Chân phước Mát-thêu Ca-rê-ri (08/10)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Gio-an Phan Sinh Ca-re-ri sinh tại Man-tua vào đầu thế kỷ XV. Cha Mát-thêu an nghỉ trong Chúa ngày 5-10-1470.

    Ngày 8 tháng 10

    Chân phước MÁT-THÊU CA-RE-RI

    B. Matthaeus Carreri

    Linh mục (+1470)

     

    1.  Tiểu sử

    Chân phước Gio-an Phan Sinh Ca-re-ri sinh tại Man-tua vào đầu thế kỷ XV. Người có ý định đi tu nhưng không biết theo Dòng nào. Một ngày nọ, khi người đến cầu nguyện trong một nhà thờ của Dòng Anh em Thuyết giáo, người liền bị đánh động bởi các lời Kinh Phụng vụ mà các tu sĩ đang cử hành, nên người rất khao khát trở thành một tu sĩ Ða Minh. Vị tu viện trưởng lập tức trao tu phục cho người và đặt cho người tên mới là Mát-thêu.

    Cha Mát-thêu đã trải qua nhiều cuộc hành xác và ngã bệnh trầm trọng. Sau khi được chữa lành, người mới cảm nhận được rằng, sống tuân phục còn có giá trị hơn tất cả những hình thức sống nhiệm nhặt, và từ đó người chủ tâm sống tuân phục với lòng khiêm nhường và đời sống kinh nguyện.

    Lời giảng thuyết hùng hồn của cha có sức mạnh lôi kéo nhiều người quay về nẻo chính đường ngay. Cung cách giảng thuyết của cha luôn hàm chứa nhiều điều rất thú vị. Thật vậy, vào một ngày lễ ở Xô-ri-nô, cha nhận thấy phần đông tín hữu hoàn toàn lơ là với việc đi dâng lễ. Ðể cử hành thánh lễ, cha ra lệnh đổ chuông cho tới khi quy tụ được đông đảo các tín hữu và cha đã giảng một bài hết sức cảm động đến nỗi mọi người đều tỏ lòng thống hối và hứa sẽ cải thiện đời sống. Một lần khác tại Vi-gie-va-nô, nhằm ngày lễ thánh Mác-cô, một gánh hát rong đến trình diễn những trò giải trí thiếu lành mạnh. Cha cũng đến vùng này và cố gắng can ngăn họ, người ta thấy cha hoàn toàn không cầm bất cứ một thứ võ khí nào, bỗng dưng những người hát rong lại bị một trận đòn chí tử. Thế là họ bị đả thương : quận công vùng Mi-lăng cho mời cha đến và quy tội cho cha. Thế nhưng, cha Mát-thêu đã giảng giải cho quận công nghe hợp lý đến mức ông phải chứng nhận rằng cha vô tội và còn xin cha cầu nguyện cho ông nữa. Thỉnh thoảng, cha cũng góp phần tạo nên những cuộc đổi đời thật bất ngờ, chẳng hạn như trường hợp công chúa Lu-xin Xon-xi-nô vốn nổi tiếng là một nhân vật sống phóng đãng, sau khi nghe lời giảng của cha Mát-thêu, chị đã thực sự được biến đổi, thế là chị xin gia nhập Dòng Ba Ða Minh và tha thiết sống một đời sống nhiệm nhặt.

    Hơn nữa, cha cũng góp phần cải tổ được nhiều tu viện cần được canh tân để thích nghi với cuộc sống. Cha còn rảo khắp các vùng Li-gu-ri, Tốt-can-na, liên bang Vê-nê-di-a để mở rộng biên cương thi hành trách vụ rao giảng Lời Chúa.

    Cha trải qua những năm cuối đời tại tu viện Vi-giê-va-nô, cha đã hứa với anh em rằng sau khi qua đời, cha sẽ phù trì cách đặc biệt cho tu viện. Chắc chắn cha đã giữ lời hứa, bởi vì cộng đoàn này luôn luôn sống nhiệt thành và sản sinh ra nhiều tu sĩ danh giá, trong đó, nổi bật nhất là thánh giáo hoàng Pi-ô V. Cha Mát-thêu an nghỉ trong Chúa ngày 5-10-1470.

    2.  Để lời giảng có sức mạnh

    Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thổ lộ: "Tôi còn nhớ ca khúc này là sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì mà tôi cảm nhận được từ cuộc đời của tôi, của mọi người. [...] Điều này đã ám ảnh tôi từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chỉ đến khi viết được những câu hát như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng. Ý tưởng này quanh quẩn trong tôi nhiều năm và chỉ được giải toả khi sáng tạo vụt đến và bật thành những giai điệu..."[1] Với gần 600 ca khúc, Trịnh Công Sơn đã làm say mê hàng triệu trái tim của các thế hệ. Thành công đó, một phần là do những ca từ của ông đã được viết nên từ những chiêm nghiệm lâu dài trong cuộc sống.

    Câu chuyền về Trịnh Công Sơn gợi ta nhớ về hình ảnh của một vị chân phước cũng đã từng viết nên ca khúc cuộc đời và những bài giảng thuyết hùng hồn, qua hàng triệu phút giây chiêm niệm và cảm nhận về Thiên Chúa trong cuộc sống. Men theo lối ngõ ấy, chúng ta cùng tìm đến Man-tua vào thế kỷ XV để gặp gỡ cuộc đời của vị chân phước tên là Gio-an Phan Sinh Ca-rê-ri.

    Gio-an Phan Sinh Ca-rê-ri rất muốn dâng mình cho Chúa trong đời sống tu, nhưng cậu chưa biết nên tu dòng nào. Vào một ngày nọ, cậu đến cầu nguyện trong nhà thờ của dòng Đa Minh, cậu đã bị thu hút bởi những cung điệu của giờ kinh phụng vụ đầy sốt sắng nơi tu viện. Chính lúc ấy cậu đã tìm được ơn gọi của mình. Lý tưởng của cậu giờ đây đã rõ, vị tu viện trưởng đã nhận cậu vào dòng và đặt tên cho cậu là Mat-thêu. Cậu đã dong duổi theo Đức Ki-tô trong sứ vụ giảng thuyết của dòng này kể từ ngày ấy.

    Cuộc kiếm tìm vẫn chưa dừng lại ở đó, Mat-thêu Ca-rê-ri còn phải tiếp tục chọn lựa và phân định nhiều trong cuộc sống và ơn gọi. Ngài hiểu rằng, sống tuân phục thì giá trị hơn những hình thức nhiệm nhặt hành xác. Từ đó trở đi, ngài chủ tâm sống tuân phục với lòng khiêm nhượng và cầu nguyện chuyên chăm.

    Cha Mat-thêu Ca-rê-ri xác tín rằng: chính sự suy tư, nghiền ngẫm từng biến cố cuộc đời dưới ánh mắt của Thiên Chúa đã tạo nên sức mạnh cho những lời ngài giảng. Lời giảng của ngài có sức mạnh lôi kéo nhiều người quay trở về nẻo chính đường ngay. Cung cách giảng thuyết của ngài luôn hàm chứa nhiều điều thú vị, vì chính ngài đã sống.

    Chúa Giê-su đã dạy: “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra”[2]; còn Ngạn ngữ Anh thì nói: “Nếu trái tim bạn là một đóa hồng, miệng bạn sẽ thốt ra những lời ngát hương”. Trái tim của chúng ta sẽ là một đóa hồng tươi thắm nếu biết uống no say những giọt sương thơm mát từ Thần Khí của Thiên Chúa. Những giọt sương ấy là chân lý và tình yêu, điều mà mỗi ngày sống ta phải kiên trì chọn lựa để chỉ thuộc về Chúa và chỉ nói về Chúa mà thôi.

    Thực tế cho thấy rằng, việc giảng truyền hiệu quả không chỉ nằm ở lời nói nhưng còn nằm trong cốt cách của con người. Lời nói sẽ thâm thúy hơn khi nó là kết quả của một cuộc suy tư lâu dài; lời nói sẽ có giá trị hơn nếu được sản sinh từ kinh nghiệm thực hành của bản thân; lời nói sẽ thuyết phục hơn khi được minh chứng bằng cả đời sống. Hãy biến mọi biến cố trong cuộc đời làm chất liệu suy gẫm và là nội dung cho lời thuyết giảng: từ đắng cay sầu muộn, từ tình yêu nồng thắm, từ thao thức trở trăn, thậm chí cả khi đức tin rơi vào trong lũng tối… tất cả sẽ là những dữ liệu đắt giá phục vụ cho lời giảng của bạn. Hãy suy tư, phân định và chọn lựa, và hãy nói với thế giới về những chọn lựa ấy bằng ngôn ngữ của hành động, để lời nói của chúng ta cũng góp phần đổi thay và dựng xây thế giới.

    Cuộc đời dẫu lắm khúc quanh,
    Lòng con rộn rã âm thanh không lời.
    Gẫm suy, chiêm niệm suốt đời,
    Nguyện tình loan báo nét ngời yêu thương.
    Dù trong thinh lặng nên gương,
    Hồn con vẫn hát muôn phương Lời Ngài,
    Xếp gom từng phút đường dài,
    Con xin giảng thuyết, tình Ngài (là) đời con.

    Lạy Chúa là nguồn mạch khôn ngoan và chân lý đích thật. Chúa trao cho con sứ mạng loan báo Lời Chúa. Xin thanh luyện con để lời con nói thấm đượm sức mạnh Lời Chúa. Xin thêm sức cho con để con dám sống theo những đòi hỏi của Lời Chúa, lời mà luôn ở trong cõi lòng và trên môi miệng của con. Amen.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

     

    [1] Trích lại từ bài viết của Hoàng Nhật Mai, Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ, nguồn Internet - Tưởng nhớ Trịnh Công Sơn - 'Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ!'
    [2] Mt 12,34.
    Bài viết liên quan