Chân phước Tê-pha-nô Ban-đe-li, Linh mục (12.6)

  • 15/01/2023 18:39
  • Cha Tê-pha-nô sinh năm 1369 tại Cát-ten-nu-vô, thuộc miền Bắc nước Ý. Người qua đời tại Xa-lu-xê năm 1450. Ðức giáo hoàng Pi-ô IX đã tôn phong người lên hàng chân phước năm 1856.

     

    Ngày 12 tháng 6

    Chân phước Tê-pha-nô Ban-đe-li

    Linh mục (1369-1450)

    1.  Tiểu sử

    Cha Tê-pha-nô là một trong những nhà giảng thuyết nổi tiếng ở thế kỷ XV. Người sinh năm 1369 tại Cát-ten-nu-vô, thuộc miền Bắc nước Ý, gia nhập Dòng Ða Minh tại miền Pê-xăng. Vốn là một người siêng năng cầu nguyện và miệt mài đèn sách, người tốt nghiệp tiến sĩ giáo luật và giảng dạy tại đại học ở Pa-vi-a từ năm 1427.

    Người là một nhà giảng thuyết nổi tiếng có tài hùng biện và nhiệt thành đến nỗi thính giả coi người như là một “Phao-lô mới”. Khi người đặt chân đến vùng nào, đông đảo quần chúng tuốn đến để nghe người giảng dạy. Người cảm hóa và dẫn đưa nhiều tội nhân trở về với Chúa.

    Người qua đời tại Xa-lu-xê năm 1450, hưởng thọ 81 tuổi.

    Bốn mươi năm sau, Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a và chân phước Tê-pha-nô đã hiện ra trên bầu trời để giúp dân thành Xa-lu-xê chống trả cuộc vây hãm của quân thù và thành phố đã được giải phóng. Từ đó, lòng tôn kính người được phổ biến rộng rãi. Ðức giáo hoàng Pi-ô IX đã tôn phong người lên hàng chân phước năm 1856.

     

    (Hình minh họa cuộc đời thánh Tổ phụ Đa Minh)

    2.  Hãy đi đến vùng ngoại biên

    Ngày 14/4/2016 trang mạng của Đài phát thanh Va-ti-can đưa tin: Tại giáo phận Ca-li, tây nam Cô-lôm-bi-a, có cộng đoàn gồm 65 nữ tu dấn thân truyền giảng Tin Mừng qua phương tiện truyền thông xã hội. Cộng đoàn gồm các nữ tu yêu thích âm nhạc và ao ước rao giảng về Thiên Chúa bằng quà tặng tài năng mà Thiên Chúa ban cho họ. Nữ tu Ma-ri-a Vic-to-ri-a cho biết: “Sứ vụ tông đồ của các chị là loan báo Tin Mừng qua càng nhiều phương tiện càng tốt”.

    Quả thật, nhóm nữ tu này đã mở ra một cách thế truyền giáo mới. Đúng như lời đức thánh cha Phan-xi-cô kêu gọi: “…Chúng ta hãy nhìn sứ mạng đến với muôn dân như là một công việc quan trọng, lớn lao của lòng thương xót, cả về mặt tinh thần lẫn vật chất… Tất cả chúng ta đều được mời gọi để “đi ra” như là những môn đệ truyền giáo, mỗi người hãy dùng những tài năng, sự sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình cách đại lượng để mang lại thông điệp của sự dịu dàng và thương cảm của Thiên Chúa cho toàn thể gia đình nhân loại.”[1]

    Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Sống trong lòng Giáo Hội, mỗi Kitô hữu đều được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người ở mọi nơi. Chiêm ngắm chân phước Tê-pha-nô Ban-đê-li, người được mệnh danh là "Phaolo mới", chúng ta xin ngài phù trợ, để chúng ta được tiếp thêm sự nhiệt thành, biết hy sinh quên mình và sẵn sàng bước đến những vùng ngoại biên bằng những phương cách sáng tạo.

    Tê-pha-no Ban-đe-li sinh vào năm 1369 tại Cát-ten-nu-vô, thuộc miền Bắc nước Ý. Là một tu sĩ Đa Minh có lòng đạo đức, đời sống cầu nguyện cùng việc siêng năng học hành. Cha tốt nghiệp tiến sĩ giáo luật và đã giảng dạy tại đại học ở Pa-vi-a; đồng thời trở thành nhà giảng thuyết nổi tiếng có tài hùng biện. Đón nhận bước khởi đầu thành công và thuận lợi, cha Tê-pha-no tiếp tục nhận lãnh những thành quả tiếp theo, khi làm mới những ý tưởng truyền giáo, kết hợp với khả năng Chúa ban để làm cho đời sống tinh thần của nhiều người ở nhiều nơi đổi thay, nhất là các tội nhân được cảm hóa trở về với Chúa.

    Cha Tê-pha-nô Ban-đê-li đã "ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng ‘ngoại vi’ đang cần ánh sáng Tin mừng". Hơn thế nữa, cha đã nên nhân chứng sống động cho những bước chân truyền giảng Tin Mừng trên mọi nẻo đường.

    Cuộc đời nơi dương thế của cha Tê-pha-no Ban-đe-li khép lại nhưng đã mở ra cho hậu thế luồng ánh sáng mới về việc truyền giáo. Giờ đây, việc truyền giáo không chỉ bằng những phương thức cổ điển, không chỉ bó hẹp trong sự khép kín của việc cử hành Phụng vụ hay Bí tích nhưng là sự rộng mở, đi sâu, đi xa vào đời sống xã hội với những phương tiện hiện đại, đồng thời sử dụng cả những hình thức văn hóa, nghệ thuật nữa.

    Chiêm ngắm chân phước Tê-pha-nô Ban-đê-li, chúng ta tìm ra những lời giải đáp thỏa đáng dựa trên nền tảng là lòng trắc ẩn, lối sống đạo đức cùng những hành động bác ái. Thật thế, hãy duy trì những "nhóm cơm sạch", "nhóm bảo vệ môi sinh", "nhóm nhạc Công Giáo", “nhóm bảo vệ sự sống”, nhóm phát triển cộng đồng”... đang được thực thi. Hãy dùng tấm lòng và đi đến với chính môi trường ta đang sống, đang làm việc hay học hành... bởi đó là những phương thế sống động thể hiện cho hành trình truyền giáo không mệt mỏi và đầy sáng tạo. Hãy luôn ý thức: mọi người đều được mời gọi đi đến những vùng ngoại biên trong trách vụ và khả năng của mình. Thay đổi tầm nhìn, làm mới hướng đi và có những sáng kiến phù hợp giúp ta cùng với Giáo Hội truyền rao Tin Mừng, đồng thời hòa nhập vào những thay đổi của thời đại mà không bị hòa tan vào bất cứ một xu thế nào.

       Lạy Chúa, xin làm mới đôi tay của con để con quảng đại đón lấy mọi người. Xin làm mới đôi chân của con để con không chùn bước trước những vùng đất khó khăn và những con người nghèo khổ. Xin làm mới tâm trí của con để những dự tính của con mưu ích cho Giáo Hội và xã hội. Xin làm mới toàn thân của con bằng Trái Tim của Chúa, để con mang Tin Mừng yêu thương đến khắp mọi nơi. Nhờ lời chuyển cầu của chân phước Tê-pha-no Ban-đê-li, xin cho con nhiệt tâm truyền rao Tin Mừng của Chúa trong khả năng và trong môi trường con sống từng ngày. A-men

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/

    Bài viết liên quan