Thánh Phan-xi-cô Côn-ghi-ta (19.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Thánh Phan Sinh Côn Ghi-ta sinh ngày 12.5.1812, tại làng Gôm-bơ-rê-ni, thuộc giáo phận Vi-xen-xơ, nước Tây-Ban Nha. Người bị mù và qua đời tại Vic, ngày 02.4.1875. Đức Gio-an Phao-lô II đã long trọng ghi tên người vào hàng chân phước, ngày 29.4.1979.

     

    Ngày 19 tháng 5

    Thánh Phan-xi-cô Côn Ghi-ta

    S. Franciscus Coll

    Linh mục (1812-1875)

    1.  Tiểu sử

    Thánh Phan Sinh Côn Ghi-ta sinh ngày 12.5.1812, tại làng Gôm-bơ-rê-ni, thuộc giáo phận Vi-xen-xơ, nước Tây-Ban Nha. 

    Phan-xi-cô Côn là con thứ 10 và là con út của một gia đình làm nghề chải len, sống ở vùng quê, làm giáo viên tiểu học.

    Năm 1830, Phan-xi-cô lãnh tu phục Dòng Đa Minh tại Ghê-rô-na, rồi khấn trọng thể và ở lại tu viện đó cho tới khi lãnh chức phó tế. Năm 1835, chính quyền đóng cửa học viện tại Ghê-rô-na và phân tán các sinh viên Đa Minh. Từ ngày đó cho đến chết, Phan-xi-cô vẫn trung thành với ơn gọi Đa Minh một cách anh hùng, mặc dù không được nâng đỡ bằng đời sống cộng đoàn Đa Minh.

    Năm 1836, thể theo ý định của các Bề trên, Phan-xi-cô thụ phong linh mục, được cử phục vụ một giáo xứ, nhưng sau đó, vì hăng say việc tông đồ, người hiến thân vào việc giảng thuyết lưu động, cùng với bạn đồng hành là thánh An-tôn Cơ-la-rê. Tận lực giúp đỡ giáo dân thuộc Dòng Ba, người thiết lập nữ tu hội – sau này gọi là Tu hội Truyền Tin – chuyên giáo dục thiếu niên.

    Người bị mù và qua đời tại Vic, ngày 02.4.1875.

    Đức Gio-an Phao-lô II đã long trọng ghi tên người vào hàng chân phước, ngày 29.4.1979.

     

    2.  Hãy để Thần khí hướng dẫn

    Giáo Hội là truyền giáo. Qua mỗi giai đoạn lịch sử, việc thực thi sứ vụ truyền giáo luôn có những khó khăn. Con đường mà Thầy Chí Thánh đã đi, mỗi người chúng ta cũng sẽ phải trải qua mà không loại trừ thập giá. Vì thế, để kiên trì dấn bước với lòng nhiệt huyết thôi thì chưa đủ, ta còn cần đến nguồn trợ lực từ Chúa Thánh Linh. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Để giữ cho lòng nhiệt thành truyền giáo luôn sống động, phải vững tin vào Chúa Thánh Thần, vì chính Ngài ‘đến trợ giúp những yếu đuối của chúng ta’ (Rm 8,26). Sự tin tưởng phó thác này cần được nuôi dưỡng, vì thế phải luôn kêu cầu Người. Người có thể chữa lành những gì làm chúng ta mệt mỏi trong sự dấn thân truyền giáo[1]. Vâng, Chúa Thánh Linh là nguồn sức mạnh kì diệu giúp chúng ta dấn thân không mệt mỏi. Ngài cũng chính là nguồn trợ lực siêu việt giúp ta có thể khám phá ra sứ mạng ngang qua cuộc đời của thánh Phan-xi-cô Côn-ghi-ta.

    Thánh Phan-xi-cô Côn-ghi-ta sinh ngày 12/5/1812, tại Gôm-bơ-rê-ni, thuộc giáo phận Vi-xen-xơ, Tây Ban Nha. Ngài là một tu sĩ Dòng Giảng Thuyết. Năm 24 tuổi, ngài lãnh tác vụ linh mục. Từ đó trở đi, ngài trở thành một linh mục truyền giáo nhiệt thành theo gương các Thánh Tông Đồ. Ngài không ngừng đi khắp các thành phố để loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho hết thảy mọi người. Có thể nói, cuộc đời của ngài đã làm nổi bật nét đặc sủng của ơn gọi Đa Minh đó là truyền giáo.

    Tu sĩ Đa-mi-en Bơ, Bề trên Tổng Quyền của Dòng Đa Minh đã phát biểu trong buổi lễ phong chân phước cho cha Phan-xi-cô như sau: “Cả cuộc sống của Cha Phan-xi-cô được cống hiến cho việc rao giảng Lời Chúa, bước chân người đã in dấu trên những chặng đường sứ vụ ở Ca-ta-lô-nha để rao giảng Phúc Âm trong các làng mạc...” Người tu sĩ linh mục nhiệt tâm cho sứ vụ giảng thuyết ấy đã qua đời ngày 2/4/1875. Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II đã tôn phong ngài lên bậc chân phước ngày 29/4/1979. Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI đã tôn phong ngài lên hàng hiển thánh ngày 11/10/2009.

    Quả thực, con đường truyền giáo của chân phước Phan-xi-cô ngập tràn những khó khăn, thế nhưng ta lại thấy nơi ngài một sự tiến bước dấn thân không mệt mỏi. Chúng ta tin và khám phá ra rằng: Chúa Thánh Linh luôn đồng hành, hướng dẫn và trợ giúp ngài. Quả đúng như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: “Chúa Thánh Thần chuyển trao sức mạnh để rao truyền sự mới mẻ của Tin Mừng một cách can đảm, lớn tiếng, mọi nơi mọi lúc, dù phải lội ngược dòng.”[2]

    Chắc chắn Giáo Hội luôn cần và luôn có những nhà truyền giáo hoạt động với sứ vụ đặc thù. Tuy nhiên, mỗi chúng ta vẫn phải là những tông đồ giáo dân nhiệt thành, vui tươi, quảng đại và can đảm làm chứng tá niềm vui Tin Mừng, khi ta mang lấy “linh hồn của Giáo Hội truyền giáo” là chính Chúa Thánh Linh.

    Đức Thánh Cha đã chia sẻ: “Không có tự do nào lớn hơn khi để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, khi từ bỏ mọi thứ tính toán kiểm soát. Hãy để Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, định hướng và dẫn chúng ta đến nơi Người muốn. Người biết chúng ta cần gì ngay trong mỗi thời đại và giây phút này.”

    Bạn thân mến! Chúng ta cùng ngắm nhìn gương truyền giáo của thánh Phan-xi-cô Côn-ghi-ta, để nhắc nhở chính bản thân về sứ vụ tông đồ mà ta đã được trao ngay từ khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Ta hãy cùng ngài tha thiết dâng lên Ngôi Ba Thiên Chúa những lời nguyện xin, để cả cuộc đời ta được trở nên tông đồ nhiệt thành, mang trong mình “linh hồn truyền giáo” là chính Chúa Thánh Linh.

    Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài đến với chúng con. Xin mang lửa tình yêu của Ngài, đốt nóng lên nơi trái tim nhỏ bé, hạn hẹp của chúng con ngọn lửa của tình mến, của lòng hăng say nhiệt thành vì Đức Ki-tô. Xin Ngài luôn là Người Bạn cùng đồng hành, cùng chia sẻ và trợ giúp chúng con. Xin dạy chúng con, luôn biết trân quý và sống tốt tình bạn với Ngài.

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  http://daminhrosalima.net/

    https://kinhsach.thinhviendaminh.net/

     


    [1] Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” số 20.

    [2] Tông huấn Niềm vui Tin Mừng số 259.

    Bài viết liên quan