Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi (28.5)

  • 15/01/2023 18:39
  • Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Bê-nha-xi là một nữ tu dòng ba Đa Minh, vùng Phi-ren-xê, vào thế kỷ XVI. Chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô qua đời năm 1577. Năm 1804, Ðức Pi-ô VII đã tôn phong chân phước cho chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô.

     

    Ngày 28 tháng 5

    Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi

    B. Maria Bartholomaea Bagnesi

    Trinh nữ (1514-1577)

    1.  Tiểu sử

    Trinh nữ Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Ba-nhê-xi là một nữ tu thuộc Dòng Ba Ða Minh vùng Phi-ren-xê ở thế kỷ XVI. Dù sống trong hoàn cảnh lam lũ cùng cực, chị vẫn giữ được cá tính vui tươi và hồn nhiên. Chị Ma-ri-a là môt cô bé mặn mà, nhí nhảnh, vui tươi, rất xinh đẹp với giọng nói trong trẻo.

    Khi tiếp xúc với những người bạn rơi vào tâm trạng phiền muộn, chị thường khuyên họ : “Hãy vui lên!” – “Tôi không thể…” “Thôi mà, mọi chuyện sẽ ổn thôi ! Ðây là một phương thuốc xoa dịu những nỗi buồn của bạn đấy, bởi lẽ khi bạn sống vui, bạn không chỉ là niềm vui cho chính mình mà còn mang niềm vui đến người khác nữa đấy !”

    Thân mẫu qua đời khi chị được 17 tuổi, nên chị phải quán xuyến tất cả mọi công việc nội trợ. Năm 18 tuổi, thân phụ muốn chị lập gia đình. Thình lình chị ngã bệnh, một thầy thuốc đến chữa bệnh cho chị đã dùng một phương pháp thật quái ác, hắn bảo chị nằm lên trên một tấm nệm đã được tẩm a-xít ! Chị đã bị phỏng giống như vị thánh Ba-tô-lô-mê-ô bổn mạng của mình, dù vậy, chị vẫn kịp nhảy ra khỏi nệm để thoát chết. Từ đó trở đi, chị phải mang dị tật này suốt đời.

    Mặc dù đang nằm bệnh, chị vẫn được tiếp nhận vào Dòng Ba Ða Minh, nhưng phải đợi đến năm 33 tuổi, chị mới được khấn dòng. Bệnh trạng của chị dần dần thuyên giảm và chị đã bắt đầu đi lại được. Thật hạnh phúc biết bao khi chị được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên.

    Nhưng chẳng bao lâu, căn bệnh lại tái phát và tiếp tục đeo đuổi chị suốt những năm tháng còn lại. Chị bị liệt và chịu nhiều thử thách trên chiếc xe lăn. Dầu vậy, chị đã không một lời than trách khi phải đối diện với cung cách cư xử thiếu tế nhị của người giúp việc. Tất cả những ai đến thăm chị đều nhận được sự an ủi, cảm thông, và hoán cải. Ai ai cũng cảm thấy nơi chị luôn thấm đượm một tính cách tươi trẻ hồn nhiên, chan hòa và nhân ái.

    Chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô qua đời năm 1577. Theo như nguyện ước của chị, các tu sĩ Thuyết giáo thuộc tu viện thánh Ma-ri-a Nu-ven đã chuyển thi hài của chị về đan viện thánh Ma-ri-a A-nê thuộc dòng Cát-minh. Một đoàn người đông đảo nối đuôi nhau từ dinh thự Ba-nhê-xi tiến về Phi-o-rê, băng qua cầu Vếch-ki-ô cho đến Bo-gô Xan Phơ-rê-đi-a-nô để tiễn đưa chị. Năm 1804, Ðức Pi-ô VII đã tôn phong chân phước cho chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô.

    2.  Học cách dùng lời

    Ngày 11.5.2016 trang mạng báo Tuổi Trẻ đăng bài “Ngòi bút có độc[1]. Bài viết này nói về một số bài báo, do các phóng viên trước đây đưa tin sai sự thật, làm người dân ở Đồng Bằng sông Cửu Long điêu đứng, xoài đến ngày thu hoạch không bán được, và nếu có bán được thì xoài cũng rớt giá rất thấp. Biết bao người dân đau khổ vì ngòi bút có độc đó. Trước đó, ngày 03.5.2016[2], kênh truyên hình VTV3 cho phát phóng sự "Cây chổi quét rau" trong chương trình Café sáng, phóng sự bịa ấy cũng đã làm điêu đứng người dân trồng rau. Vài ngày sau, người dân đã đòi phóng viên viết bài phải xin lỗi và tường trình việc làm sai trái của mình, đồng thời phải đền bù theo quy định của pháp luật. Những thông tin sai sự thật đã tác hại ghê gớm cho xã hội biết bao.

    Lời nói của mỗi người cũng thế, hình như nó “chẳng như gió thoảng bay”, chẳng thoáng hiện hữu rồi tan biến trong thinh không. Vì, đã có những lời nói đã hủy hoại một cuộc đời, phá đổ cả một tương lai hy vọng của một phận người; lại cũng có những lời đã góp lửa cho những mảnh đời bừng sáng. Chúng ta sẽ chọn để nói những lời nào đây? Hãy học nơi chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Bê-nha-xi, một người chẳng hề có biệt tài ăn nói, nhưng đã là người của những lời động viên, khích lệ. Người trinh nữ thể hiện Lòng Thương Xót của Chúa bằng lời nói.

    Chân phước xuất thân trong gia đình lam lũ cùng cực, nhưng người trinh nữ ấy luôn toát lên niềm vui tươi hồn nhiên. Thân mẫu của chị qua đời khi chị được 17 tuổi, vì thế chị phải quán xuyến mọi việc trong nhà. Năm 18 tuổi, thân phụ của chị muốn chị lập gia đình. Bất chợt, chị bị ngã bệnh nặng và đã mang dị tật suốt đời kể từ đó.

    Cảnh đời trở nên ảm đạm đau thương do bệnh tật. Nhưng, kỳ lạ thay, chị vẫn luôn tươi vui, chan hòa và nhân ái. Tất cả những ai đến thăm chị đều nhận được sự an ủi cảm thông và sự hoán cải nội tâm, khi nghe những lời của chị. Chị Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô Bê-nha-xi qua đời năm 63 tuổi. Mọi người nhắc đến chị như một mẫu gương cho những ai muốn học biết cách dùng lời.

    Trở về với cuộc sống của chính mình, có lẽ chúng ta thường dễ cảm thông cho một vài lời gắt gỏng, khó chịu, khi ta biết nơi người nói đang gặp phải những vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, nếu ta gặp một người bất hạnh đang phải gánh chịu những nghịch cảnh, nhưng nơi người ấy đầy những lời tế nhị, động viên, khích lệ, thì những lời ấy có sức thuyết phục và sự cảm hóa tâm hồn biết bao. Hãy dành một chút thời gian để nghiệm xét lại, có thể có một chút nặng lòng, một chút bối rối xen lẫn sự hối hận, khi ta gặp thấy nơi mình đã hơn một lần phát ra những lời nóng giận thiếu bác ái, những lời vô tình mà cũng có lúc cố ý gây tổn thương đến người khác. Nhưng đây đâu phải là dấu chấm hết cho một tấm hồn muốn hướng thiện! Mẫu gương đời sống lạc quan và tràn đầy tình yêu thương của Chân phước Ma-ri-a Ba-tô-lô-mê-ô cho ta thêm nỗ lực cậy trông vào lòng thương xót của Chúa để xin ơn biến đổi bản thân.

    Lời nói chẳng mất tiền mua,
    Lựa lời mà nói, cho vừa lòng nhau.
    Nói thì suy nghĩ trước sau,
    Gieo tình thân ái, đẹp màu thương yêu.

       Lạy Chúa, nhiều lần trong đời con đã phát ra những lời độc địa tai hại. Điều ấy thường xuất phát từ sự ích kỷ, đố kị, ghen ghét, thù hận. Nhiều khi môi miệng con chưa nói lời hay ý đẹp, chưa mang tình yêu và lòng thương xót của Chúa chuyển trao cho những người sống chung quanh con. Con thành tâm xin Chúa biến đổi tận sâu trong đáy tim con, để từ trái tim yêu thương, môi miệng con sẽ luôn nói lời xinh đẹp. Xin Chúa mở lòng con ra và xin đặt bàn tay uy quyền yêu thương của Ngài trên môi miệng con để giúp con tập nói lời xót thương, lời xây dựng, lời trao ban và cảm thông.

    Và lạy Chúa, mỗi ngày, mỗi lúc xin Chúa dạy con biết mau nghe, đừng vội nói và khi nói xin Chúa dạy con phải nói thế nào cho đẹp lòng Chúa, suôi lòng người nghe, ích lợi cho mọi người. Amen

    Đa Minh Thái Bình, tổng hợp

    Tham khảo nguồn tin:  https://hddmvn.net/

    http://daminhrosalima.net/


    [2] Ngày 03/5/2016, đài truyền hình Việt Nam, phát phóng sự "Cây chổi quét rau" trong chương trình Café sáng trên kênh VTV3.

    Bài viết liên quan