Thánh Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm (Vọng)
S. Hieronymus Hermosilla
(1800-1861)
1. Tiểu sử
"Người cao lớn, mũi dài râu rậm, cặp mắt tinh anh và hơi xám, nước da trắng trẻo, khuôn mặt phương phi..." (Ðó là đôi nét về vị anh hùng tử đạo Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la).
Cậu Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la sinh ngày 30-12-1800 tại Xanh Ða Minh nước Tây Ban Nha.
Năm 15 tuổi, cậu theo học ở chủng viện thuộc giáo phận Va-len-xi-a do các cha Dòng Ða Minh phụ trách. Ðến năm 19 tuổi, cậu lãnh tu phục Dòng Ða Minh. Nhưng năm sau (1820), nước Tây Ban Nha có loạn nên các chủng viện đều phải đóng cửa. Thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la rời nhà dòng trở về tham gia quân đội. Sau ba năm (1823), khi vua Phéc-nan-đô khôi phục lại quyền bính. cậu Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la quay trở lại nhà dòng, vào tập viện và khấn dòng ngày 29-10-1823.
Năm 1824, thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la lên đường sang Viễn Ðông truyền giáo theo lời mời gọi của tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi (Ma-ni-la).
Năm 1826, thầy Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la lãnh tác vụ linh mục và làm giám đốc hội Mân Côi.
Năm 1828, cha tình nguyện sang Việt Nam truyền giáo và người đã đến miền Bắc vào ngày 2-5-1829 và lấy tên là Vọng. Vào thời đó, dưới sự cấm đạo gay gắt của vua Minh Mạng, cha phải hoạt động trong bí mật. Sang đến thời vua Thiệu Trị, các cuộc bách hại đạo đỡ gay gắt hơn nhưng vẫn có một số thừa sai bị bắt nên cha vẫn phải ẩn trốn.
Ngày 25-4-1841, cha được tấn phong giám mục tại một căn hầm bí mật ở Phúc Nhạc do đức cha Rê-tô Liêu chủ sự. Lúc này, tên của người đổi thành Liêm để tránh sự theo dõi của quan quân triều đình. Nhờ sự khôn ngoan và lòng can đảm của người mà số tín hữu ngày càng thêm đông.
Mười năm cuối đời của người quả là long đong vất vả. Ðó là vào thời vua Tự Ðức cai trị, vua ra chiếu chỉ cấm đạo khiến máu các vị tử đạo lại đổ xuống. Người đã bị bắt lần đầu vào năm 1856 trong khi đang đi kinh lý xứ Hữu Bàng và phải chuộc mất 300 quan tiền.
Ðến năm 1859, trước tình hình cấm đạo gay gắt, người lại một lần nữa phải đổi tên là Tuấn để khỏi bị lộ, nhưng người vẫn không thể thoát khỏi tay quan quân triều đình.
Ngày 21-10-1861, người bị bắt lần thứ hai và bị xử tử hình tại pháp trường Năm Mẫu vào ngày 1-11-1861. Thi hài của người được bọc trong chiếc khăn và chôn tại chỗ ; còn thủ cấp được treo ở bến đò Hàn ba ngày, sau đó giáo dân đưa về an táng tại Thọ Ninh, cuối cùng, di về Ðền Các Thánh Tử Ðạo Hải Dương.
Ðức thánh cha Pi-ô X suy tôn đức cha Giê-rô-ni-mô Héc-mô-xi-la Liêm lên bậc chân phước ngày 20-5-1906. Ngày 19-6-1988, đức thánh cha Gio-an Phao-lô II suy tôn người lên bậc hiển thánh.
2. Giáo Hội Việt Nam ghi ơn Ngài
Khi nói về các vị thừa sai đã đổ máu đào trên quê hương Việt Nam để đem Tin Mừng đến cho dân Việt, chúng ta không thể không nói đến ba vị thừa sai lỗi lạc và can đảm nhất trong lịch sử Giáo Hội Việt Nam đó là: đức cha Héc-mô-xi-la Liêm, đức cha Stê-pha-nô Thể và đức cha Rê-tô Liêu. Đây là ba cột trụ nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn bách hại. Riêng thánh giám mục Héc-mô-xi-la Liêm luôn đứng đầu sổ truy nã của ba triều vua. Tuy nhiên, ngài đã hoàn thành sứ mệnh truyền giáo cách xuất sắc.
Từ nhỏ, cậu được theo học với các cha dòng Biển Đức, nhưng duyên kỳ ngộ đã đưa cậu đến với dòng Đa Minh. Cậu được lãnh tu phục năm 19 tuổi. Sau khi khấn dòng năm 24 tuổi, thầy Héc-mô-xi-la và 11 tu sĩ cùng Dòng tình nguyện đi truyền giáo ở Viễn Đông và đã đến Ma-ni-la. Tại đây, ngài được thụ phong linh mục. Năm 28 tuổi, ngài tình nguyện đến Việt Nam cùng với ba thừa sai Pháp. Tháng 4/1841, ngài làm Đại diện Tông Tòa và được tấn phong giám mục.
Dưới thời vua Thiệu Trị, tình thế bắt hại đạo tạm lắng. Đức cha Liêm đã cho tu sửa các nhà thờ bị tàn phá, mở lại các trường dạy giáo lý, tổ chức các tuần đại phúc, phát động chương trình lần hạt mân côi, lập lại các chủng viện, khôi phục lại các nhà dòng, đào tạo linh mục.
Ngài để lại cho các giáo phận dòng ở miền Bắc Việt Nam một nét đẹp văn hóa đó là: Năm 1844, ngài mở lễ kính thánh Đa Minh rất trọng thể. Các linh mục tu sĩ, giáo dân thay nhau về Nam Am suốt tám ngày liền. Họ gặp nhau chia sẻ tin tức và kinh nghiệm sống đạo của mình. Thánh lễ đại trào duy nhất của đức cha Liêm, sau này đã trở thành tập tục "Lễ Đầu Dòng" trong giáo phận. Ngày 22/8/1844 tại Đông Xuyên, đức cha Liêm rửa tội cho 44 người lớn, trong đó có một chánh tổng, một phó tổng, tám lý trưởng, một thầy cúng.
Công việc đáng ghi nhớ nhất là ngài đã xin Tòa Thánh cho phân chia giáo phận thành hai: giáo phận Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu và Thái Bình) và giáo phận Đông Đàng Ngoài (Hải Phòng).
Ngài đang đổ công sức xây dựng Giáo Hội Việt Nam, thì cuộc bách hại đạo của vua Tự Đức bắt đầu. Nếu hình ảnh ba cây thập giá trên đồi Can-vê xưa, ở đó Chúa Giê-su bị án oan giữa hai tên trộm làm cho nhiều người qua lại dừng chân; thì hình ảnh thương tâm của ngày 01/11/1861 đã khắc sâu trong lòng giáo dân Việt Nam – ba vị truyền giáo cùng quê hương Tây Ban Nha: đức cha Héc-mô-xi-la Liêm, đức cha O-choa Vinh và cha A-ma-tô Bình cùng bị nhốt trong cũi, cùng bị trói vào cột và cùng bị chém đầu sau một tiếng trống.
Đức cha đã nằm xuống, nhưng chân lý ngài đã truyền giảng, phong thái và nhiệt tâm của ngài vẫn sống mãi trong các tín hữu và hàng giáo sĩ của Giáo phận. Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI từng nhắc nhở các vị mục tử trong Giáo Hội rằng: ngày nay người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy và nếu có là thầy dạy thì cũng phải là những chứng nhân. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội Việt Nam của chúng ta đang cần những vị mục tử nhân lành, dám sống và dám chết và nên gương mẫu cho đoàn chiên của mình. Chiêm ngắm gương thánh giám mục Héc-mô-xi-la Liêm, chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã xây dựng Giáo Hội bằng cuộc hiến tế của Chúa. Bởi thế chúng con vững tin rằng không có một thế lực trần gian nào có thể làm hủy hoại hay triệt phá Giáo Hội được. Trong lòng tin đó, xin Chúa ban cho Giáo Hội Việt Nam thân yêu của chúng con có được những vị mục tử nhân lành dám sống và làm chứng cho chân lý của Chúa. Xin cho các ngài luôn biết lấy Lời Chúa mà bảo ban dạy dỗ; lấy chính đời sống đạo hạnh làm đuốc soi đường cho đàn chiên tiến về quê hương vĩnh cửu; lấy tình yêu mục tử mà đối xử với đàn chiên và nhất là dám can đảm hy sinh để bảo vệ đàn chiên trước những thế lực xấu xa đang tìm cách bách hại Giáo Hội.
Chúng con cũng nài xin Chúa ban cho chúng con lòng trung thành đối với Giáo Hội và sự tuân phục đối với các đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên làm người mục tử chăm sóc chúng con. Amen
Đa Minh Thái Bình, tổng hợp
Tham khảo nguồn tin: https://hddmvn.net/
http://daminhrosalima.net/
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH THÁI BÌNH
Đang online: 82 | Tổng lượt truy cập: 4,233,368