dòng lịch sử Giáo Hội, lịch sử tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, chúng ta bị thu hút bởi cung điệu tình yêu ấy ngang qua các trang nhật ký của các thánh, như: “Tự thuật” của thánh Au-gut-ti-nô, “Đối thoại” của thánh Ca-ta-ri-na, “Lâu đài nội tâm” của thánh Tê-rê-sa A-vi-la, “Một tâm hồn” của thánh Tê-rê-sa Hài Đồng, “Nhật ký tâm hồn” của thánh Giáo Hoàng Gio-an XXIII... Và hôm nay, trong bối cảnh Dòng Đa Minh mừng 800 năm thành lập, chúng ta cùng chiêm nghiệm những cung điệu tình yêu ấy trong “Nhật ký tâm linh” của chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê, một đan sĩ Dòng Đa Minh.
Chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê là một nữ đan sĩ, thuộc đan viện Đô-na-guốt, ở Ba-vi-e. Chị là một nhân vật tiêu biểu cho phong trào thần bí rất sống động trong 74 đan viện của Dòng Đa Minh ở nước Đức vào thế kỷ XIV. Từ năm 1349, chị bắt đầu viết “Nhật ký tâm linh”, ghi lại “cuộc đổi đời” đưa chị đạt đến đỉnh cao của sự hiệp nhất được diễn tả bằng cuộc hôn nhân thiêng liêng giữa chị với Thiên Chúa. Chính sự cảm nhận sâu xa tình yêu với Thiên Chúa, đã là nguồn dinh dưỡng cho đời sống tâm linh của chị.
Cuộc hành trình của chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê tựa như một bản nhạc khiến cho triều thần thiên quốc cùng bao thế hệ nhân thế phải say mê. Thiên Chúa vẫn luôn là một nhà soạn nhạc vĩ đại, vẫn không ngừng viết nên những tình khúc trong tâm hồn con người. Hôm nay, Ngài cũng đang mời gọi chúng ta cùng cộng tác với Ngài để cùng viết nên một thiên tình sử. Mỗi người là một tác phẩm riêng biệt, mà Chúa dẫn dắt theo những lối đi riêng. Điều Ngài mong ước, là chúng ta dám buông mình cho Chúa hướng dẫn trong chính hoàn cảnh và con người hiện tại của mình.
Chân phước Ma-ga-ri-ta đã cảm nghiệm thật sâu sắc tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, ngài cuộn mình trong lâu đài nội tâm và ở đó chỉ một mình ngài với Thiên Chúa như Phu Quân với Hiền Thê trong loan phòng. Ở đó ngài cầu nguyện mật thiết với Chúa. Ngài kinh qua những niềm vui, sự bình an, nỗi niềm khắc khoải, sự thỏa mãn cũng như nỗi thất vọng, sự trống vắng cũng như sự vươn lên tiến gần hơn tới Thiên Chúa. Ở đó ngài nghe tiếng Chúa một cách thân mật hơn, để rồi ngài sẽ thấy rõ hơn những gì đáng được xem là ưu điểm cho cuộc sống của mình. Rồi, ngài để cho Thiên Chúa một lần nữa xáo trộn đời sống của ngài, bằng sự đổi mới toàn diện. Ở đó ngài củng cố cách cầu nguyện để cùng chết với Chúa Ki-tô và cùng sống lại với Ngài trong cuộc sống mới. Ở đó ngài làm cuộc lột xác con người mình qua nhiều thử thách khác nhau, bên trong cũng như bên ngoài, để thấy mình giống Chúa mỗi ngày một hơn. Và cuối cùng cũng chính ở lâu đài nội tâm ngài được diện kiến Chúa Ba Ngôi, và một thị kiến về Chúa Giê-su đang hướng dẫn cuộc hành trình nội tâm này đi tới hồi kết.
Ước gì chúng ta cũng viết nên những trang nhật ký đời mình, trang nhật ký tình yêu chỉ riêng một mình ta với Chúa. Ở đó Chúa thanh luyện và biến đổi ta; ở đó ta say yêu và chỉ tìm kiếm một mình Ngài.
Lạy Chúa, khi đọc lại trang sử cuộc đời của chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê, con thật là ngưỡng mộ và ước ao đỉnh cao mà ngài đã đạt tới, song cũng thấy mình thật quá bé nhỏ, tầm thường. Nhưng khi nhìn lại cuộc đời mình, con ngỡ ngàng nhận ra dấu ấn tình yêu của Chúa để lại trên cuộc đời của con cũng thật quá sâu đậm. Hóa ra, Chúa cũng đang dẫn dắt con đi trên một hành trình tâm linh rất riêng của mình. Con nhận ra cuộc đời con nên cao đẹp, không phải vì đạt được vinh quang hay đỉnh cao mà mình mong ước, nhưng là dám buông mình cho Thánh Ý Chúa, đó chính là lúc con đang đặt chân đến đỉnh cao. Nhờ lời chuyển cầu của chân phước Ma-ga-ri-ta Ép-nê, xin cho con càng cảm nhận sâu xa tình yêu của Chúa mỗi ngày một hơn và cũng bắt chước ngài dám phó mình cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Amen
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 29 | Tổng lượt truy cập: 2,797,842